CHÂU VŨ BẢO UYÊN
Theo tờ AJC (Atlanta Journal Constitution) là tờ báo Mỹ danh tiếng nhất của Georgia, đã lên tiếng chỉ trích Dorothy Dean, là nghị viên của thành phố Morrow về việc bà đã tuyên bố rằng “Nghị viên Mỹ gốc Việt Vân Trần không xứng đáng là công dân Hoa Kỳ, cũng như là nghị Viên của thành phố Morrow”, chỉ vì cô ta đã vận động bà con cư dân ở thành phố Morrow và vùng phụ cận. Cũng như thị trưởng thành phố Morrow là John Lampl, cùng chính quyền của địa hạt Morrow trong việc thực hiện thêm những phiếu bầu cử bằng tiếng Việt và tiếng Tây Ban Nha trong những kỳ bầu cử sắp tới, và tương lai ở địa hạt Morrow, từ cuộc họp hội đồng định kỳ, tối Thứ ba ngày 18/7/2023.
Lời nói khiếm nhã với những từ ngữ nặng nghĩa khinh khi, rẻ rúng, và miệt thị của bà Dorothy Dean đã làm rúng động, cũng như chạm mạnh đến sự cao ngạo, tinh thần tự hào dân tộc, suy tôn lòng tự trọng của rất nhiều người dân cư ngụ khắp nơi tại GA, từ Duluth, Dunwoody, Gwinnet,… chứ không chỉ riêng người dân tại thành phố Morrow. Và sự bất bình này không chỉ dành riêng cho người Việt, người Tây Ban Nha, người Mễ Tây Cơ hoặc những người dân GA gốc Á (Đài Loan, Đại Hàn, Thái Lan, Ấn Độ…), mà sức ảnh hưởng từ những lời nói với những ngôn từ kém văn hóa, thiếu tình người (dù vô tình hay cố ý) của bà Dorothy Dean còn là nguồn gốc gây “lửa”, làm dậy sóng lòng tự trọng của chính những người dân bản địa; họ là những người Mỹ da trắng và những người Mỹ da màu.
Trên cương vị một người Mỹ gốc Việt khi suy ngẫm về “un-American”, tôi liên tưởng đến lịch sử của Mỹ và Việt Nam, và làm thế nào người Mỹ gốc Việt có thể đồng hành với người da đen trong quá trình tranh đấu chung để đòi tự do và được giải phóng.
Sinh trưởng tại Việt Nam, tôi đã từng biết về “Mỹ” qua ba má tôi và những cuốn phim của Hollywood. Nước Mỹ là nơi mà ai ai cũng có tự do, nơi có đầy Ovaltine, sữa tươi và Coca Cola, và người nào cũng sống trong một căn nhà như trong phim “Home Alone”. Mỹ là nơi mà điều kiện sống tốt đến nỗi có những người Việt Nam đã liều lĩnh, tốn kém, và có cả những người, những gia đình phải bỏ mạng sống cũng chỉ vì hai chữ ” Tự Do” mà chấp nhận hy sinh, đánh đổi nhiều thứ. Đó là cái giá của hơn ba triệu người Việt – đã đánh cuộc bằng mạng sống của mình, khi bỏ xứ ra đi trên một chiếc thuyền để đến một xứ sở cách xa hơn 11,000 cây số.
Sinh trưởng tại Việt Nam và Mỹ, ba má tôi thường dùng cụm từ “người Mỹ” để nói đến một người da trắng. Chúng tôi là người Việt, những người khác là người da đen, Đại Hàn, Trung Hoa, Nhật, Mỹ, Phillippines, … Nước Mỹ đương nhiên là xứ sở của người da trắng. Phải nhiều năm sau, tôi mới thực sự hiểu lịch sử của Mỹ châu, và người da đen đã đến lục địa này bằng cách nào.
