PHẠM GIA ĐẠI
Hàng năm cứ đúng vào ngày 26/10 dương lịch khi những đợt nắng nóng của mùa Hè đã qua đi, và tiết trời đã ngả sang Thu với những chiếc lá vàng đang đổi mầu tại vùng Little Saigon, được mệnh danh là thủ đô của người Việt tỵ Nạn Cộng sản tại miền Nam California, thì những thành viên của Nhóm Đàn Chim Lạc Việt (ĐCLV) lại bay về tụ hội tại Nghĩa Trang Peek Family Home, còn được biết dưới tên Westminster Memorial Park, để tham dự lễ viếng mộ 81 chiến sĩ Nhẩy dù anh hùng của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đã tử nạn tại Tuy Hòa năm 1965.
Năm nay 2023 cũng vậy, hàng trăm người bao gồm các thành viên của Nhóm ĐCLV, các đại diện của binh chủng Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) , đại diện binh chủng Nhẩy dù, đại diện Sư Đoàn 18 Bộ Binh, và thân hào nhân sĩ cũng như những cựu quân dân cán chính VNCH, và hậu duệ đã có mặt từ sáng sớm lúc 10 giờ ngày Thứ Năm, 26 tháng 10, năm 2023 tại Peek Family, bên cạnh đài tưởng niệm Thuyền Nhân, để làm lễ dâng hương và dâng hai vòng hoa của Tiểu đoàn 7 Nhẩy Dù, và của Đàn Chim Lạc Việt, lên mộ phần của 81 chiến sĩ Nhẩy Dù.
Năm nay đánh dấu đệ tứ chu niên (2019 – 2023) ngày Đàn Chim Lạc Việt đứng ra tổ chức lễ viếng và dâng hương hoa lên mộ 81 chiến sĩ Nhẩy Dù tại đây, tính từ ngày 26/10/2019 khi hài cốt của 81 tử sĩ anh hùng Nhẩy Dù được đưa về đây an nghỉ. Cho nên ĐCLV chọn ngày 26/10 hàng năm làm ngày tổ chức lễ viếng – ngày này cũng chính là ngày Quốc Khánh của nền Đệ Nhất Cộng Hòa thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm, một trong những ngày trọng đại của đất nước.
Ngược dòng lịch sử về cuộc chiến Quốc-Cộng trong hai thập niên tại miền Nam (1954-1975), ngày 11/12/1965, khi hai Tiểu Đoàn 3 và 7 Nhẩy dù vừa hoàn thành xong trách nhiệm thì Đại Đội 72, Tiểu Đoàn 7 Nhẩy dù được lệnh Quân Khu 2 tức tốc hành quân từ Pleiku đến Tuy Hòa trên chiếc máy bay vận tải C-123 định mệnh, để giải vây cho một đơn vị bạn thuộc Sư đoàn Mãnh Hổ của Đại Hàn đang bị địch quân vây hãm. Vì thời tiết xấu nhiều mây mù và phải bay trên cao độ thấp, chiếc C-123 đã không may va phải núi và tất cả 81 chiến sĩ Nhẩy Dù thuộc Đại đội 72 cùng với 4 phi hành đoàn người Mỹ đã thiệt mạng. Vì là vùng núi non hiểm trở, nên mãi đến năm 1974, qua cấp báo của một tiều phu vào rừng đốn củi mới tìm thấy những mảnh vụn của chiếc phi cơ C-123 này. Sau đó tất cả phần còn lại của thi hài 81 quân nhân Việt và 4 quân nhân Mỹ, đựng trong 14 túi đã được đưa về Bangkok, Thái Lan để giảo nghiệm. Đến năm 1986, những phần còn lại của các hài cốt đó mới được chuyển về phòng thí nghiệm Trung Tâm Nhận Dạng ở Hawaii (Central Identification Laboratory Hawaii: CILHI), bây giờ là Cơ Quan Về Tù Binh Chiến Tranh (Defense POW Accounting Agency: DPAA), là một chi nhánh của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ.
