Ra tham quan Hà Nội là một phần trong chuyến du lịch về Việt Nam mùa hè năm 202. Thật ra, tôi chỉ mơ ước được tự mình ghi lại hình ảnh những nơi đã đi qua, đến thăm đất Hà Nội “Ngàn năm Văn hiến” và viết một bài theo kiểu ký sự bằng hình.
Tháp tùng chuyến đi có cô con gái Út – Ngọc Ruby – đi theo hộ giá, bởi vì khác hơn mấy năm trước đi không có chống gậy. Một số bạn bè thân quen thì vui đùa rằng bây giờ khi đi cầm theo cây gậy cho ra vẻ “Ông Hội Đồng”.
Trong công việc của Ngọc Ruby, cô từng có kinh nghiệm sắp xếp một chương trình, thu xếp chuyến đi dễ dàng đối với cô dù là đến nơi xa lạ. Nhưng có điều cô chưa rõ ý định trọng điểm của bài viết về chuyến đi, nên hỏi tôi:
– Ba, đề tài viết về Hà Nội bao quát rộng lớn quá ba, chỉ có 3 ngày làm sao có
thể tìm hiểu về nhiều khía cạnh: thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa ẩm thực, thành phố phát triển hiện đại, nếp sống văn minh của con người, … mà ở Hà Nội có đến vài chục di tích đáng để tham quan đó ba.
– Oh, ba đồng ý với con cần phải cô đọng và giới hạn phạm vi bài viết. Ba muốn
nhấn mạnh ở điểm di tích lịch sử thôi. Những di tích ngàn năm đó để lại nhiều trang sử vẻ vang, là niềm tự hào của dân tộc. Đến thăm viếng để bày tỏ lòng tôn kính đối với công đức của người xưa.
– Con có đi họp ở Hà Nội một lần khi còn làm bên hãng Ford. Con chưa biết nhiều về Hà Nội, nhưng con sẽ cố gắng giúp để ba sẽ hài lòng về chuyến đi này.
À, mà ba … chỉ có nhiêu vậy sao?
– Ba chưa hiểu?
Cô bé lém lỉnh, liến thoắng nheo mắt:
– Còn cuộc hẹn uống Café bên bờ Hồ Tây của ba với ai nữa đó mà, con sẽ không quấy rầy ba đâu! (Híhí)
A. THAM QUAN HÀ NỘI NGÀY THỨ NHẤT
Chuyến bay Vietjet từ phi trường Cần Thơ đi Nội Bài gần hai tiếng, taxi về Hà Nội khoảng nửa tiếng nữa, khi check-in khách sạn xong đã hơn 11 giờ trưa. Trễ giờ ăn sáng trong nhà hàng của khách sạn nên chúng tôi được cô lễ tân hướng dẫn một số quán ăn ở mấy con đường gần đó mà khách Tây cũng thường hay đến ăn.
Hồ Hoàn Kiếm là trung tâm của một số di tích mà du khách thường tham quan khi đến Hà Nội như: đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, tháp Rùa, tượng đài vua Lý Thái Tổ, chùa Trấn Quốc đều nằm quanh hồ Hoàn Kiếm. Hồ nhỏ thôi rộng khoảng 12 ha, nên chúng tôi chọn cách tản bộ hoặc xe cyclo đạp là một loại phương tiện giao thông dành cho du khách ngắm nhìn hồ Hoàn Kiếm và khu vực kế cận là phố cổ “36 phố phường”. Vòng quanh cung đường ven hồ bên kia là Hồ Tây.
Chừng đó điểm đến có lẽ vừa đủ hết ngày đầu tham quan Hà Nội.
1- Hồ Hoàn Kiếm
Hồ Hoàn Kiếm nằm ở vị trí trung tâm thành phố Hà Nội, thuộc quận Hoàn Kiếm. Từ đầu thế kỷ 15, theo truyền thuyết, vua Lê Lợi dạo chơi trên thuyền có con rùa thần nổi lên mặt nước đòi nhà vua trả lại gươm thần do Long Vương cho mượn sau 10 năm kháng chiến thành công đánh đuổi quân Minh giành lại nền độc lập cho dân tộc. Khi nhà vua trả lại gươm, Rùa thần ngậm thanh gươm biến mất. Từ đó tên hồ được gọi là Hoàn Kiếm – tức trả lại kiếm thần – nên hồ còn có tên là hồ Gươm.
