TRẦN PHÚ ĐA thực hiện
Mùa thu năm nay nơi tôi ở, lá chưa kịp nhuốm màu thì nhiều hàng cây lá đã bắt đầu rụng dần, thời tiết chuyển đổi bất thường se lạnh và có mưa nhẹ, những hạt mưa thu bay lất phất qua đường, khiến lữ khách chạnh nhớ cố hương, đã nhiều lần gặp một ông lão tóc trắng, dáng người đạo mạo thường đi chợ vào mỗi sáng, bước từng bước chậm nhưng chắc, tôi có duyên được nghe ông trò chuyện dù mỗi lần như vậy thời gian rất ít ỏi nhưng trong tôi luôn hiện hữu một con người tài hoa vang bóng một thời.
Chiều nay, khi tiết trời giữa thu, chút nắng cuối ngày còn vương trên cành cây ngoài parking lot của khu thương mại Sài Gòn Chamblee, tôi lại bắt gặp ông vẫn hiền từ chào hỏi rồi thân thiện mời tôi về nhà ông cho biết và tôi đã vui vẻ nhận lời.
Ông tên thật là Huỳnh Văn Quang, nghệ danh Nhật Thùy Phong năm nay đã qua ngưỡng “bát thập tuần dư“ nghĩa là theo như ông nói đã trên 82 mùa lá rụng rồi. Sinh ra và lớn lên ở Tây Ninh, tuy là địa phương không có biển, quanh năm chỉ có nắng và gió và cũng chính điều này đã làm cho Tây Ninh thêm đẹp và đáng yêu biết dường nào. Nơi ông sinh ra chính là đầu nguồn của đạo Cao Đài miền Nam Việt Nam, nơi đây có rất nhiều điểm du lịch rất kỳ thú thu hút rất nhiều du khách từ khắp nơi hội tụ về để chiêm ngưỡng vẻ đẹp tuyệt mỹ của núi Bà Đen, Ma Thiên Lãnh, Tòa Thánh Tây Ninh, Tháp cổ Bình Thạnh…
Tốt nghiệp Tú tài ông Huỳnh Văn Quang thi vào trường Mỹ Thuật Gia Định Sài Gòn và theo học ngành Trang trí Hội họa Điêu khắc, năm 1963 sau biến cố của nền Đệ nhất Việt Nam Cộng Hòa ông đã tốt nghiệp loại ưu và ra trường, cùng thời kỳ chiến tranh bùng phát, ông Huỳnh Văn Quang cũng như bao trai tráng trong làng phải lên đường tham gia bảo vệ tổ quốc chống lại chủ nghĩa bành trướng xâm lược của Cộng Sản miền Bắc được hậu thuẩn của Liên Xô và Trung Quốc và trở thành lính Hải thuyền trong ngành Tâm Lý Chiến của binh chủng Hải Quân.
Mặc dù đi lính nhưng ông Huỳnh Văn Quang-Nhật Thùy Phong luôn ôm ấp nghề mỹ thuật trong lòng, ông đã vẽ nhiều bức tranh, chân dung phục vụ cho chiến trận và cả cuộc sống xã hội bên ngoài, với tay nghề điêu luyện hầu hết những bức tranh, tượng điêu khắc hay bức ký họa mà nghệ danh Nhật Thùy Phong thực hiện đều sống động và mang một tâm hồn bức phá lên mọi suy nghĩ tầm thường.
Cùng thời gian ông học ở Sài Gòn, chàng trai Tây Ninh đã đem lòng thương một cô gái Bạc Liêu, nàng Trần Kim Anh đẹp người đẹp nết rời quê nhà lên đô thành khi mới vừa tròn 3 tuổi, trai tài gái sắc gặp nhau và sau hai năm khi ông tốt nghiệp Mỹ thuật (1966) hai người đã được họ hàng cha mẹ đôi bên tác hợp lương duyên, họ sống thủy chung son sắt mãi cho đến ngày hôm nay. Hai ông bà sinh hạ được 8 người con, 4 trai 4 gái và đang định cư tại Hoa Kỳ với 4 cháu nội 7 cháu ngoại, có hai cháu đang tại ngũ trong quân đội Hoa Kỳ.