Một thời gian nhiều năm sau qua giảo nghiệm DNA, thi hài của 4 quân nhân Mỹ đã được đưa về Mỹ chôn cất, trong khi thi hài của 81 chiến sĩ Nhẩy Dù VNCH vẫn còn nằm tại Hawaii hơn ba thập niên.
Ban đầu, chính phủ Hoa Kỳ, qua cơ quan DPAA đã liên lạc hai lần với chính quyền Cộng sản tại Hà Nội để đưa hài cốt 81 chiến sĩ Nhẩy Dù về chôn cất tại quê nhà, và yêu cầu cộng sản Hà Nội phải tôn trọng 81 hài cốt này. Nhưng cả hai lần, Hà Nội đều từ chối. Có lẽ anh linh của 81 chiến sĩ Nhẩy Dù tử nạn đã không muốn an nghỉ trong một đất nước vẫn còn bị cộng sản cai trị một cách tàn bạo, phi nhân, và ác độc.
Đến năm 2018, ông Jim Webb, cựu bộ trưởng Hải Quân và cựu thượng nghị sĩ đã cất công bay về Hà Nội để qua vị đại sứ Hoa Kỳ thông báo cho Hà Nội biết chính phủ Hoa Kỳ sẽ đảm trách việc chôn cất hài cốt của 81 chiến sĩ Nhẩy Dù VNCH này tại Hoa Kỳ.
Ngoài cựu bộ trưởng Hải Quân Jim Webb, phải nói đến sự cộng tác tích cực và bền bỉ của ông bà cựu Đại Tá TQLC Mỹ Gene Castagnetti và Ngọc Nhung với ông Jim Webb và chính phủ Mỹ. Qua nhiều năm họ đã tranh đấu thành công và đưa được hài cốt 81 chiến sĩ Nhẩy Dù về vùng Little Saigon. Ông bà cựu Đại Tá Castagnetti cũng quyên góp tiền từ những cựu chiến binh Hoa Kỳ để mua được phần mộ tại nghĩa trang Westminster Memorial Park này.
Hài cốt của 81 chiến sĩ Nhẩy Dù được tẩm liệm chung vào trong một chiếc quan tài-đã được đưa lên một chuyến bay từ Hawaii đến Orange County để cuối cùng được an nghỉ tại Nghĩa Trang Peek Family, thành phố Westminster, Nam California, trong lòng Thủ Đô của Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản tại hải ngoại.
Đúng 10 giờ sáng lễ viếng mộ được trang trọng bắt đầu với phần chào cờ Việt-Mỹ, phút mặc niệm và chương trình lễ viếng do MC Phạm Gia Đại điều hợp. Sau phần chào cờ, là màn đồng ca bài ““Chiến sĩ vô danh”.
Sau bài đồng ca, các đại diện binh chủng, cơ quan đoàn thể được mời lên nói cảm tưởng. Thiếu Tá Nhẩy Dù Nguyễn Huỳnh Đông, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn Công Binh của Sư Đoàn Dù, anh Vũ Hiếu, đại diện TQLC, anh Đặng Trần Hoa đại diện Sư Đoàn 18 đều cho biết rất xúc động khi thấy người dân Việt tỵ nạn dù ở nơi đâu trên thế giới – như buổi tổ chức sáng nay của ĐCLV, vẫn nhớ đến những sự hy sinh cao cả anh hùng của những người lính VNCH, trong đó có 81 chiến sĩ Nhẩy Dù đang yên nghỉ trong mộ phần tại đây.
Đặc biệt một hậu duệ đã bay từ New Jersey qua để thăm ngôi mộ của thân nhân tại Westminster Memorial Park và cũng để tham dự Lễ Viếng Mộ 81 Chiến sĩ Nhẩy Dù, cho biết cô luôn hãnh diện là hậu duệ của QLVNCH, luôn yêu quí chế độ VNCH và thù ghét chế độ cộng sản độc ác đang đưa quê hương Việt đến lầm than, lạc hậu. Phần nói cảm tưởng của ĐCLV gồm có cô Erlinda Lê, cũng là đại diện Cộng Đồng Nam Cali, và anh Đan Hoàng nói lời cảm tạ đến mọi người đã có mặt sáng hôm nay tại nghĩa trang Westminster Memorial Park, rồi đến anh Bảo Trâm (từ Hawaii qua tham dự), và anh Vũ Anh.