2- Tháp Rùa
Tháp Rùa là một ngọn tháp nhỏ được xây trên đảo Rùa, là một gò đất nhỏ nằm giữa hồ. Gọi là đảo Rùa do rùa thường hay lên nằm phơi nắng hoặc đẻ trứng. Theo một số tài liệu ghi chép, tháp được xây từ đời vua Lê Thánh Tông làm nơi vua ra câu cá. Đến đời Lê Trung Hưng (thế kỷ 18), Chúa Trịnh cho xây đình Tả Vọng trên gò, đến đời Nhà Nguyễn thì không còn. Năm 1886, thời Pháp thuộc ngôi tháp được xây dựng và tồn tại đến ngày nay.
Thắng cảnh tháp Rùa nằm giữa hồ Hoàn Kiếm được chọn làm biểu tượng của thủ đô Hà Nội.
3- Quần thể Cầu Thê Húc và Đền Ngọc Sơn
Cầu Thê Húc được xây dựng bằng gỗ dưới triều vua Tự Đức (1865), nối bờ hồ với đền Ngọc Sơn. Thê Húc có nghĩa là “Ngưng tụ ánh hào quang. Cầu trải qua nhiều lần trùng tu. Năm 1952, sau khi tai nạn sập 1 thớt cầu trong dịp Tết do khách đi lễ chùa Ngọc Sơn quá đông, chiếc cầu cũ bị phá bỏ. Năm 1953 cầu xây dựng lại bằng cách đúc cột và dầm xi măng, tuy nhiên thành và mặt cầu vẫn làm bằng ván gỗ hình dáng cũng giữ như cũ. Cầu Thê Húc hướng về đông, đón nhận trọn vẹn nguồn sinh khí của trời đất, cầu luôn sơn màu đỏ – màu của sự sống, của mọi nguồn hạnh phúc.
Theo văn bia ghi lại đền Ngọc Sơn xây dựng năm 1841, trải qua nhiều lần trùng tu trong lần đại trùng tu năm 1865, nhiều công trình phụ được xây dựng thêm như đình Trấn Ba, cầu Thê Húc, Tháp Bút, Đài Nghiên tạo thành quần thể hài hòa, tôn nghiêm xung quanh hồ Hoàn Kiếm.
Đền Ngọc Sơn thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn (đã đánh tan tác quân Nguyên Mông xâm lấn nước ta) và Văn Xương Đế Quân – một vị thần được Đạo Giáo cũng như dân gian tin tưởng là chủ quản công danh phúc lộc cho nhân sĩ. Đồng thời cũng còn thờ Phật, Công Đồng, Tam Tòa Thánh Mẫu, thể hiện quan niệm Tam Giáo đồng nguyên của người Việt thuở đó: Phật Giáo, Nho Giáo và Đạo Giáo.
Ngoài ra, trong đền có gian phòng trưng bày hai tiêu bản cụ Rùa hồ Hoàn Kiếm đặt trong hai lồng kiếng nằm cạnh nhau, một chết năm 1967 và một cá thể cuối cùng chết năm 2016.
Tháp Bút nằm bên ngoài lối vào của đền Ngọc Sơn, hình trụ vuông nhỏ dần lên phía trên, có 5 tầng, trên cùng là ngọn bút cao 0,9 m. Tháp dựng trên gò đá nhân tạo có tên là núi Độc Tôn làm chân tháp cao 4 m với đường kính 12 m. Ba tầng giữa của tháp có viết 3 chữ chữ Hán “Tả Thanh Thiên” có nghĩa là “Viết lên trời xanh” thể hiện hào khí ngút trời của sĩ phu nước Nam.
