LÊ HỮU UY
(Lời tác giả: Xin được viết về đề tài “Trải nghiệm về thăm quê nhà” trước là để các độc giả có chuyến “Về quê ăn Tết” thêm kinh nghiệm, sau là có bài gởi đến bà con tiêu khiển trong vài phút giây thiêng liêng của ngày Tết Giáp Thìn).
Sáng sớm đầu năm dương lịch ở Phoenix ông mặt trời vừa nhô lên sau rặng cây chà là bên ngọn núi thấp “Camel Back” có hình giống lưng con lạc đà đem nguồn năng lượng tràn ngập cho ngày mới. Trời vào Đông của sa mạc Arizona năm nay tuy không lạnh lắm nhưng cũng đủ làm cho tác giả lười biếng nằm nướng chưa chịu dậy còn quấn trong tấm mền bằng loại vải mịn ấm êm, hạnh phúc mơ màng cùng với nhiều cảm xúc dạt dào của chuyến đi về quê nhà sau 3 tháng mùa Thu năm 2023.
Vừa thưởng thức trà và nghe nhạc là thú vui tao nhã thường có của mấy vị cao niên.
Hình ảnh cùng cảm xúc về chuyến đi đầy thú vị vừa qua của tôi đã 3 tuần rồi vẫn còn chập chờn trong tâm trí. Bài hát “Quê hương là chùm khế ngọt” thơ Nguyễn Trung Quân, Giáp Văn Thạch phổ nhạc, qua tiếng hát thật truyền cảm, dễ thương của cô bé Phương Anh, càng đưa tôi đắm chìm vào dòng hồi tưởng về chuyến đi xuyên Việt mới đây.
Chợt có tiếng báo hiệu tin nhắn trong cái điện thoại gởi từ cô Thanh Mai, một người đẹp, khả ái, tài hoa là chủ nhiệm tờ báo Viet Lifestyles. Sau khi chào hỏi, thăm viếng cô rất lịch sự, thân thương, lời chúc Noel và Năm mới ngọt ngào và không quên (phong cách nghề nghiệp) đề nghị: “Chú Uy viết một bài cho báo “Xuân Giáp Thìn”.
Thôi thì thế này, xin được viết về đề tài “Trải nghiệm về thăm quê nhà”. Cũng hợp tình hợp lý chứ khi mà tác giả đang đắm say trong cơn mơ lưu luyến tình quê còn lãng đãng trong tâm tưởng.
Ai trong chúng ta không mong muốn có chuyến về thăm quê nhà trong dịp Tết, nhất là các cụ cao tuổi làm sao không luôn nhớ về nơi chôn nhau cắt rún? Nơi mà bao kỷ niệm vui buồn theo vận nước, đôi khi là:
“… Hương cau muộn có còn riêng nắng Hạ – Cả một đời thơ dại nhớ vời theo – Cả trăm năm se sắt nắng tiêu điều – Đã gom hết xanh xao của những chiều xuống muộn …!” (Thơ Trần Thúc Vũ).
Còn lại những ai mới đi định cư nước ngoài vài năm gần đây, hay thế hệ lưu vong một rưởi có chút tình luyến lưu với quê nhà, thì:
“… Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng
Quê hương là con đò nhỏ
Êm đềm khua nước ven sông…”
(Bài hát Quê hương là chùm khế ngọt)
Chứ thực tế hôm nay từ thế hệ Việt kiều thứ hai về sau phần lớn không còn biết “Quê hương là con diều biếc” thì làm sao mặn mà với quê nghèo ở nơi xa lắc xa lơ!
Những trường hợp về thăm quê nhà
Về quê ăn Tết
Về quê ăn Tết là điều mong ước của nhiều người, nhiều gia đình mong muốn, tuy nhiên còn tùy thuộc vào từng hoàn cảnh của mỗi trường hợp.
Chi phí cho chuyến đi về thăm quê nhà vào dịp Tết mọi thứ đều khá cao hơn mùa khác, đáp lại là rất vui đoàn viên cùng người thân cho thỏa lòng thương nhớ. Riêng đối với quí vị cao niên thường được các con cháu bày tỏ lòng hiếu thảo đối cha mẹ ông bà, thì cùng nhau đóng góp trang trãi các khoản chi tiêu cho chuyến đi.
