0 0
Read Time:10 Minute, 33 Second

TRẦN PHÚ ĐA

Chiều cuối ngày chớm Thu trên dãi đất cao nguyên Georgia từng tia nắng mỏng manh hanh vàng buông xuống thật chậm.  Nơi khu phố tôi đang ở dường như mọi cảnh vật đang dần chuyển động để chờ đón mùa Thu về với cơn gió nhẹ heo may thoảng qua và những chiếc lá vàng bay, xua tan những cơn nóng của một mùa Hè đầy nắng và gió để cho muôn loài cây cỏ được  được tắm mình trong mộng mơ yên ả, cho các loài chim về hót vang bản tình ca sau những ngày đêm biến đổi khí hậu khôn lường. Mặc dù còn chút nắng nóng hanh hao nhưng cứ mỗi buổi sáng và khi bóng tà huy rơi nhẹ cửa thềm nhà, thì bên lề đường dành cho người bộ hành cạnh nhà tôi luôn có một cặp vợ chồng người Việt khoảng trạc độ 60, dắt tay nhau đi tập thể dục rất khoan thai như không hề vướng bận cơm áo gạo tiền hay một việc gì khác, mặc cho ngoài kia thế sự đang nổ ra khiến cho biết bao người dân thường vô tội phải bị tổn thương khi cuộc chiến tranh xâm lăng của Nga dày xéo lên đất nước Ukraine xinh đẹp, làm cho giá cả tăng vọt, lạm phát cao thế nhưng trông đôi vợ chồng này tay nắm tay đi bên nhau thật rạng ngời niềm hạnh phúc, cứ tưởng chừng như họ mới  mười chín đôi mươi.

  Anh tên Dương Tiến Dũng năm nay đã bước qua ngưỡng cửa lục tuần nhưng trông dáng đi còn rất khỏe khoắn lắm, duy chỉ có đôi mắt là chỉ nhìn thấy lờ mờ cảnh vật chung quanh, thế nhưng người đàn ông này có một nghị lực rất phi thường, vượt qua số phận nghiệt ngã để xây dựng một tổ ấm gia đình thật ấm êm và đầy ắp tiếng nói cười của con cháu. Được biết anh sinh ra và lớn lên trong một gia đình mà bố mẹ là người gốc Bắc 1954, di dân vào Nam để mưu cầu tự do hạnh phúc. Bố anh nhập ngũ và là sĩ quan phục vụ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Anh cất tiếng khóc chào đời tại Quảng Trị và sau đó gia đình chuyển về sống tại Thành Phố Đà Nẵng. Dương Tiến Dũng bị mất thị giác từ lúc còn nhỏ, cha bận việc quân binh nên thường xuyên vắng nhà, mẹ anh vừa chăm nom từng miếng cơm ly sữa, vừa dạy cho anh từng con chữ, nhưng tuổi thơ anh lại yêu tiếng đàn từ khi nào không biết nữa. Thấy con đam mê âm nhạc, mẹ anh dành dụm chút tiền mua cho anh một cây đàn, đêm đêm mọi người trong gia đình đang chìm trong giấc ngủ êm, thì ở góc phòng nhỏ anh vẫn thức một minh mày mò học từng nốt nhạc. Với khát khao được biết đàn thật hay để khuây khỏa tháng ngày buồn tẻ, có lẽ ước nguyện của anh đã  thấu lòng thượng đế nên ngày lại ngày qua tiếng đàn của anh đã thăng hoa và làm say đắm bao người!

16 tuổi anh mở lớp dạy đàn cho nam thanh nữ tú trong xóm, thì vào khoảng mùa Thu năm 1980 khi bên ngoài khung cửa hẹp, những cơn gió heo may chớm lạnh theo về, cùng những chiếc lá Thu nhuốm màu vàng nắng nhẹ hanh hao,  thì trong lớp học đàn ấy có một người con gái nhỏ nhắn dễ thương, hằng ngày đến lớp chăm chú nhìn theo từng động tác anh chỉ trên phím đàn và rồi thầm lặng cảm mến yêu anh lúc nào không hay biết. Cô ta được cha mẹ cho đi học tiếng Pháp từ nhỏ nên nói tiếng Việt không rành lắm nhưng dường như hai con tim đã mách bảo nhau một điều gì đó thật huyền bí, cho dù Tiến Dũng không nhìn thấy gương mặt nàng, chưa một lần dám nắm bàn tay của người thục nữ vậy mà tình yêu của họ mãi âm thầm nẩy nở đơm hoa và từng ngày tỏa hương thơm ra cả lớp học, rồi tiếng sét ái tình của đôi bạn trẻ lan rộng ra cái xóm nghèo ngoại ô thành phố. Nghe thấy vậy, cha mẹ cô gái không tán thành vì sợ cô sau này sẽ khổ, thế nhưng cả hai yêu thương nhau thật say đắm chân thành, vượt qua những dèm pha dị nghị nhất là phận gái đào tơ liễu yếu và rồi duyên nợ như được sắp đặt với tấm chân tình anh dành cho người bạn gái, một nữ học trò khả ái dễ thương nên ngay cuối năm ấy họ được hai bên gia đình, bốn bên nội ngoại đứng ra tác hợp lương duyên để họ nên nghĩa vợ chồng.

