0 0
Read Time:7 Minute, 51 Second


TRẦN PHÚ ĐA

Trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn vài ngày tôi về thăm mẹ già sau nhiều năm tha hương, trên hành trình bay tôi đã nhận ra những điều thật đẹp và không đẹp…

Cái đẹp nơi đất khách
Tại hai sân bay quốc tế Atlanta Hoa Kỳ và Incheon Korea Hàn Quốc, tất cả hành khách trong đó có gia đình tôi đã thấy các nhân viên sân bay và các tiếp viên hàng không đều thân thiện, nụ cười thường trực trên môi mặc dù họ rất bận rộn với công việc. Từ cách ăn nói đến hành động giao tiếp ứng xử của họ đều rất mực ôn tồn, nhân viên an ninh sân bay kiểm tra rất khoa học không có chút gì gây phiền hà cho hành khách.

Một điều mà các phương tiện truyền thông Việt ngữ ở hải ngoại gần đây đồng loạt lên tiếng là việc người ta ngồi trên xe đẩy quá nhiều, ngoại trừ người già, người khuyết tật nặng số còn lại trông khỏe mạnh và rất trẻ. Trong giờ nghỉ để chuyển tiếp chuyến bay tại sân bay Incheon Korea, tôi lân la trò chuyện với một vài người đang dùng xe đẩy, thật ra dịch vụ xe đẩy ở các sân bay là điều cần thiết, vì có nhiều ông bà cụ lớn tuổi lại thêm mắc phải những chứng bệnh mà việc đi lại di chuyển khó khăn nên rất cần đến dịch vụ trợ giúp này. Số còn lại thì tôi được biết họ cũng không muốn làm như vậy, nhưng tình thế bắt buộc, vì đa phần họ không biết rành ngoại ngữ, mà sân bay thì các bảng hướng dẫn đều ghi bằng tiếng Anh. Không những người Việt mà còn có cả người Hàn, người Trung Hoa, châu Phi, nếu không rành dễ bị lạc đường không theo kịp người thành thạo đã đi trước cho nên họ đã chọn giải pháp tốt nhất là mua vé kèm xe đẩy. Chúng ta đồng cảm với họ nhưng cũng cần nhắc nhở bà con anh chị em không nên lạm dụng dịch vụ này mà làm ảnh hưởng đến người khác.

Cái không đẹp trên quê nhà
Máy bay đáp xuống sân bay quốc tế Đà Nẵng hơn 9 giờ tối (giờ Việt Nam). Hành khách về thăm quê ăn Tết trên chuyến bay này đông vô kể, từ các cụ ông cụ bà, các cô dì chú bác đến các em bé, có em lững chững đi, có em ba mẹ bồng bế hoặc đẩy xe.

Ra khỏi máy bay lên xe chuyển tiếp, tôi đã thấy cảnh tượng người ta chen lấn để được đi trước, dành chỗ ngồi trên xe, bất luận người đi bên cạnh mình tuổi cao sức yếu (tôi thầm tự hỏi văn hóa xếp hàng đâu rồi, ít ra những người Việt về thăm quê lần này có người đã sống ở Mỹ ít nhất cũng 4 hoặc năm năm sao họ quên cách ứng xử khi đi lại vậy?)

Tới khu vực kiểm tra an ninh một điều khiến tôi rất xấu hổ là một số nhân viên công quyền được giao nhiệm vụ ở sân bay đã cấu kết với một số người  chuyên cò mồi, lấy tiền hành khách để được kiểm tra giấy tờ tùy thân và hành lý trước dù rằng theo thứ tự họ là người đến sau. Trong đám đông người về thăm quê tôi thấy có nhiều nhóm người (nhất là Hoa kiều) họ đưa tiền cho công an kẹp trong các tấm giấy thông hành như passport, visa để được lượt qua và ra trước một cách an toàn. Gia đình tôi và nhiều người cứ đứng xếp hàng rất lâu và mệt mỏi. Do mình không cậy nhờ một ai cho nên việc kiểm tra an ninh rồi qua cửa Hải quan rất khó khăn. Được biết sân bay quốc tế Đà Nẵng tuy lộn xộn, nhưng so với các sân bay khác như Sài Gòn, Hà Nội còn phức tạp hơn nhiều.

Tại sân bay Quốc tế Đà Nẵng

Về quê ăn Tết
Sau nhiều cái Tết xa nhà, tôi trở về để thăm mẹ già nay đã trên 90 tuổi, thăm các em và các cháu, để mẹ mừng vui khi được gặp lại cháu nội, chắc ngoại. Vợ chồng con trai tôi đã mua sắm chút ít đồ để trang hoàng nhà cửa cho ra Tết. Trên bàn thờ tổ tiên đã được sửa soạn và bày biện các lễ vật để dâng cúng, cả nhà thờ bên nội bên ngoại đều được con cháu chuẩn bị tươm tất.