Quí vị cao tuổi phần đông cùng đi với người thân, tuy nhiên vấn đề chuyển tiếp chuyến bay từ các phi trường lớn là vấn đề khó khăn đối với các cụ, đôi khi phải chuyển qua vài ba lượt phi trường. Trở ngại lớn nhất đối với các cụ là khoảng cách di chuyển trong phi trường khá xa, thường có thể lên đến hơn cây số, và đứng sếp hàng chờ kiểm tra an ninh đôi khi đến 30 phút vào những ngày lễ hội. Việc hữu hiệu giúp quý hành khách đặc biệt này là xe lăn có người phục vụ (wheelchair).
Có lần trên mạng có ý kiến chê trách tại sao thấy nhiều người Việt lạm dụng việc dùng xe lăn khi chuyển tiếp ở phi trường, có lẽ đây là nhận xét chưa có sự tìm hiểu rõ ràng.
Bạn có biết trong số người dùng wheelchair tóc đen đó chưa chắc đều là người Việt Nam. Họ là người châu Á đấy, đúng vậy! Bạn có chắc là hành khách này thật sự họ không cần tới phương tiện mà hãng máy bay cung cấp? Có cụ trên dưới 80, mà tóc vẫn còn xanh, thuốc nhuộm tóc tốt đấy. Mà người gìa 75-80 trở lên có bao nhiêu bệnh trong người? Thông thường vào tuổi này có 2 bệnh là về tim mạch và thấp khớp nên họ cần hãng máy bay trợ giúp phương tiên là điều cần thiết chứ?
Du lịch Việt Nam
Nhóm thứ hai là du lịch Việt Nam đồng thời cũng là về thăm quê nhà, ngành du lịch Việt Nam đang phát triển mặc dù chậm chạp hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á vậy mà cũng thu hút được nhiều khách du lịch nước ngoài trong đó có Việt kiều.
Việt Nam có địa hình tốt trời ban cho nhiều thắng cảnh:
Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), là một trong những kỳ quan thế giới.
Hà Nội là thành phố đẹp cổ kính nhiều di tích ngàn năm, là thủ đô đẹp nhất trong số các nước Đông Nam Á.
Sapa (Lai Châu) rất đẹp với ruộng bậc thang và núi đồi hùng vĩ được ngành du lịch thế giới chọn là một trong mười thị trấn đẹp nhất thế giới.
Hang Sơn Đoòng (Quảng Bình), là hang động tự nhiên đẹp độc đáo lớn nhất thế giới còn nhiều điều bí ẩn hiện nay đang được tiếp tục khám phá.
Huế và phố cổ Hội An là các di tích được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Đà Nẵng thành phố lớn thứ 3 của Việt Nam, nhiều thắng cảnh, sạch, an ninh, thân thiện được xem là thành phố đáng sống nhất tại Việt Nam.
Việt Nam có rất nhiều bãi biển cát trắng vô cùng đẹp: Sầm Sơn (Thanh Hóa); Mỹ Khê đẹp nhất Châu Á, và Non Nước nằm trong top đẹp nhất thế giới (Đà Nẵng); Tuy Hòa (Phú Yên); Nha Trang (Khánh Hòa); Mũi Né, Đồi Dương (Bình Thuận), Thùy Dương (Vũng Tàu).
Đà Lạt là thành phố thơ mộng mang nét đẹp di sản kiến trúc của trời Âu, một địa điểm nghỉ mát đứng đầu tại bán đảo Đông Dương.
Hai trung tâm du lịch biển đảo là Côn Đảo và Phú Quốc có thể sánh bằng Thakhet (Thái Lan), Bali (Nam Dương), được nhiều du khách trong và ngoài nước chọn làm điểm đến tham quan, hoặc cho kỳ nghĩ dưỡng của họ.
Nếu thích núi rừng hùng vĩ, các thác nước rất đẹp, cỡi voi và trải nghiệm văn hóa của các dân tộc Ê-đê, Bah-na thì lên miền Tây nguyên.
Có nhiều điểm đến cho du khách khám phá thiên nhiên ở các khu bảo tồn có tầm vóc quốc tế như Vườn Quốc Gia Cúc Phương rộng khoảng 20,000 ha (Ninh Bình+ Hòa Bình+ Thanh Hóa); Vườn Quốc Gia Tràm Chim rộng hơn 7,500 ha (Đồng Tháp), v.v…
Ngoài ra, vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là điểm đến của những ai yêu thích trải nghiệm miền sông nước phù sa.