Năm 1981 anh chị Dũng-Nga dắt nhau Nam tiến vào Thủ Đức-Sài Gòn để lập nghiệp, mong thay đổi được cuộc sống nơi đất lành mến khách. Anh Dương Tiến Dũng dựa vào tiếng đàn và lòng đam mê âm nhạc để xây dựng vốn sống cho gia đình. Chị Nga nương tựa vào tình yêu chân thành mà anh dành cho chị với mong mỏi sẽ vượt qua tất cả. Lúc bấy giờ ở thành phố có rất nhiều nhạc sĩ ca sĩ nỗi danh làm đình làm đám, nghe thấy vậy anh bàn với người vợ trẻ dọn ra ngoại ô mướn một căn nhà trọ để dạy đàn kiếm sống. Anh nghe người dân bản địa đồn rằng: “Ở Thủ Đức phải thức đủ năm canh”. Ban đầu nghe vậy anh rất ái ngại nhưng nhờ vào tình yêu sưởi ấm từng đêm xa nhà, nằm bên cạnh nhau nghe tiếng côn trùng rả rích kêu ngoài sân vườn vắng mà nhớ cha mẹ hai bên nhưng vì miếng cơm manh áo, vì một tương lai sau này không dám nhờ vả cha mẹ anh chị em nên phải chấp nhận tất cả, giấu nhớ thương vào trong tim để mưu cầu một ngày mới tốt đẹp hơn. Anh biết người vợ trẻ đang cần mình, đang cần cả hai phải vững vàng, thời gian trôi qua nhờ ơn trên lớp học đàn của anh từ chỗ ban đầu chỉ có 4,5 người dần dần đã lên đến cả trăm học viên, với thu nhập đó anh chị đã nuôi 4 người con ăn học đàng hoàng. Chị Nga kể với tôi rằng, mặc dù anh theo đạo Công Giáo còn chị theo đạo Phật nhưng cả hai đều không làm buồn lòng hoặc tổn thương đức tin ai cả. Lúc mới yêu nhau khi xa vắng anh thường thầm thì trong đêm vắng “Giáo đường ngày ấy xa xăm quá, để tím trời đông tím cả hồn, con quỳ lạy chúa ban ơn thánh, cho kẻ con yêu giấc mộng lành”.

 Bốn người con chào đời, mặc dù anh không nhìn thấy ánh sáng như người bình thường nhưng tình phụ tử thật thiêng liêng, đêm đêm anh thức ru con ngủ để chị an lòng mà dạy kèm thêm tiếng Việt cho người nước ngoài khi đến Việt Nam học tập, du lịch hay công tác. Tiếng hát và lòng thương yêu cao cả của người cha kém may mắn so với bạn bè cùng trang lứa đã thẩm thấu vào máu thịt trẻ thơ, các cháu dần khôn lớn và ngoan hiền được bà con chòm xóm luôn thương yêu giúp đỡ, ông bà nội ngoại quý mến từng ngày.

 Rồi cơ duyên đến năm 1997 anh chị sang Mỹ định cư theo diện đoàn tụ gia đình. Khi đặt chân tới xứ sở cờ hoa, chị Nga xin đi làm Ngân Hàng còn anh được các Hội Đoàn giới thiệu đi đàn phục vụ cho lễ hội tại các nhà thờ, các chùa, các Trung Tâm và Cộng Đồng người Việt khắp các Quận Hạt trong Tiểu Bang Georgia. Tuy không nhìn thấy cảnh vật chung quanh như người bình thường nhưng anh Dương Tiến Dũng luôn đam mê âm nhạc, say sưa luyện tập thêm để ngón đàn mỗi ngày một điêu luyện, các nốt nhạc được thổi hồn vào bay cao, bay xa hơn mong làm đẹp cho đời. Ai một lần gặp anh nhìn vào đôi bàn tay thoăn thoắt trên phím đàn mới cảm nhận được cái hay, cái đẹp, sự điêu luyện tài hoa của chàng trai giàu nghị lực này.