Chiều cuối năm gia đình nấu mâm cơm cúng tất niên sau đó kết hợp tổ chức sinh nhật cho con trai trưởng, chỉ nội bộ con cháu trong gia đình, theo tôi như vậy đã là đủ và ấm cúng rồi. Dành thời gian tôi đi quanh xóm vừa thăm bà con vừa tìm hiểu cuộc sống có gì thay đổi không. Khi tiếp xúc trò chuyện tôi quan sát thấy đa số bà con đều nói tình hình kinh tế mấy năm gần đây èo ụt, thất nghiệp nhiều nên Tết cũng chỉ bình thường chứ đâu có tiền mà mua sắm cho lắm

Hơn chục năm trước và xa hơn thế nữa, khi miền Nam còn hưng thịnh (mặc dù nằm trong tình trạng chiến tranh) mỗi khi Xuân về Tết đến cái không khi chuẩn bị Tết ở quê tôi rất rộn ràng. Trên khắp các đường làng ngõ xóm tiếng cười nói hòa lẫn trong tiếng rang nổ, chấy nếp để làm bánh. Nhiều nhà đã bắt đầu làm thịt heo rồi cúng tất niên, đốt pháo, nhà nhà cúng, người người mời nâng ly chúc mừng lẫn nhau thật là ấm áp. Bây giờ tôi không hề nhận ra cái không khí Tết ngoại trừ mấy chậu quất, cây mai trước sân nhà, không còn hình ảnh người đi du Xuân tấp nập. Không có các trò chơi truyền thống như bài chòi, trò chơi bầu cua tôm cá, chỉ có ít người lén lút đánh bài xì tẩy, xì lát vừa để tiêu tiền vừa đỡ ghiền. Tôi còn nhớ ngày ấy khi chuẩn bị đón Tết cha tôi thường nói đi xin nhánh mai của nhà hàng xóm về chưng Tết cho vui cửa vui nhà nay cũng chẳng thấy ai làm chuyện này nữa.

Ba ngày Tết đi qua thật nhanh, nhớ câu thơ xuân ngày trước của ông Chế Lan Viên: “Tôi có chờ đâu, có đợi đâu/ Đem chi xuân đến gợi thêm sầu/ Với tôi, tất cả như vô nghĩa/ Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau…” mà cảm thấy xót xa.

Chợ Tết ở quê

Tết với bà con người Việt ở hải ngoại còn đậm đà gấp mấy lần ở quê hương, những chợ hoa, hội Xuân dân tộc, múa lân đốt pháo, quy tụ lại thi thố tài năng, tái hiện cái Tết xưa thật ấm áp và đầy ắp nghĩa tình. Tại tiểu bang Georgia qua nhiều lần kiến nghị của cộng đồng, tiểu bang đã có Nghị quyết về ngày Tết âm lịch (Lunar Year) nên hằng năm Tết âm lịch được tổ chức bài bản hơn, đông vui hơn. Vậy cớ sao ngay trên quê nhà mà không thấy Tết, những miếng thịt heo, bánh tét bày biện trên bàn như vô hồn, tôi ngơ ngẩn khi nhìn những hạt mưa Xuân lất phất bay ngoài sân vắng mà chạnh lòng.

Những năm không về thăm quê, hễ đến cuối năm tôi thường dong ruổi trên khắp các thành phố các nẻo đường của tiểu bang Georgia, nơi tôi đang sống, để tận mắt chứng kiến không khí Tết cổ truyền tha hương. Bao nhiêu yêu thương bà con đều dành cho nhau, tuy không phải anh chị em ruột thịt nhưng lại hơn thế nữa. Những cái ôm nhau, những cái bắt tay, ánh mắt nụ cười trông hiền lành và thật đẹp. Tất cả các Hội đoàn, Hội đồng hương đều tổ chức họp mặt mừng Xuân trao cho nhau những món quà chúc thọ người cao niên, những phong bì lì xì dành cho trẻ em với biết bao ân tình sâu nặng.

Tết Georgia

Đôi điều góp nhặt lại trong những ngày về thăm quê, thăm mẹ tôi đã nhận ra rằng trên quê hương mình giờ đây mọi người hầu như không còn lòng vị tha chỉ biết lo cho mình. Những vị có chức có quyền nằm trong guồng máy cai trị của chế độ Cộng Sản, hầu hết đều có xe ô tô, sống trong những ngôi biệt phủ sang trọng, ăn cơm Tây uống rượu ngoại, trong khi đó người dân lại tất bật “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” để kiếm từng hạt lúa củ khoai, chật vật hít thở không khí ô nhiễm trong các nhà máy, công trường mà tiền lương thì không đủ trang trải cho cuộc sống.

Kiểu này còn lâu mới vượt qua “thằng em” Campuchia, Lào chứ đừng nói Singapore hay các nước phát triển trong khu vực, chứ đừng mơ cuộc sống sung túc đầy đủ trong một thể chế tự do dân chủ của phương Tây.

Happy
Happy
0 %
Sad
Sad
0 %
Excited
Excited
0 %
Sleepy
Sleepy
0 %
Angry
Angry
0 %
Surprise
Surprise
0 %
Previous post Vietlifestyle Magazine Issue 157
Next post Hội thánh tin lành Báp-Tít PhoenixLễ cảm tạ 25 năm thành lập và lễ tấn phong cho tân Mục sư Lê Thanh Bình

Average Rating

5 Star
0%
4 Star
0%
3 Star
0%
2 Star
0%
1 Star
0%

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.