-Vườn Quốc Gia Cúc Phương
Rừng Cúc Phương, tên gọi đầy đủ là Vườn Quốc gia Cúc Phương, là khu bảo tồn thiên nhiên rộng 25,000 ha trãi dài hơn 20 km, chiều rộng hơn 10 km, nằm trên địa phận 3 tỉnh Ninh Bình, Hoà Bình và Thanh Hóa.
Rừng nguyên sinh chứa nhiều bí ẩn đầy kỳ thú cho du khách khám phá, thăm quan.
Rừng Cúc Phương cảm tác:
Sương mù lam tím,
chim ẩn trú
mưa chiều
lạnh,
vượn gọi đàn
muôn thú
vắng
hoang vu.
Lối quanh co
trơn trợt,
Tre già
Nghìn cổ thụ
đợi chờ
xẻ đá
Vạn cây xanh vô tộc, vô danh.
Bốn mươi năm rừng cấm trưởng thành
Ta lạc lõng giữa núi rừng hiu quạnh,
Rừng Cúc Phương âm thầm yên ngủ
Chỉ mình ta trằn trọc đếm mưa rơi.
(Tặng Uy, Hương Phù Sa, TS. Nguyễn Thu Hương – 1991)
Việt Nam còn rất nhiều thắng cảnh khác nữa để tham quan theo sở thích của du khách. Các công ty du lịch đáp ứng đầy đủ những yêu cầu, thời gian, địa điểm với giá cả phải chăng, bao trọn gói, chỉ cần bấm vào Google mọi chi tiết muốn biết đã sẳn sàng rất thuận tiện.
Tuy nhiên đối với một thành phần du khách sức khỏe kém, hoặc có chủ đích riêng thì thực hiện chuyến đi theo cách tự túc, đi theo phương thức này chi phí khá cao hơn đi theo Tour của những công ty du lịch.
Giao thông kết nối các thành phố lớn đều có chuyến bay nội địa. Đi ra các đảo xa như đảo Bạch Long Vĩ (Vịnh Bắc Bộ), đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu), Phú Quốc (Rạch Giá) đều có tàu cao tốc. Các tuyến quan trọng từ Hà Tiên, Rạch Giá ra Phú Quốc; từ TP. HCM và từ Cần Thơ, Sóc Trăng ra Côn Đảo có tàu cao tốc cỡ lớn hai thân, hiện đại đầy đủ tiện nghi, mỗi chuyến chở được đến 400 hành khách.
Một tuyến đường sắt Bắc Nam Sài Gòn – Hà Nội, qua các thành phố lớn dọc theo bờ biển. Từ Hà Nội có các tuyến đường sắt đi: Lào Cai, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Quảng Ninh và Hải Phòng.
Một trường hợp đặc biệt khác du lịch xuyên Việt theo hình thức đi phượt (đi bụi), tôi có người bạn gần đây mới vừa nghỉ hưu non (65 tuổi), hai ông bạn rủ nhau thực hiện chuyến hành trình xuyên Việt theo kiểu đi phượt của những ai trong máu còn phong độ “Đường trường xa, muôn vó câu bay chập chùng, …”
Di chuyển qua các tỉnh thành bằng xe đò, đến nơi thuê xe gắn máy tham quan khắp nơi, sau đó nghỉ ngơi vài ngày rồi lại tiếp tục cuộc hành trình. Vậy mà gần 6 tháng sau hai ông bạn vàng này đã hát xong bài “Dặm trường cái quan” của Phạm Duy – Ra đi từ Ải Nam Quan, không! đi từ Hà Giang đến mũi Cà Mau”. Vì Ải Nam Quan của Việt Nam khi xưa mà học trò tiểu học từ trước năm 1975 đều biết “Nước Việt Nam từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau” nhưng hiện nay địa danh lịch sử này trở thành “Cửa khẩu Hữu Nghị của Trung Quốc” rồi!
Tham quan di tích lịch sử
Riêng tác giả, cố gắng thực hiện điều mong ước của mình, du lịch với mục đích tìm về dòng lịch sử cội nguồn nên trọng tâm của các tuyến đi tham quan nhắm vào di tích lịch sử, thắng cảnh, văn hóa và ẩm thực địa phương.