Có Bút (cây viết) thì phải có Nghiên (lọ mực), do đó bên cạnh tháp Bút được thiết kế đài Nghiên có hình trái đào cắt đôi theo chiều dọc khoét sâu lõm vào như lòng chảo bằng tảng đá xanh nguyên khối, đặt trên mái của lớp cổng thứ 3 theo lối vào đền Ngọc Sơn. Có chạm khắc 3 con thiềm thừ (con cóc) đội chiếc Nghiên, trên Nghiên có khắc bài văn 64 chữ Hán do nhà nho Nguyễn Văn Siêu viết, ông làm quan đến chức Án Sát còn được tôn vinh là Thần Siêu. Bài văn mang ý nghĩa thật sâu sắc, đại để là muốn khuyên vua chúa lãnh đạo đất nước nếu biết dùng hiền tài thì nhiều lợi ích cho dân, đại nghiệp sẽ vững bền.
4- Tượng đài vua Lý Thái Tổ
Vương triều nhà Lý khởi nghiệp từ năm 1009, đánh dấu trang sử mới hưng thịnh của dân tộc, vua Lý Thái Tổ (974-1078) – tên húy là Lý Công Uẩn – mở đầu kỷ nguyên nước Đại Việt phát triển về nhiều mặt văn hóa, xã hội, kinh tế, nghệ thuật có giá trị trường cửu và tạo dựng sức mạnh quốc phòng hùng mạnh. Giặc phương Bắc muôn đời luôn dòm ngó hòng thôn tính nước Việt phải nể phục, e dè. Đất Đại Việt yên bình, cường thịnh qua 214 năm trị vì dưới triều đại này.
Sau khi lên ngôi, vua Lý Thái Tổ dời đô về thành Đại La, rồi đổi tên là thành Thăng Long nơi trung tâm của đồng bằng sông Hồng trù phú, giao thông thuận tiện, xây dựng nhiều đền đài đều là những công trình nghệ thuật. Mở Quốc Tử Giám đào tạo nhân tài cho đất nước, mở khoa thi tuyển chọn hiền tài, xác lập chế độ Đại Học đầu tiên trên nước ta.
Để ghi nhớ công đức của Người, thành phố Hà Nội cho xây tượng đài Lý Thái Tổ tại vườn hoa trước đây nhìn ra hồ Hoàn Kiếm, khánh thành ngày Oct 07, 2004. Tượng bằng đồng nguyên chất, đúc liền khối. Tượng Nặng 14 tấn, bệ 20 tấn, tổng cộng chiều cao 10,10 m = 1010 centimét, tương ứng năm 1010 khai sáng thành Thăng Long.
Chung quanh câu chuyện khánh thành tượng đài Lý Thái Tổ có điều nhắc đến thú vị là trong chiếu chỉ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long có 214 chữ, ứng với 214 năm nhà Lý trị vì thiên hạ.
5- Chùa Trấn Quốc
Chùa Trấn Quốc ban đầu có tên là Khai Quốc, xây dựng năm 541 thời Tiền Lý, chùa nằm gần bờ sông Hồng. Năm 1615, đời Lê Trung Hưng, đê sông Hồng bị sạt lở chùa phải di dời đến gò đất Kim Ngưu phía trong đê Yên Phụ. Khoảng thế kỷ 17, chúa Trịnh cho đắp đê Cổ Ngư nối với gò Kim Ngưu. Chùa Khai Quốc đổi tên thành Trấn Quốc từ đời vua Lê Hy Tông (1681-1705) với ước vọng đem lại yên bình cho muôn dân.
Dưới các triều đại Lý, Trần nhà vua thường hay ngoạn cảnh hoặc ngự giá cúng bái vào các dịp Lễ, Tết do đó trong khung viên chùa còn xây thêm cung Thúy Hoa và điện Hàm Nguyên phục vụ nhà vua trong việc dừng chân nghỉ ngơi.
Ngôi cổ tự Trấn Quốc trải qua nhiều lần trùng tu, sau đợt đại trùng tu năm 1815, bao gồm vườn tháp, nhà tổ và thượng điện. Năm 1998, ngôi bảo tháp được xây dựng khánh thành năm 2003, tháp có 11 tầng, cao 15m, ở mỗi tầng tháp có đặt những tượng Phật bằng đá quý màu trắng trong mỗi ô vòm, trên đĩnh đặt một tháp sen 9 tầng gọi là “Cửu phẩm Liên hoa”. Bảo tháp theo thiết kế đối xứng với cây bồ đề do tổng thống Ấn Độ Rajendra Prasad tặng năm 1959 nhân chuyến Ông công du đến Việt Nam. Cây Bồ Đề này được chiết từ cây Bồ Đề nơi Đức Phật ngồi tu hành 25 thế kỷ trước.