Phần dâng vòng hoa của Tiểu Đoàn 7 Nhẩy Dù do Trung Úy Phạm Gia Đàm phụ trách. Vòng hoa của ĐCLV do Đan Hoàng và Phạm Gia Đại phụ trách.
Ba vị đại diện dâng ba nén hương lớn là anh Đan Hoàng, Phạm Gia Đại, và Bảo Trâm lên mộ phần 81 chiến sĩ Nhẩy dù với lời khấn nguyện. Sau đó các quan khách có mặt lần lượt đến trước mộ phần dâng hương tưởng niệm 81 chiến sĩ Nhẩy dù vị quốc vong thân, và đồng thời cũng tưởng niệm tất cả quân dân cán chính VNCH đã hy sinh trong cuộc chiến Quốc-Cộng tại Miền Nam trước năm 1975.
Năm nay vì lý do sức khỏe hay đi xa nên một số quan khách đã tham dự lễ viếng năm ngoái như vợ chồng cựu Đại Tá Gene Castagnetti và chị Ngọc Nhung (con chim đầu đàn của nhóm ĐCLV), cũng như Ban Tù Ca Xuân Điềm, Bích Thủy, và Cao Xuân Thanh Ngọc đã không đến được.
Lễ viếng mộ 81 tử sĩ Nhẩy Dù kết thúc vào lúc 11:30 sáng. MC thân mời quan khách đến tham dự một chương trình “Yêu lính-hát nhạc lính” do nhóm ĐCLV tổ chức vào lúc 2 giờ chiều cùng ngày tại Club House Summerset Estates, thành phố Westminster.
Buổi “Yêu lính-hát nhạc lính” được diễn ra trong Club House rộng rãi thoáng mát và ấm cúng tại Summerset Estates. Mục đích của buổi ca nhạc này là để trình diễn lại những bài ca, khúc hát, văn thơ về người lính Cộng Hòa ngày xưa tại Sài Gòn; để nhớ về Sài Gòn, quê hương yêu mến ngày nào bây giờ đã quá xa xôi; và cũng để nhớ về một quân đội VNCH hào hùng đã trên hai thập niên xả thân bảo vệ tổ quốc.
Những bài đồng ca như “Đàn chim Lạc Việt” (Thơ: Ngọc Nhung- nhạc: Xuân Điềm), và Hát cho ngày Sài Gòn quật khởi”. Những đơn ca, song ca, và tam ca như “Lính nghĩ gì”, “Một mai giã từ vũ khí”(Vũ Hiếu), “Người tình không chân dung” (Kim Khuyến), “Tôi viết tên anh” (Hồng Vân với phụ họa của Hải Âu và Erlinda Lê), “Tôi đi tìm anh”- Tình lính (tam ca: Hải Âu- Erlinda Le, Hồng Phượng), đơn ca Hải Âu với “Người ở lại Charlie”, song ca Erlinda Le và Phạm Gia Đại với: “Anh không chết đâu anh”, Đan Hoàng ngâm bài thơ do anh sáng tác “Lá cờ của tự do”, Ngọc Quỳnh đơn ca “Vọng Nam Quan” của Phan Văn Hưng và Nam Giao, “Chiều trên phá Tam Giang” (Phạm Gia Đại đơn ca), và “Gặp nhau trên phố” (Erlinda Le đơn ca).
Những hình ảnh lễ Viếng mộ phần 81 Chiến sĩ Nhẩy Dù sáng ngày 26/10/2023, và những thước phim chương trình “Yêu lính- hát nhạc lính” trong buổi chiều cùng ngày cũng được Đinh Trọng Vũ thâu vào ống kính và sẽ gửi ra một ngày gần đây.
Chiều văn nghệ nhạc lính đã khép lại chương trình dâng lễ hương hoa năm nay, mọi người ra về mang theo nhiều cảm xúc nhưng với niềm vui đã đến thăm được mộ phần của 81 chiến sĩ Nhẩy dù anh hùng tại Westminster Memorial Park, và niềm hãnh diện về Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.