0 0
Read Time:9 Minute, 54 Second

(Bài viết gởi tặng nhân ngày birthday của thi sĩ)

Một người mà tôi sắp viết chân dung văn học này là rất lạ. Cả cuộc đời cống hiến cho văn học thi ca không phải là ít, từ những năm tháng của miền Nam – Việt Nam đến khi qua định cư bên Mỹ, vẫn sáng tác thơ làm văn và dìu dắt bao tài hoa, xuất bản, in ấn đặc san từng thế hệ… Anh tập rèn cho bao người khác để thơ văn mà anh khám phá trong họ trưởng thành, nhưng anh vẫn ôm về phần thua thiệt, anh luôn luôn che giấu cả tình cảm lẫn sự nghiệp, rất khiêm nhường, không tranh hơn thua, công cán.

Ở anh phẩm chất của một con người văn học thật sự tuyệt vời, tôi chưa dám nói đến là vĩ đại. Anh không cho tôi viết về anh, song tôi có cảm tưởng rằng, tôi viết cho bao người mà không viết về anh; coi như “nửa hồn tôi thương đau” và thiếu đi tính chân thật, thiếu đi một điều chi, nên tôi cầm bút viết về con người có chút “vĩ nhân” này.

Trước hết tôi xin giới thiệu về thơ của anh, anh làm thơ rất sớm từ trước 1975, cùng thời với Trần Tuấn Kiệt, Hoài Khanh, sau đó thì Thiếu Khanh, nhưng anh cứ muốn hiu hắt bên lề, anh từng tâm sự với tôi:

-Khi buồn khi có cảm xúc anh làm, làm như một cái nghiệp cho vui, chứ anh chẳng hề mong đợi nổi tiếng hay cần ai đọc.
Nghe anh nói, tôi thấy một con người hơi lạ kỳ. Nhưng rồi anh nói:

– Cuộc đời anh yêu thế mà, hồi đó báo chí cũng đăng thơ anh, nhưng anh vẫn cứ thui thủi cho những đóa hoa văn học khác, vì thơ mình có chi đặc biệt?
Anh nói thế, nhưng tôi lại thấy nó khá đặc biệt.

Tôi năn nỉ anh đến mỏi miệng, anh mới tìm lại những bài thơ trước 1975, những bài thơ đã úa vàng, đau thương giấy nhòa qua ngày tháng, nhưng tôi vẫn đọc và thật cảm xúc một tâm hồn thơ của anh, một nhà thơ mang chất thơ, không thể không kỳ vĩ lạ lùng.
Chắc lúc đó anh có nỗi niềm gì đó nên thơ đọng lại, như một chất thuốc sắc keo, mùi vị ắt là linh ứng biết chừng nào, khi ta thưởng thức qua bài:

Trương Chi ơi

tôi ra biển rộng giang tay
sầu theo sóng ngọn bủa vây quanh mình

hai mươi năm một bóng hình

chợt cơn bão dậy khóc tình Trương Chi!

Thơ sao mà buồn thảm thế. Tôi hiểu được tâm sự của anh bọc bạch qua thơ, nỗi buồn như muốn chia xẻ với biển cả mênh mông, nét thơ phóng khoáng mà tâm ý lại ràng buộc.

Thơ luôn luôn là sự tác động của ngoại cảnh vào tâm hồn mình, ở tâm thức mình. Anh ra biển không phải để vui chơi ngắm biển tung tăng, mà anh ra biển với tâm hồn lạc loài cô đơn hoài mộng “Tôi ra” “Biển rộng giang tay” “Sầu theo sóng ngọn…”
Với anh, người buồn, cảnh trở nên tan loãng trong tâm, thật hiu hắt bơ vơ chẳng khác nào như “Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi” mà đại thi hào Nguyễn Du thưở nào đã từng kết tủa vần thơ, viết lên một thi phẩm Truyện Kiều tuyệt vời – Những câu thơ trác tuyệt, tâm trí miên man sâu thẳm ấy…

Hạ Thảo Yên (HTY) cho ta nghĩ rằng biển chỉ đẹp khi hai người cùng đi, cùng ngắm, biển sẽ lặng buồn khi một mình đối diện với sóng khơi, muôn nẻo, muôn trùng, sóng biển mênh mông mà mình thì lạc lõng “khóc tình Trương Chi” là anh bắt được nhịp, lòng cực đoan của anh, của con người tâm lý hạnh phúc và khổ đau. Chính vì vậy mà bao thơ ca, bao bài ca, phim ảnh cũng đã thể hiện một cách tinh tế về ngoại cảnh này, nhân vật mình rung động theo từng hoàn cảnh là như thế với biển cả, tâm hồn cảm thức thi ca, ứ đọng bung ra để giang tay đón lấy để khóc tình qua câu “hai mươi năm một bóng hình” thì còn gì son sắc kỳ bí nào bằng!