Chùa thuộc hệ phái Bắc tông với kết cấu và kiến trúc theo nguyên tắc của Phật Giáo gồm 3 ngôi chính: Tiền đường, nhà Thắp hương và Thượng điện nối với nhau thành hình chữ Công (工).
6- Hồ Tây
Hồ Tây nằm về phía tây bắc thành Hà Nội, rộng khoảng 500 ha, chu vi hồ 14,8 km, cung đường ven hồ khoảng 17 km. Hiện nay khu vực này thuộc quận Tây Hồ. Từ thời Hai Bà Trưng đầu thiên niên kỷ thứ nhất hồ gọi là Lãng Bạc, có nghĩa là hồ có nhiều sóng vỗ, một tên gọi đã đi vào thi ca, và bài hát Hồ Lãng Bạc ca ngợi Hồ là thắng cảnh cũng là nơi xãy ra trận thủy chiến oai hùng của Hai Bà Trưng với giặc Đông Hán. Qua đời Lý Trần gọi là hồ Dâm Đàm có nghĩa là hồ nhiều sương mù. Năm 1573, để tránh tên húy của vua Lê Thế Tông là Duy Đàm nên đổi lại là Hồ Tây và tên gọi này lưu giữ đến ngày nay.
Khi xưa hồ có nhiều tên như đầm Xác Cáo, hồ Kim Ngưu, Dâm Đàm, Lãng Bạc. Khu vực kế cận Hồ Tây ngày nay được qui hoạch trở thành trung tâm thành phố Hà Nội trong tương lai gần thay thế khu hồ Hoàn Kiếm nhỏ hẹp.
7- Cửa Ô Quan Chưởng
Cửa ô được xây dựng năm 1749 dưới triều vua Lê Hiển Tông, khi đó gọi là Đông Hà Môn, đến năm 1804 dưới triều vua Gia Long cửa ô được xây dựng lại với quy mô như di tích còn lại đến ngày nay.
Tên cửa ô Quan Chưởng được đặt là để tưởng nhớ vị quan Chưởng cơ cùng binh sĩ chiến đấu chống lại quân Pháp do tướng Francis Garnier tấn công chiếm thành Hà Nội ngày Nov 20, 1873. Vị quan Chưởng Cơ cùng tất cả 100 binh sĩ đã anh dũng chiến đấu đến người cuối cùng. Sau khi chiếm thành, quân Pháp ra lệnh phá bỏ tất cả các cửa ô và thành cổ Thăng Long để mở rộng thành phố. Nhờ sự đấu tranh của Cai tổng Đồng Xuân là Đào Đăng Chiểu và nhân dân Hà Nội nên chỉ giữ được mỗi cửa ô Quan Chưởng.
Sau hơn 200 năm, cửa ô xuống cấp và cũng từ hậu quả của chiến tranh. Năm 2009, với sự tài trợ của Quỹ bảo tồn Văn hóa Đại sứ quán Hoa Kỳ, cửa ô được trùng tu như ngày nay với mức kinh phí là $ 74,500 USD.