Dạo quanh vườn ông hái tặng tôi những quả hồng to tròn xinh xắn, đây là cây hồng mà ông yêu quý chăm sóc từng ngày, phía sau nhà ông là một hồ nuôi cá kiểng trông rất đẹp mắt. Để tận mắt chứng kiến những công trình mà ông để tâm thực hiện khi rời quê nhà về định cư tại thành phố Chamblee miền Đông Nam Hoa Kỳ này, ông đưa tôi đi thăm nơi ông thờ phượng, những tượng Phật chính bàn tay ông điêu khắc toát lên hạnh từ bi và ánh sáng đẹp, trong đó có cả tượng chúa Giesu, trên tường ông treo những bức tranh chính tay ông vẽ, một bức tượng điêu khắc Thánh Quan Công là hàng mẫu đang đứng uy nghiêm với một thần thái tươi tắn, ông đã bán được nhiều tượng như thế này, tôi được ông cho biết thêm, gia đình qua Mỹ trong thập niên 80 theo diện con lai, ông từ tốn nói rằng: Cũng nhờ vào hồng phúc vào năm 1966 sau khi đám cưới ở Vũng Tàu ông được một cô gái cho một đứa con còn đỏ hỏn, vợ chồng ông cưu mang nuôi nấng, đây là một đứa bé lai thật dễ thương, nó lớn dần trong tình yêu thương của đôi vợ chồng trẻ. Khi hai bên chính phủ cho xuất cảnh theo diện con lai, gia đình ông đã được chấp thuận ra đi định cư, tuy thời gian ban đầu gặp không ít khó khăn nhưng rồi đâu cũng vào đấy, qua Mỹ ông nhận hợp đồng chế tác các bức phù điêu, những bức tranh hội xuân cho Cộng Đồng, vẽ tranh giỗ tổ Hùng Vương, kỷ niệm hai Bà Trưng…
Tiếng lành đồn xa, tranh vẽ và tượng điêu khắc của ông Huỳnh Văn Quang-Nhật Thùy Phong không những được mọi người biết đến trong tiểu bang mà còn có mặt ở nhiều tiểu bang lân cận, làm nghề theo nghiệp để kiếm cơm nuôi con cái ăn học nơi đất lạ, đến nay các con ông đều đã lập gia đình, cô con gái làm địa ốc được nhiều người quý mến.
Anh con trai lai cũng đã có vợ một người con gái lai Pháp sinh hạ được hai cháu trai kháu khỉnh, tuy hiện tại gia đình anh con trai ở tận Washington nhưng anh luôn về thăm ông bà và điện hỏi thăm sức khỏe thường xuyên, thật có hiếu.
Ngồi trong gian phòng khách được ông bày biện đẹp mắt, bà Kim Anh tuy tuổi cũng đã cao nhưng cách ăn nói rất đúng mực, ông bà không khoe khoang nhưng nhìn những gì có được, cùng với những lời anh chị em thân hữu nói chuyện đã thấy được sức học, sức làm việc cùng với cách hành xử của một người theo đạo đã khiến cho bất kỳ ai gặp ông cũng đều mến phục.
Chụp vài tấm ảnh, dạo quanh khu nhà ông ở một vòng, tôi ra về mang theo niềm hãnh diện khi có được những con người ly hương nhưng luôn hướng về nguồn cội như ông Huỳnh Văn Quang-Nhật Huy Phong, mong cho đất nước thật sự thanh bình, tự do dân chủ, để mọi người chung sống với nhau trong tình yêu thương đồng bào như trước ngày 30 tháng 4 khi miền Nam còn xôn xao nắng đẹp.