Câu thơ anh là câu thơ khoắc khoải niềm đau thương được tính theo một dung lượng thời gian, đến sự giằng xé trải dài mà anh tiên đoán “hai mươi năm một bóng hình,” “chợt cơn bão dậy khóc tình Trương Chi.”

Thơ anh, cho phép chúng ta nghĩ là trái tim niềm đau và chung tình thật đáng “làm quà quý hóa cho nhân sinh!”
Rồi bài:
Giấc ngủ chiều

chiều buồn giấc ngủ quanh co

mưa phong hiên vắng con đò về xuôi

một đời tình ái nổi trôi

nay đêm thị trấn mai rồi bãi hoang

đường dài lòng nặng hoang mang

môi không rượu tiễn võ vàng bước đi

mùa Thu vàng tuổi dậy thì

vết chân cỏ úa về ghi ân tình

đêm buồn bóng tối điêu linh

xác xơ gối bạn lẻ mình bâng khuâng

ơi em chớm mộng tàn xuân

anh thôi ngày tháng lỡ lầm tình nhau!

Thơ anh vẫn buồn thiu thỉu, buồn vô bờ, buồn không cập bến, buồn như vồ vập, buồn không nghỉ ngơi. Nhưng rồi anh chấp nhận từ trong tâm tư:

ơi em chớm mộng tàn xuân

anh thôi ngày tháng lỡ lầm tình nhau

Anh đã biết tình yêu vốn dĩ mong manh như nắng lụa, lạt như tơ trời, muộn phiền như dòng nước huyền hoặc phiêu du, ra đi không ngừng nghỉ… thì đành rằng chấp nhận, sự phó thác cho duyên tình. Thơ anh nhìn từ một ý niệm sâu xa, hình dung được cuộc tình dâu bể mai đây ngăn cách lỡ lầm “anh thôi ngày tháng lỡ lầm tình nhau!”

“Anh thôi” cho anh cảm nhận ra nó. Thật ra thơ của Hà Thảo Yên không chịu khó đọc, sẽ không dễ dàng cảm nhận giá trị đích thực hay của nó, vì tứ thơ nó sâu thăm thẳm, gói chặt chẽ trong niềm cô quạnh thôi miên, mới đọc thì câu thơ có vẻ phớt lờ giản đơn, bề mặt. Nhưng đọc kỹ lại khác lắm, nó không phải là như vậy!
Chúng ta hãy đọc thêm một bài, đây là bài thơ của anh tôi cho là hay nhất, ý nhị nhất. Bốn câu đầu tôi rất là thích về ý nghĩa tự thiền của nó.

Đêm tịnh yên

tôi ngồi đốt củi canh thâu

bóng xa lay lắt mang sầu hư vô

tôi giơ tay dập tay vồ

ôm vào khoảng trống chịu xô vì đời

Thơ tình yêu nhưng phong vị thiền, vì thiền từ trong nội tâm nhân chủ của nó. Chứ không phải thiền ở miệng, thiền của sự hô hào rỗng tếch, được thổi phổng như một chiếc bánh vẽ, không có thật kia (?)

Theo tôi thơ thiền là chí ý hào khí của nó toát lên ung dung, vô tư lự, mặc khải với cuộc đời, yên ắng tự tại, chứ không phải mình cố nói ra thiền, để gọi là thiền. Thiền hay không là bậc chí sĩ đọc lên sẽ cảm nhận, con chữ trừu tượng nhưng vẫn có thần trí, và hồn tính, có bản chất của nó! Chứ thơ không thể nào nhận sự tặng “ầm bừa” từ nơi chúng ta. Hoặc là một cách tán đồng nói hùa hè vô lối đâu!