8- Đền Quán Thánh Huyền Thiên Trấn Vũ
Đền Quán Thánh, tên chữ Nho là Trấn Vũ Quán, được xây dựng từ thời vua Lý Thái Tổ (1010-1028), thờ Huyền Thiên Trấn Vũ là một trong 4 vị thần được lập đền thờ để trấn giữ 4 cửa thành Thăng Long khi xưa, gọi là Thăng Long tứ trấn. Bốn ngôi đền đó là:
– Đền Bạch Mã – Bạch Mã tối linh từ (trấn giữ phía Đông kinh thành)
– Đền Voi Phục – Tây trấn từ (trấn giữ phía Tây kinh thành)
– Đền Kim Liên – Kim Liên từ (trấn giữ phía Nam kinh thành)
– Đền Quán Thánh – Trấn Vũ quán – (trấn giữ phía Bắc kinh thành)
Các ngôi đền xây dựng từ thời nhà Lý, sau nhiều đợt trùng tu, gần nhất là đợt trùng tu năm 1941. Đây là nơi tu hành của những tín đồ theo Đạo Giáo. Ở Thăng Long thành có 4 Đạo Quán lớn, gồm:
– Trấn Vũ quán, nay gọi là đền Quán Thánh ở phố Quán Thánh
– Huyền Thiên quán, nay là chùa Huyền Thiên ở phố Hàng Khoai
– Đồng Thiên quán, nay là chùa Kim Cổ ở phố Đường Thành
– Đế Thích quán, nay là chùa Vua ở phố Thịnh Yên.
Những Đạo quán này gắn liền với thời kỳ phát triển của Đạo Giáo ở Việt Nam từ thời Lý Thái Tổ, và chỉ đến đời nhà Mạc. Đến đời vua Lê Trung Hưng, Đạo Giáo suy thoái, các Đạo quán bị Phật Giáo hóa trở thành chùa. Trấn Vũ Quán nơi có tượng Trấn Vũ to lớn còn giữ được bản chất Đạo quán, các quán khác đều đổi thành chùa thờ Phật. Huyền Thiên Trấn Vũ quán nằm trên địa phận quận Ba Đình.
9- Phố cổ Hà Nội, 36 phố phường:
Khu 36 Phố Phường là di tích phồn thịnh của Hà Nội hơn trăm năm trước, đối với ngày nay thấy cũng nhỏ thôi nhưng còn lưu lại được nhiều nét cổ kính. Mỗi con đường buôn bán một mặt hàng nên con phố đặt tên theo mặt hàng đó. Trong hình, bên một góc đường hàng quán còn giữ được kiểu kiến trúc của người Pháp khi họ đã đánh chiếm và bảo hộ thành Hà Nội.
Phố Hàng Mã
Phố Hàng Mã, gồm các cửa tiệm bán đồ vàng mã dùng trong việc cúng bái, đồ hàng giấy dùng để trang trí. Về sau đi kèm với sự phát triển của xã hội cộng với nhu cầu tiêu dùng của người dân ngày một thay đổi, phố Hàng Mã mở rộng thêm việc buôn bán các mặt hàng khác như đồ dùng văn phòng, bưu thiếp, thiệp cưới, đồ chơi hiện đại, … Nhất là theo mùa như Tết, Trung Thu, Halloween, Christmas, Thanh Minh, rằm tháng Giêng, rằm tháng Bảy, …
Bất chợt nhìn thấy ngôi nhà hẹp – quá hẹp – tấm ảnh thật thú vị.
10- Estrella Sky Bar – Ha Noi by Night
Estrella Sky Bar là quán Bar phục vụ khách lưu trú của khách sạn La Nueva Boutique Hanoi trên đường Lò Sũ, quận Hoàn Kiếm. Trên tầng cao (12) ban đêm quan khách có thể vừa hóng mát, ngắm nhìn Hà Nội về đêm rực rỡ ánh đèn, thưởng thức các loại rượu và Cocktail. Đặc biệt là âm nhạc nhẹ nhàng, du dương tình tứ,những bản nhạc nổi tiếng của một số dân tộc, không ồn ào như nhiều người thường nghĩ đến của một quán Bar.
B- THAM QUAN HÀ NỘI NGÀY THỨ HAI
1- Chùa Một Cột
Năm Kỷ Sửu 1049, dưới đời vua Lý Thái Tông, chùa Một Cột được xây dựng. Sau có cất thêm ngôi chùa bên cạnh đặt tên là Diên Hựu Tự, ý nghĩa là mong muốn “phước lành lâu dài”. Sau này, Ỷ Lan Nguyên Phi cho đúc chuông đồng lớn đặt tên là “Giác thế chung” với ý nghĩa là thức tỉnh lòng người thế gian. Bên trong chùa Một Cột là Liên Đài Hoa, bên trên đặt tượng Phật Bà nghìn mắt, nghìn tay mạ vàng. Trên trần phía trong cùng có tấm hoành phi nhỏ ghi ba chữ vàng “Liên Đài Hoa” trên nền sơn đỏ.