   Lúc bấy giờ để có thêm thu nhập nuôi con, cải thiện mức sống nơi xứ người, chị Nga phải đi làm một ngày 2 Jobs. Năm 2003 anh tự nguyện nhận đàn cho Đài Phát Thanh Tiếng Nước Tôi Atlanta mà không yêu cầu một khoản thù lao nào cả, vậy mà anh vẫn say mê đàn, say mê phục vụ bằng một nụ cười thân thiện luôn nở trên môi. Ngồi trong một ngôi nhà thật ấm áp, chung quanh có rất nhiều loại hoa nhất là hoa phong lan chị mua về trồng và chăm sóc bên cửa sổ, nhìn những bông hoa đủ màu sắc dưới ánh điện sáng lung linh như khêu gợi chút lãng mạn của hai vợ chồng tài tử thật hạnh phúc này. Chị khen anh tận tụy với mái ấm gia đình, tuy không nhìn thấy gì nhưng hầu như đã quen thuộc các lối đi nên việc lau dọn sàn nhà, kể cả việc sửa chữa thay thế các bóng đèn điện hư hỏng đều do một tay anh chăm chuốt hằng ngày, các phòng ốc luôn sạch sẽ gọn gàng. Anh chị làm thêm một căn phòng nhỏ để anh dạy đàn và thu âm các bài hát khi được mọi người mến mộ yêu cầu.

 Anh Tiến Dũng kể với tôi rằng năm 2010 cách đây đã hơn 13 năm, trong một lần đi làm về vì phải làm tới 2 công việc nên chị Nga mất ngủ khá nhiều. Khi cho xe chạy trên đường để về nhà chị không kiềm chế đôi mắt được nên đã để xảy ra một tai nạn, may mà chị vẫn an toàn. Không đành lòng khi nhìn thấy mẹ cực khổ , các con chị khuyên can để chị được nghỉ ngơi và anh nghe thấy vậy cũng lặng thinh để nước mắt lăn dài trên đôi gò má khô cằn. Nhìn thấy vậy chị ôm chầm lấy anh mà khóc nức nở như đứa trẻ vừa mới lên ba. Từ đó khi con cái đã yên bề gia thất chị ở nhà cùng anh để chăm sóc cho nhau, cuối tuần hoặc đến ngày lễ tết chị đưa anh đi đánh đàn phục vụ khắp nơi khi cộng đồng có nhu cầu. Họ lại quấn quít bên nhau như hồi mới yêu nhau, ai thấy cũng thương cũng quý. Giờ đây anh chị có tới gần chục cháu nội ngoại, cuối tuần chúng nó được ba mẹ đưa về thăm ông bà, tiếng cười nói lại vang lên trong căn nhà hạnh phúc. Thỉnh thoảng tôi có ghé thăm anh chị, điều cảm nhận đầu tiên đó là tình yêu thương mà anh chị đã dành cho nhau hơn nửa thế kỷ mà luôn ấm áp cơm ngon canh ngọt, bất kể ở đâu chỉ cần gặp ai đó một lần là anh nhớ tên, nhớ người rất chính xác. Nhiều lần anh nói với tôi rằng tuy cuộc sống mưu sinh đôi khi khó khăn nhưng không vì khó khăn ấy mà mình đi bán rẽ lương tâm. Anh sống chân thành không như một vài người tôi từng biết, từng gặp họ thay người mình thương yêu như thay áo, cách hành xử cũng rất là vũ phu, hình như họ không nhớ rằng ngày xưa mình cũng đã từng yêu thương, dùng lời ngon tiếng ngọt để đến với nhau và đã từng vượt qua mọi trở lực để được có nhau, thậm chí đã có con cái đàng hoàng nhưng không hiểu sao họ lại trở mặt nhau, coi nhau như xa lạ, họ sống ảo tưởng và phù phím bởi đồng tiền hay thú vui nhỏ nhặt của bản thân nên chỉ vì một bất đồng nhỏ nhoi trong cuộc sống mà lại đối đãi nhau mất hẳn tính người, thật đáng buồn thay!

Trần Phú Đa

Happy
Happy
0 %
Sad
Sad
0 %
Excited
Excited
0 %
Sleepy
Sleepy
0 %
Angry
Angry
0 %
Surprise
Surprise
0 %
Previous post TÔI CŨNG LÀ NGƯỜI HOA KỲ
Next post Vietlifestyle Magazine Issue 151

Average Rating

5 Star
0%
4 Star
0%
3 Star
0%
2 Star
0%
1 Star
0%

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.