Và chúng ta hãy đọc những câu thơ tiếp:

tôi ngồi đốt củi canh thâu

bóng xa lay lắt mang sầu hư vô

Tâm trạng tác giả chấp nhận ngồi mà đốt củi, ai đã từng nghe ngồi trước ánh củi lửa bập bùng sẽ thấy lòng tự ấm, quên hết phiền não, niềm đau cắt hết, mọi phức tức buông bỏ, thiền là chỗ đó. Chân thể trống không, trả lại cho đời “bóng xa lay lắt…” Âm hưởng của thơ, chẳng còn chi chút than phiền của Hà Thảo Yên. Cách sáng tạo trong tâm tư thơ Hà Thảo Yên rất chi là lạ, tha thiết tự tại, mà lại bình thường chuẩn mực, nghiêm mẫu định đoạt, hiểu biết sự sống tình yêu, con người vốn tự như thế!
Bốn câu cuối:

từ tôi áo trận quay đi

lưng hong lửa đạn da chì nắng mưa

tôi lần từng kẻ tay thưa

cát rơi vội xuống còn thừa lại tôi
Đọc bốn câu cuối ta như nghe qua anh nói gì rồi, anh muốn gì rồi. Nỗi buồn được chiết ra để kết luận cho cảnh buồn trong chính mình. “tôi lần” từng kẻ tay thưa,“cát rơi” vội xuống còn thừa lại tôi.

Như một sự chấp nhận của phiên bản, không lối thoát đã là như thế, chỉ thấy cát rơi qua ngón tay trong cảm nhận, nhận lại niềm đau, thế là hết, là hết rồi… Một cuộc tình, một tình yêu, sự ly tan trả về quá khứ, để hiện tại đổ nát, vụn vỡ…

Không thấy giọng thơ buồn rên rỉ, nhưng ta thấy một nỗi buồn lớn biết chừng nào của câu thơ thẫn thờ hồn sắc, mênh mông như thiền định mà tác giả đã chịu đựng và chấp chứa như tựa đề anh lấy là “Đêm Tịnh Yên” có lẽ là như thế.

Sau đây tôi xin giới thiệu khái quát một số bài thơ nổi bật của anh mà tôi thích…

 đêm tịnh yên

 tôi ngồi đốt củi canh thâu

 bóng xa lay lắt mang sầu hư vô

 tôi giơ tay dập tay vồ

 ôm vào khoảng trống chịu xô vì đời

 từ em xa cách tiếng cười

 nụ hôn vàng lạnh môi người vu quy

 từ tôi áo trận quay đi

 lưng hong lửa đạn da chì nắng mưa

 tôi lần từng kẻ tay thưa

 cát rơi vội xuống còn thừa lại tôi

 giấc ngủ chiều

 chiều buồn giấc ngủ quanh co

 mưa phong hiên vắng con đò về xuôi

 một đời tình ái nổi trôi

 nay đêm thị trấn mai rồi bãi hoang

 đường dài lòng nặng hoang mang

 môi không rượu tiễn võ vàng bước đi

mùa thu vàng tuổi dậy thì

 vết chân cỏ úa về ghi ân tình

 đêm buồn bóng tối điêu linh

 xác xơ gối bạn lẻ mình bâng khuâng

 ơi em chớm mộng tàn xuân

 anh thôi ngày tháng lỡ lầm tình nhau

Hà Thảo Yên nói về tài anh làm thơ để chia sẻ, để thể hiện tâm hồn, đau thương ngấn lệ. “Thương hoài thương mãi nghìn năm” là chuyện không có gì đáng nói nữa. Cái đáng nói là anh có một tấm lòng lượng biển, khó ai sánh bằng. Anh không yêu, không ghét, không giận, không hờn ai, ngay cả những kẻ làm tổn thương anh hoặc đối xử với anh tệ bạc.
Văn chương thơ ca thì mỗi người một vẻ tôi không cần nói nhiều, mà điều tôi cần nói là tinh thần bao dung độ lượng với đời – với người, với thi ca anh như nhau, anh không hơn thua ai, giỏi không khen, dở không chê, anh biết và để bụng. Có cơ hội anh đem kinh nghiệm, hiểu biết sách báo chỉ dẫn mong người khác tiến bộ, là anh mừng. Đó là điều tôi muốn nói ở anh, con người nhà thơ Hạ Thảo Yên – Một nhà thơ khí phách rất lỗi lạc, hơn vần thơ lỗi lạc kia.

Happy
Happy
0 %
Sad
Sad
0 %
Excited
Excited
0 %
Sleepy
Sleepy
0 %
Angry
Angry
0 %
Surprise
Surprise
0 %
Previous post Huyền thoại về thầy Tuệ Sỹ
Next post Giáng sinh tại Nhà Trắng Atlanta – Giấc mơ Mỹ thành sự thật Christmas at the Atlanta White House – An American Dream Realized!!!

Average Rating

5 Star
0%
4 Star
0%
3 Star
0%
2 Star
0%
1 Star
0%

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.