Đến năm 2012, chùa Một Cột đã vinh dự được Tổ chức Kỷ lục châu Á xác lập kỷ lục “Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất Châu Á”. Chùa Một Cột nằm tại quận Ba Đình.
2- Khuê Văn Các
Khuê Văn các, chùa Trấn Quốc, Văn Miếu, Quốc Tử Giám và tháp Rùa hồ Gươm là những công trình kiến trúc cổ được coi như là cụm di tích tiêu biểu của mảnh đất ngàn năm văn hiến.
Khuê Văn Các xây dựng vào năm 1805, dưới triều vua Gia Long. Từ Khuê Văn bắt nguồn từ Sao Khuê là ngôi sao đứng đầu trong 7 vì sao của chòm sao Bạch Hổ trong nhóm Nhị Thập Bát Tú. Theo Đạo Giáo, Sao Khuê là vị thần nắm giữ vận mệnh của văn nhân, sau đó được hình tượng là vị thần tóc đỏ, mặt xanh, có nanh vượn, một tay cầm đấu, một tay cầm bút. Bút này điểm trúng ai thì người đó sẽ trúng Đại Khoa trong kỳ thi cử tuyển chọn hiền tài.
Khuê Văn Các nằm trên con đường từ cổng vào Văn Miếu & Quốc Tử Giám, bên cạnh giếng Thiên Quang Tỉnh. Phía trên sát mái nhìn từ cổng vô có một tấm biển viết 3 chữ 奎文閣 (Khuê Văn Các), sơn son thếp vàng. Theo một tài liệu, bốn mặt tường gỗ mỗi mặt đều có cặp câu đối trong khái niệm “văn chương” và “đạo mạch”, như:
1- Khuê tinh thiên lãng nhân văn xiển – Bích thuỷ xuân thâm đạo mạch trường.
2- Hy triều phấn sức long văn trị – Kiệt các trân tàng tập đại quan
3- Thành lâm Bắc đẩu hồi nguyên khí – Nguyệt tế thu đàm chiếu cổ tâm.
4- Thánh hiền nhất thống đồ thư phủ – Văn hiến thiên thu lễ nghĩa bang.
Tạm dịch nghĩa như sau:
1- Sao Khuê trời sáng, văn minh rộng – Sông Bích xuân sâu, mạch đạo dài
2- Triều ta tô điểm nhiều văn trị – Gác đẹp văn hay đón khách xem
3- Bắc Đẩu soi thành nhiều khí tốt – Đầm thu bóng nguyệt sáng lòng xưa
4- Nước lễ nghĩa nghìn năm văn hiến – Phủ đồ thư một mối thánh hiền
Một điểm đáng chú ý nữa trong thiết kế xây dựng Khuê Văn Các & giếng Thiên Quang Tỉnh. Khuê Văn Các có các cửa sổ hình tròn tượng trưng cho Trời nơi hội tụ tinh hoa của bầu trời, giếng Thiên Quang Tỉnh có nghĩa là “soi bóng mặt trời” hình vuông tượng trưng cho mặt đất, tương ứng với “âm” và “dương”. Trong thuyết Âm Dương của Nho Giáo, Âm Dương kết hợp đó là thành quả của sự phát triển, sinh sôi nảy nở. Khuê Văn Các còn là biểu tượng của sự ước mong phát sinh và phát triển con người.
3- Quần thể Văn Miếu & Quốc Tử Giám
Văn Miếu được xây dựng từ năm 1070 dưới triều vua Lý Thánh Tông, làm nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối. Đến năm 1076 vua Lý Nhân Tông cho lập thêm Quốc Tử Giám là trường Đại Học đầu tiên dành cho con các Vua và trong người Hoàng tộc. Qua đời vua Trần Thái Tông cải cách đổi Quốc Tử Giám thành Quốc Học Viện, tuyển nhận học viên có năng lực xuất sắc là con cái dân dã vào học.