Vài năm trước dịch cúm Covid, đã đi Đất Mũi và các tỉnh đồng bằng Nam Bộ, Cao nguyên Lâm Viên, Đà Lạt, một vài nơi miền Duyên Hải (đã có bài viết cho các số báo trước đây). Sau mùa dịch, tiếp tục: “Đi đi thôi đi lên trên con đường đầy tia nắng sớm – Đi thăm qua non sông để cho lòng tha thiết yêu” (Tiếng chim gọi đàn)! Từ đó dự định có 3 chuyến ra Bắc và Trung phần.
Chuyến ra Bắc lần đầu năm 2022, thì đã có các bài viết cho Viet Lifestyles năm rồi. Năm 2023 chuyến ra Bắc lần thứ nhì, tiếp tục tham quan Hà Nội mà kỳ rồi còn vài nơi chưa đi được đầy đủ và tìm hiểu thêm vài tỉnh miền Trung Du.
Một vài kinh nghiệm du lịch Việt Nam
Chọn tour du lich
Để được vui vẻ hài lòng cho chuyến đi, nếu đi theo Tour thì hãy xem xét cẩn thận các chi tiết trong hợp đồng, có phục vụ đúng theo yêu cầu của mình không? Các điểm tham quan? So sánh giá cả từ các hãng, và nghiên cứu thời gian có thời tiết tốt ở từng nơi đến tham quan. Điều quan trọng là phẩm chất của chuyến đi, nơi chốn tham quan, khách sạn và ẩm thực.
Đối với một số khách du lịch muốn đi thoải mái nên chọn cách đi tự tức, cái lợi cho chúng ta là muốn đi đâu, lúc nào cũng được, nhưng theo cánh này chi phí khá cao. Tuỳ theo khả năng tài chánh của mình mà quyết định.
Ra miền Bắc
-Hà Nội:
Đến Hà Nội là thủ đô được mệnh danh là “ngàn năm văn hiến” thì dĩ nhiên có rất nhiều di tích lịch sử ngàn năm, danh lam thắng cảnh. Hồ Hoàn Kiếm là trung tâm Hà Nội với Tháp rùa, cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn, chùa Trấn Quốc. Ven hồ có tượng đài vua Lý Thái Tổ, đền QuanThánh, phía Hồ Tây có chùa Vạn Niên, Thiên Niên, Phủ Tây Hồ. Bên cạnh là khu phố cổ “36 phố phường”, Văn Miếu & Quốc Tử Giám, chùa Một Cột, cổng thành cổ Thăng Long và hàng chục di tích khác.
Chúng ta không quên dừng chân trước phù điêu nơi phi công John McCain nhảy dù xuống hồ Trúc Bạch khi máy bay bị bắn rơi ông nhảy dù xuống hồ Trúc Bạch cạnh đường Thanh Niên. Hãy dành một phút tưởng niệm vị ân nhân của người Việt ở hải ngoại cũng như đối với đất nước. Nếu không có ông John McCain lúc bấy giờ làm Thượng nghị sĩ, Chủ tịch Ủy ban Quân Vụ Thượng viện ở Quốc Hội Hoa Kỳ, ông vượt qua được sự thù hận giữ hai nước để vận động Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hóa bang giao, nếu không thì làm sao Việt Nam phát triển được như ngày hôm nay!
Riêng tác giả cũng cố gắng tìm đến các lớp võ VoViNam tại Hà Nội, khi mà ái nữ của mình trước khi đi định cư ở nước ngoài từ Sai Gòn ra Hà Nội phát triển môn phái thành lập lớp võ đầu tiên tại Hà Nội và một lớp khác ở Hà Tây (1996). Trước đó võ sư Lê Hữu Như Khuyên có lớp huấn luyện VoVinam tại Thảo Điền, Sài Gòn. Là một võ sư hai lần vô địch VoViNam toàn quốc, được phong tặng danh hiệu “Kiện tướng quốc gia” (năm 1992). Tuy nhiên, vì thời gian eo hẹp nên không thể đến thăm các lớp võ này.
Chuyến đi ra Bắc lần hai tiếp tục tham quan một vài di tích lịch sử quan trọng ở ngoại ô Hà Nội mà kỳ trước chưa thực hiện được: Đền Hai Bà Trưng, Gò Đống Đa với tượng đài vua Quang Trung, di tích thành Cổ Loa, di tích Nỏ Thần nơi thờ tướng Cao Lỗ người sáng chế ra chiếc nỏ, v.v…
Sau đó tiếp tục đi tham quan các di tích ở Sơn Tây và Hà Tây.