Người Bồ Đào Nha khởi xướng cuộc buôn nô lệ xuyên Đại Tây dương vào khoảng năm 1840. Người Tây Ban Nha mang nô lệ từ Phi châu đến vùng đất bây giờ là tiểu bang South Carolina vào năm 1526. Các quốc gia Âu châu nhanh chóng theo chân. Theo ước lượng, khoảng 10 đến 12 triệu người Phi châu đã bị buộc lìa quê hương của họ từ thế kỷ 14 đến 17. Họ bị tải đi một cách tàn nhẫn qua 8000 cây số để lao động dưới các điều kiện khắc nghiệt ở các đồn điền sản xuất đường, thuốc lá, lúa và vải sợi. Nguồn nhân công miễn phí kéo dài hàng mấy trăm năm này đưa đến sự thịnh vượng và quyền lực vĩ đại cho Âu châu, người Âu châu và người Mỹ gốc Âu châu (những người đã bứng gốc người da đỏ bản xứ để cướp đất của họ).
Khi tôi đề cập đến phần này của lịch sử Hoa kỳ với các người Mỹ gốc Việt khác, tôi thường nghe câu trả lời: “nhưng chuyện đó đã lâu lắm rồi.” Tôi hiểu tại sao họ ngại ngùng không muốn nghĩ đến đề tài đó.
Trong cuộc Việt Nam nội chiến, ba tôi đã mất hết, mất tất cả tài sản vật chất cũng như tinh thần. Ông bị tước đi quyền làm người. Ông cảm thấy bị làm nhục. Ông cảm thấy mất giá trị, đối với xã hội cũng như với chính mình. Ông mất quyền được di chuyển, được có việc làm, và được sống yên lành. Với ông và nhiều người tị nạn Việt Nam, nước Mỹ là cơ hội thứ hai để khôi phục những gì họ đã đánh mất.
Ba má tôi thường nói về lòng biết ơn và chịu ơn những người đã giúp chúng tôi. Hiện tôi đang ở Việt nam và nhân dịp Tết, liên tục thăm viếng họ hàng và bạn của ba má. Tôi mệt rã rời vào cuối ngày. Khi trò chuyện với má, bà nhắc tôi ai tử tế với chúng tôi, cho chúng tôi mượn tiền, và ai đã cho chúng tôi ở nhờ mấy thập niên trước. Cuộc thăm viếng vào dịp Tết này chỉ là sự trả ơn nhỏ nhoi nhất tôi có thể làm. “Mình trả ơn, con,” bà vẫn nói, “mình trả lại cái ơn họ đã cho mình.”
Tôi hiểu tâm trạng chịu ơn của người Việt với nước Mỹ. “Đất nước này đã cho gia đình tôi tất cả những gì chúng tôi đang có” là câu nói tôi thường nghe. Tôi đoán rằng họ không muốn nghĩ về giai đoạn lịch sử xấu xa này tại Mỹ, với chế độ nô lệ và kỳ thị chủng tộc, vì họ cho làm thế là phản bội “ân nhân” của mình.
Nhưng “ân nhân” của chúng ta bao gồm cả người Da đen nữa. Máu, mồ hôi và nước mắt của người da đen đã xây dựng nước Mỹ trong 350 năm mà họ không được đền bù gì. Người da đen đã cống hiến rất nhiều cho Hoa Kỳ và thế giới trong các lãnh vực như khoa học, kỹ thuật, âm nhạc và còn nhiều nữa, kể cả các quyền dân sự.
Vào ngày 1 tháng 2, 1960, khi bốn sinh viên da đen bất chấp các luật lệ kỳ thị mang tên Jim Crow và ngồi ở một quầy ăn trưa “chỉ dành cho người da trắng”, họ đã châm ngòi cho cuộc đấu tranh về quyền dân sự dẫn đến Đạo luật Di dân và Quốc tịch của năm 1965. Đạo luật này hủy bỏ các giới hạn di dân dựa trên chủng tộc đã được thiết lập từ năm 1917 để cấm người châu Á được nhập cư vào nước Mỹ.
Đạo Luật Di Dân và Quốc tịch đó cho phép rất nhiều người Việt Nam đưa anh chị em, và gia đình của họ, sau khi vượt biên trái phép bằng thuyền vào thập niên 1970, trở thành công dân Mỹ và sau đó bảo trợ cho ba má họ – dì và dượng của họ cũng được di dân hợp pháp đến Mỹ hai thập niên sau, và được rời Việt nam bằng máy bay. Luật này đã cho phép các con cháu, những thế hệ kế tiếp, cũng như chính bản thân tôi được lớn lên trong tình thương của bà con, cha mẹ và ông bà.