Sang đời vua Lê Thánh Tông (thời Hậu Lê), bắt đầu cho dựng bia của những người thi đỗ tiến sĩ. Đến thời nhà Nguyễn, Quốc Tử Giám được lập ở Huế là kinh đô, Văn Miếu Thăng Long sửa đổi lại là Văn Miếu Hà Nội.
Hai bên giếng Thiên Quang Tỉnh thiết lập hai dãy nhà bia tiến sĩ, mỗi bia khắc tên các vị đỗ Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Hoàng giáp, Tiến sĩ. Bia làm bằng đá đặt trên lưng rùa cũng bằng đá, hiện nay có 82 bia của các khoa thi từ năm 1442 đến năm 1779. Đây là những cổ vật quý giá nhất trong khu di tích Văn Miếu.
Khu trung tâm Văn Miếu là hai công trình lớn nối tiếp, là nhà Bái Đường và Thượng Cung là nơi thờ Khổng Tử và Tứ Phối (Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử).
Đến thời nhà Nguyễn, nhà Thái học bị bãi bỏ, và bị phá hủy trong thời kỳ chiến tranh Việt-Pháp. Thành phố Hà Nội cho xây dựng lại năm 1999, gồm nhà Tiền đường và Hậu đường, làm nơi thờ các vị vua Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lê Thánh Tông và tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An.
Quốc Tử Giám không chỉ là trường Đại học đầu tiên của nước ta mà còn làm biểu tượng của nền văn học, là ngọn đèn thắp sáng truyền thống hiếu học của người Việt. Ngày nay, nơi đây còn là nơi tổ chức Hội Thơ, khen tặng những học sinh ưu tú, xuất sắc. Ngoài ra, tại Quốc Tử Giám có lệ “Xin Chữ” trong dịp Tết của người dân Hà Nội ước mong năm mới an khang thịnh vượng, hoặc trong các kỳ thi với niềm tin đỗ đạt của các thí sinh.
4- Đền thờ vua Lê Thái Tổ
Vua Lê Thái Tổ (1385-1433, tên húy là Lê Lợi), tượng đài Lê Thái Tổ ngày nay được dựng trên nền cũ do Kinh lược sứ Hoàng Cao Khải thực hiện năm 1894, để tưởng niệm vị vua được sử sách tôn vinh là Anh Hùng Áo Vải. Cuộc khởi nghĩa chống quân Minh từ đất Lam Sơn sau 10 năm gian nan, bền gan chiến đấu (1418-1428), đã tiêu diệt 60 ngàn quân Minh – Trận Tụy Động và trận tại làng Phù Ninh và Đồng Kiều, “Tụy Động thây phơi đầy đất, Ninh Kiều máu chảy thành sông”, giành được độc lập cho nước nhà.
Từ ngoài vào gồm cổng có bốn trụ bên mé đường, nhà Phương Đình màu trắng kiến tạo sau này phảng phất nét Tây phương; trong cùng là tượng đài vua Lê Thái Tổ xây dựng theo kiểu trụ biểu phương Tây, bức tượng cao 1,2 m dựng trên đỉnh trụ. Tượng Lê Thái Tổ đầu đội mũ thiên triều, một tay chống hông, một tay cầm kiếm hơi chúc mũi xuống trong tư thế trả gươm theo truyền thuyết “hoàn kiếm” cho Thần Kim Quy (Rùa Thần).
Việc thờ phượng Đền do quan chức nhà Nguyễn đảm trách, từ khi chính phủ Pháp xóa bỏ Nha Kinh Lược thì khu di tích này bắt đầu hoang phế. July 1902, một cơn bão gây hư hại nặng. Năm 2000 chính quyền thành phố hoàn thành việc trùng tu, tôn tạo di tích đúng vào dịp kỷ niệm 990 năm “Thăng Long – Hà Nội”, người dân được tự do đến chiêm bái.