Thành Sơn Tây
-Sơn Tây:
Hãy so sánh các điểm đến sao cho hợp lý nhất. Thí dụ trong chuyến đi vừa qua:
Chúng tôi muốn viếng làng cổ ngoài Bắc, tìm hiểu đời sống ngày xưa theo bài tập đọc hồi còn học lớp ba trường làng, như “Cổng làng, chùa miếu, đình làng, cây đa bến nước, v.v…” Ở Hà Nội có làng cổ Đông Ngạc, tại Sơn Tây có làng cổ Đường Lâm.
Giữa hai làng, chúng tôi chọn Đường Lâm ở Sơn Tây. Địa điểm này không quá xa Hà Nội, nơi đây có nhiều di tích để thăm viếng hơn ở làng cổ Đông Ngạc (Huyện Từ Liêm, Hà Nội).
Làng cổ Đường Lâm, một ngôi làng có hai vị vua là Ngô Quyền với chiến thắng Bạch Đằng giang, vì vua thứ hai đứng lên khởi nghĩa chống quân xâm lược phương Bắc được người dân yêu kính như cha mẹ là Bố Cái Đại Vương, Phùng Hưng.
Lăng Ngô Quyền
Ngoài Lăng vua Ngô Quyền, đền thờ vua Phùng Hưng, còn nhiều di tích khác như đình Mông Thọ, đình Tổng (thờ Bố Cái Đại Vương), chùa Mía (Nơi lưu giử nhiều tượng Phật cổ xưa nhiều trăm năm), hơn một trăm ngôi nhà và di tích hàng trăm năm khác.
Chắc quý đọc giả từng thưởng thức qua bài hát “Đôi mắt người Sơn Tây” thơ phổ nhạc của Quang Dũng:
“… Đôi mắt Người Sơn Tây
U uẩn chiều luân lạc
Buồn viễn xứ khôn khuây,
Buồn viễn xứ khôn khuây
Em hãy cùng ta mơ
Mơ một ngày đất mẹ
Ngày bóng dáng quê hương
Đường hoa khô ráo lệ …”
Chúng ta hãy đi Sơn Tây để tìm xem cô gái Sơn Tây có đôi mắt đẹp đến cỡ nào? Nếu không tìm được, thì khảo sát xem cây bắp quan trọng ra sao trong lương thực của đồng bào miền Trung Du Việt Bắc. Cây bắp cũng là lương thực chính của hầu hết đồng bào Tày, H’mong ở vùng Tây Bắc như Hà Giang, Tuyên Quang, Lai Châu, Sơn La với món ăn “mèn mén” truyền thống của họ.
Trở vào trung tâm thị xã Sơn Tây đừng quên ghé qua chiêm ngưỡng thành cổ Sơn Tây và chụp vài tấm hình nơi cổng thành có rể cây cổ thụ bao phủ.
-Hà Tây:
Dọc theo dãy núi Ba Vì, chúng ta đến Hà Tây, với nhiều điểm đến như: Vườn Quốc gia Ba Vì, Đền thờ và Tượng đài Phù Đổng Thiên Vương trên đỉnh Sóc Sơn, Đi tìm truyền thuyết Sơn Tinh/ Thủy Tinh, Tham quan chùa Non Nước Hà Tây, v.v…
Viếng thăm một di tích lịch sử là chúng ta đi tìm sự kiện năm xưa và nơi đó có thể cho ta lĩnh hội được gì mà người xưa gởi gắm trong đó. Như trong truyền thuyết về Thánh Gióng đánh giặc Ân.
Truyền thuyết cậu bé làng Phù Đổng khi còn rất trẻ yếu đuối, nhưng khi nghe lời hiệu triệu toàn dân chống quân xâm lược giặc Ân phương Bắc, cậu xung phong lên đường đánh giặc.
Được sự hỗ trợ và khích lệ của bô lão và phụ nữ dân làng cậu vươn vai trở thành một thanh niên cường tráng, dũng mãnh! Cởi ngựa sắt vua ban, nhổ bụi tre làm vũ khí (tre là loại cây thực dụng có khắp nơi trong làng quê) đánh đuổi giặc, chiến thắng đem lại yên bình cho quê hương.