Khi suy nghĩ về “un-American”, tôi tự nhắc là chính người Việt cũng có nhiều sắc da khác nhau. Khi tôi có con, chúng sẽ là người Việt Nam, hậu duệ của Lạc Long Quân và Âu Cơ như trong truyền thuyết. Cùng lúc, con cái của người da đen và Việt Nam cũng sẽ là con rồng cháu tiên – hậu duệ của một thủy long và một sơn tiên.
Ngày nay, tôi hiểu rằng những gì tôi được kể về nước Mỹ khi còn nhỏ chỉ đúng một phần. Không phải ai ở Mỹ cũng sống trong căn nhà như trong phim “Home Alone”. Mấy thế kỷ bất công xã hội và kinh tế đã tạo ra sự bất bình đẳng khổng lồ. Tài sản trung bình của một gia đình da trắng bằng 13 lần tài sản của một gia đình da đen. Phần lớn tài sản này được chuyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Và đây chỉ là một trong nhiều hình thức bất công và kỳ thị mà người da đen trên đất Mỹ vẫn phải tiếp tục đối diện cho đến bây giờ.
Bây giờ là năm 2023, mà người da đen vẫn còn phải tranh đấu để được đối xử công bằng dưới luật pháp; người da đen vẫn còn phải tranh đấu để có cơ hội giáo dục tương đương. Trước đây không lâu, người da đen đã không được đi học cùng trường với người da trắng. Ruby Bridges, học sinh da đen đầu tiên được học ở một trường da trắng, ra đời bốn năm sau má tôi.
Suy ngẫm về “un-American”, tôi nhớ rằng ba má tôi mang tôi đến Mỹ để có được cơ hội học hành và kiếm việc làm tốt hơn, và mục tiêu của “chính sách nâng đỡ những người từng chịu bất công” (Affirmative Action) cũng là mang các cơ hội đó đến với những anh chị em da màu, như nhà thơ Langston Hughes đã từng viết, “Cả tôi cũng hát về Nước Mỹ.”
Là người Việt, tôi thường được nhắc nhở về lịch sử của mình. “Một ngàn năm đô hộ giặc Tàu,” tôi vẫn nghe. “30 tháng Tư,” ba tôi vẫn nhớ ngày đó hàng năm. Từ khi còn nhỏ, tôi được dạy phải thắp hương trên bàn thờ để tưởng nhớ tổ tiên và những gì họ đã làm trong mỗi dịp cúng giỗ. Là người Mỹ cũng vậy, tôi có trách nhiệm hiểu biết về lịch sử của người da đen, quá khứ và hiện tại, bởi vì lịch sử của người da đen chính là một phần không thể thiếu của lịch sử Hoa Kỳ.
Má tôi thường nói “sống có tình có nghĩa” và dặn tôi cần “nhớ ơn.” Là người Mỹ gốc Việt, người Mỹ gốc Châu Phi; “un-American” có phải quá mỉa mai khi tôi cần công nhận sự đóng góp của người da đen cho xã hội và các đóng góp này đã cho tôi một số quyền lợi; nó có nghĩa tôi cần công nhận vai trò và trách nhiệm của mình trong cuộc đấu tranh cho công lý và công bằng; nó đòi hỏi tôi phải tự xét để hiểu về những định kiến kỳ thị người da đen đã có sẵn trong tôi; và nó kêu gọi tôi đòi hỏi nước Mỹ phải tôn trọng bản Tuyên ngôn Độc lập, đã ghi rằng tất cả mọi người đều có các Quyền không thể tách rời về Sự sống và Tự do. Tôi mong mỏi nhiều người Mỹ gốc Việt tham gia cùng với tôi trong nỗ lực này. Vì “Tôi Cũng Là Người Hoa Kỳ”! (Christopher J Chan)
Châu Vũ Bảo Uyên