Sau đó người anh hùng tuổi trẻ ấy cỡi ngựa sắt lên đỉnh núi Sóc Sơn bay về trời. Các đời sau tôn vinh người là “Phù Đổng Thiên Vương!”
Đến chiêm ngưỡng tượng đài của vị anh hùng dân tộc năm xưa, chúng ta có thể lĩnh hội được gì mà người xưa gởi gắm trong câu chuyện kể, chẳng hạn:
- Sức mạnh chống quân xâm lược là sự ý thức và đoàn kết của toàn dân.
- Vận dụng mọi phương tiện có sẵn trong dân gian: Chiến lược “chiến tranh nhân dân” và chiến thuật “chiến tranh phi đối xứng”.
- Người dân ta thấm nhuần truyền thống vì nước quên mình, như người anh hùng làng Phù Đổng!
Về miền Trung
-Huế:
Huế là thành phố cổ kính, là thủ đô của Nhà Nguyễn có từ mấy trăm năm trước. Nhiều đền đài, lăng tẩm nguy nga rất đẹp, ngoài ra còn có các di tích, thắng cảnh đã đi vào thơ ca: Thành nội Huế với hàng chục cung điện, cầu Tràng Tiền, sông Hương, núi Ngự Bình, chùa Thiên Mụ, chùa Từ Đàm, Huyền không Sơn Thượng, Huyền không Sơn Trung, nhà thờ Phú Cam, v.v… Lăng Tự Đức, lăng Minh Mạng, lăng Khải Định, v.v… Du khách về Việt Nam hãy một lần đến thăm viếng Huế không thể bỏ qua. Huế được cơ quan UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
“Ai ra xứ Huế thì ra
Ai về là về núi Ngự
Ai về là về sông Hương
Nước sông Hương còn thương chưa cạn
Chim núi Ngự tìm bạn bay về
Người tình quê ơi người tình quê
Thương nhớ lắm duyên …”
(Bài hát Ai Ra Xứ Huế)
Tuy nhiên riêng trong chuyến đi Huế kỳ này của tác giả không may mắn là gặp mưa, mà ai cũng biết mưa Huế thế nào rồi rã rích tỉ tê nên đành phải hủy dự định đi thăm các lăng tẩm. Buồn tí xíu!
-Đà Nẵng:
Sông Hàn
Đà Nẵng là thành phố nhiều bãi biển, thắng cảnh đẹp, sạch sẽ và không mấy ồn ào nên nhiều người thích chọn làm điểm nghĩ dưỡng. Người Nhật và Hàn Quốc ưa chuộng Đà Nẵng, có đủ các cửa hàng cung cấp sản phẩm của họ, có cả một siêu thị Hàn Quốc. Cũng có một số du khách Âu châu khác, còn dân trong nước khi nói đến Đà Nẵng thì họ nghĩ ngay đến khu du lịch trên đỉnh núi Bà Nà Hill với cây cầu vàng và nhiều cảnh quan đẹp mắt.
Đêm trên sông Hàn là một trải nghiệm thú vị, du khách không thể không đến viếng chùa Chùa Non Nước, Chùa Linh Ứng cùng các bãi biển Mỹ Khê (Top 25 bãi biển đẹp nhất châu Á); Bãi biển Non Nước (nằm trong top đẹp nhất hành tinh); Bãi Rạng Đà Nẵng đẹp tự nhiên nhất tại bán đảo Sơn Trà; Bãi biển Nam Ô có cụm san hô đẹp nhất. Ở Đà Nẵng có mỏ đá trắng và nghề tạc khắc tượng Phật, Chúa, linh vật, phù điêu nổi tiếng khắp nước. Bạn đừng quên ghé qua Công ty sản phẩm đá quý Non Nước chọn vài món đem về làm quà tặng cho người thân.
Nếu bạn ở thành phố lớn đến Đà Nẵng có các chuyến bay dễ dàng. Còn từ Cần Thơ muốn đi Huế thì không có tuyến bay, vậy bạn có thể lên lịch trình đến Đà Nẵng rồi đi đường bộ qua Đèo Hải Vân vào Huế, gần đó là Hội An. Vậy là bạn có được tour du lịch cả ba điểm đẹp nhất Miền Trung này.
-Hội An:
Đêm hoa đăng trên sông Hội An đẹp đến du khách phải ngỡ ngàng, dạo quanh phố cổ Hội An nơi từng là một hải cảng phồn thịnh với nhiều nước đến trao đổi hàng hóa do đó Hội An có nhiều kiểu kiến trúc khác nhau theo từng khu của sắc dân: Nhật Bản, Trung Hoa, Ấn Độ, châu Âu (Hòa Lan, Anh, Pháp), tạo nên nét đẹp đa văn hóa độc đáo, dĩ nhiên là phải có An Nam ta. Cầu Chùa một di tích quan trọng nhất của Hội An (trong chuyến đi này Cầu Chùa đang được tạo dựng lại theo nguyên mẫu nên không thể đến xem). Sau đó là Đình Cẩm Phô, Miếu Tổ nghề nuôi yến, Hội quán Quảng Đông, Triều Châu; Thương hiệu Tấn Ký là nhà buôn lớn của người Việt.
Vào buổi tối Hội An lên đèn, những lồng đèn màu sắc rực rỡ khắp các cửa hiệu, các con phố. Ngoài ra mỗi chiều tối có các nghệ sĩ trình diễn “Hát bài chòi”! Và không thể quên thưởng thức qua món “Cao Lầu” thức uống giải khát “mót” độc đáo nổi tiếng của phố cổ Hội An nhá!
Vào Nam bộ
-Bình Thuận:
Biển La Gi
Từ Sài gòn đi Phan Thiết có đường cao tốc Long Thành đi Dầu Giây, nay vừa mới khai trương thêm tuyến cao tốc Dầu Giây Phan Thiết (Bình Thuận), như vậy ngày nay từ Long Thành đi Phan Thiết bằng đường cao tốc dễ dàng, thời gian rút ngắn chỉ còn hơn 2 giờ chút. Từ khi có tuyến cao tốc này con đường từ Tp. HCM đi Vũng Tàu có phần giảm tải ít nhiều vào những ngày cuối tuần.
Phan Thiết là vùng đất nắng, gió và cát, nhưng cũng có nhiều điểm đến tham quan như Dinh Thủy Vạn Tú, Cảng cá Phan Thiết, Bãi biển La Gi (Bình Thuận), Bàu Trắng, đồi cát, mũi Kê Gà, v.v… và khu du lịch Mũi Né được nhiều du khách ưa chuộng.
Cô con gái Út ước ao được đến viếng Thiền viện Thường Chiếu nên Ba Uy sắp xếp thời gian đưa cô Út đi tham quan, một thiền viện rất đẹp, thanh tịnh, trang nghiêm do nhà sư Thích Thanh Từ trụ trì.
-Mỹ Tho:
Chùa Vĩnh Tràng là ngôi chùa cổ rộng lớn xây dựng từ giữa thế kỷ 19, độc đáo với nét kiến trúc hài hòa tổng hợp giữa các nền văn hóa Á Âu (Pháp, La Mã, Thái, Miên, Champa). Chùa còn lưu giữ nhiều pho tượng cổ do nghệ nhân Nam Bộ chạm khắc tinh vi. Là một điểm hành hương và du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước.
Đến Mỹ Tho phải nhớ hoài, trên đường từ Cần Thơ quê tui đi ra quê nhà của sếp ở Nhơn Trạch (Đồng Nai), khi ngang qua Mỹ Tho sếp tui nhắc khéo Mỹ Tho nổi tiếng có đặc sản vú sữa Lò Rèn (Vĩnh Kim). Thế là tui ghé chợ Mỹ Tho tìm quà tặng “lấy lòng sếp” để dễ bề tung tăng xuôi ngược Bắc Nam.
Thiệt là một kỷ niệm thú vị, mua vú sữa Lò Rèn với gía $120,000 VNĐ/kg, rất hài lòng vì ngon quá, ngọt quá! Sau đó về nhà mới biết vú sữa Lò Rèn tại xứ sở của nó ở Mỹ Tho có 3 giá: Nếu khách hàng đi xe gắn máy gía $40,000 VNĐ/kg, đi xe con giá $80,000 VN/kg, còn đi xe con láng coóng thêm ra vẻ Việt Kiều nữa giá lên đến $120,000 VNĐ/kg! Hihi!
Một vài sản phẩm đặc biệt
Trà Việt Nam
Từ thuở nhỏ tôi may mắn được theo ông ngoại là một nhà nho nhà thơ làm tiểu đồng hầu trà, có lẽ từ đó bén duyên với trà và thơ ca.
Về trà thì chuyến về quê nhà lần này đã sưu tập được gần như có đủ các danh trà của Việt Nam như: Shan Tuyết cổ thụ (Hà Giang), Trà Nõn Tôm (Thái Nguyên), Trà ướp sen Tây Hồ (Hà Nội), Trà Hoàng Đế, sản phẩm Cung Đình (Huế), Trà Ô Long Tâm Châu (Lâm Đồng). Còn một giống trà vườn vô danh mà tác giả rất yêu thích chẳng thua loại danh trà nào, trà này không thể tìm thấy trên thị trường. Có lẽ từ vùng đất ấy bên sườn đồi lớn lên bằng nước “suối mạch trào” tinh khiết như dòng sữa mẹ nuôi người.
Nghề gốm Việt Nam
Nếu bạn có thể đi tham quan nhiều nơi là dịp để tìm hiểu về nghề gốm Việt Nam một thời nổi tiếng trên thế giới từ mấy trăm năm trước. Sau một thời gian suy thoái, ngày nay ngành gốm đang phục hồi với kỹ thuật tân tiến hầu tranh đua với gốm Trung Hoa, Đài Loan hay Nhật Bản trên một số thị trường.
Gốm Bát Tràng (Hà Nội), gốm Chu Đậu (Hải Dương), gốm Lái Thiêu (Biên Hoà), gốm Minh Long (Bình Dương), gốm Champa (Ninh Thuận, Bình Thuận) và đặc biệt kỹ thuật của nghề gốm Quãng Đức (Tuy Hòa) nay đã mai một!
Niềm mơ ước chuyến ra Bắc lần ba dự trù trong năm 2024, là tham quan miền Tây Bắc và Đông Bắc (Miền Bắc); Bắc Trung phần và sau cùng là Tây nguyên.
Kỷ niệm chuyến đi xuyên Việt 2023
Tình bạn
Đi tham quan Miền Bắc, tìm hiểu thắng cảnh và những di tích ngàn năm là điểm nhấn trong chủ đề của bài viết “Tìm về dòng lịch sử cội nguồn”.
Hơn thế nữa, đây cũng là cơ duyên để diện kiến người bạn qua mạng ảo nhiều năm, ở đó có sự đồng cảm, chia sẻ qua thơ, tản văn, bút ký, chuyện ngắn, v.v … Một tình bạn qua Facebook nay trở thành người bạn thân thiết trong đời thường hết sức tuyệt vời!
Là người Hà Nội từng sinh sống ở nước ngoài, là cô giáo dạy sử cấp 3, còn phảng phất nét đẹp người Hà Nội xưa. Cô là một phụ nữ tài hoa, thân thiện và hết sức khả ái. – Diep Hoang!
Món quà tặng là quyển “Bách khoa thư Hà Nội” chuyên sâu về ngành du lịch. Quyển sách trao tặng cho mình có thể giúp tham khảo thêm để dễ dàng một phần thực hiện các chuyến đi tại miền Bắc cũng như viết về từng nơi đã đi qua.
Trong tình bạn và món quà ý nghĩa về một kỷ niệm đẹp, đẹp lắm, thật đáng ghi nhớ và trân quý!
Nhớ lại mấy câu thơ trên FB bên Hồ Tây, tác giả có lần đọc lại bài thơ cho cô con gái Út nghe, cô là người bạn đồng hành, cũng là một phụ tá đắc lực để sắp xếp các cuộc hành trình dài ngày khắp nơi, thơ của cô Diep Hoang:
“… thoảng hơi gió tri ân mùi hương cũ,
phía kia người thảng thốt gọi vô thanh!”
Trên gương mặt rạng rỡ, cô bé tủm tĩm cười:
- Con cũng thích Hà Nội nữa đó ba, chắc mình ra Hà Nội lần nữa vào mùa Thu lá vàng đẹp thơ mộng, hay mùa Đông trữ tình gì cũng được luôn!
- Ừ, ba cũng nghĩ như vậy. Ba sẽ đưa con tiếp tục chuyến hành trình xuyên Việt vào mùa Thu năm tới.
Cô bé cảm thông sâu sắc với ba nó, lém lỉnh nheo mắt: - Hén ba, con biết mà! Hí hí!
(Bút ký: Trải nghiệm về thăm quê nhà mùa thu 2023 – Arizona, Jan 05, 2024)