5- Cổng Bắc thành Thăng Long
HINH 5278, Di tích cổng Bắc thành Thăng Long
Cửa Bắc được xây dựng từ thời Hậu Lê, là một trong số rất ít di tích còn nguyên vẹn sót lại của Hoàng Thành Hà Nội. Là nơi thờ hai vị Tổng đốc thành Hà Nội tuẫn tiết sau khi thành bị quân Pháp đánh chiếm. Tổng đốc Nguyễn Tri Phương, sau khi Pháp hạ thành Hà Nội ông không hợp tác với ngoại bang tuyệt thực cho đến chết (1873). Và Tổng đốc Hoàng Diệu, Pháp chiếm thành Hà Nội lần 2, Ông quyết chết theo thành (1882).
• Lịch sử Hoàng Thành Thăng Long Hà Nội
Năm 1010, vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về thành Đại La và đổi tên là Thăng Long, nghĩa là Rồng bay lên. Sau khi dời đô Vua Lý Thái Tổ cho dựng Thăng Long thành, trung tâm kinh tế, chính trị của nước Đại Việt, đáng kể nhất là Hoàng Thành Thăng Long với nhiều công trình văn hóa, mỹ thuật rực rỡ, hoành tráng và đã trải qua các triều đại Lý, Trần, Tiền Lê, …
6- Kỳ Đài
Cột cờ còn gọi là Kỳ Đài, mang nét cổ kính của Hà Nội tại quận Ba Đình, gần các khu tham quan du lịch như Lăng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Quân sự, Chùa Một Cột, …
7- Chợ Đồng Xuân
Chợ Đồng Xuân là ngôi chợ lớn nhất Hà Nội, là một điểm đến của du khách. Vào khoảng năm 1804, nhà Nguyễn cho lập chợ ở phía nam dòng sông Tô Lịch. Năm 1890, người Pháp cho xây lại chợ Đồng Xuân với 5 cổng vòm theo mỹ thuật kiến trúc Pháp. Đến năm 1990, chợ xây cất lại bỏ 2 dãy vòm 2 bên chỉ giữ 3 dãy vòm giữa và xây lên thành 3 tầng.
Chợ Đồng Xuân là chợ đầu mối (bán giá sỉ) đồng thời cũng có bán lẻ, hầu hết mặt hàng trong chợ có nguồn gốc từ China.
8- Bốt Hàng Đậu
Bốt Hàng Đậu là một trong những công trình thời Pháp thuộc xưa nhất tại Hà Nội. Nó không phải là một cái Bốt (Post) là trạm thư tín nơi thường có một đơn vị nhỏ lính tập khoảng 1 tiểu đội trú đóng. Do kiến trúc có các cửa sổ như lỗ châu mai giống như cái bốt lính canh nên dân Hà Nội quen gọi là “Bốt”.
Chức năng thật của bốt là một trạm cấp nước, ngày nay bên trong tháp còn nguyên hệ thống cấp nước. Công trình này ngày nay được du khách ưa thích dừng chân chụp hình kỷ niệm nhất là vào dịp đầu năm mùa cây lộc vừng thay lá.
• Một vài di tích khác có giờ tham quan quy định, du khách đến không đúng thời gian nên đành sorry!
9- Buổi tối bên hồ Hoàn Kiếm
Ngày thứ nhì, sau khi đi tham quan một số di tích ở quận Ba Đình, Đống Đa, đến quá trưa điểm đến là Bún chả Hương Liên bên quận Hai Bà Trưng, nơi mà tổng thống Mỹ Barack Obama đã từng đến ăn cùng với ký giả Anthony Bourdain trong chuyến viếng thăm Việt Nam năm 2016. Buổi ăn tối được chọn là tại Thủy Tạ Restaurant bên hồ Hoàn Kiếm thơ mộng, lung linh ánh đèn. Đề nghị đi tiếp sau bữa ăn, đến thưởng thức Café bên bờ Hồ Tây như các quán G-Kim’s Coffee, Bonjour Coffee, hay ABC Coffee Roaster là những quán nổi tiếng đẹp, lịch sự. Nhưng rất tiếc, sau đó cần trở về khách sạn nghỉ ngơi, có lẽ không quen đi bộ nhiều và nhất là dưới cái nắng oi bức 34-35 độ C, cộng thêm độ ẩm khá cao nên sau 2 ngày đi tham quan các di tích khiến cho toàn thân người khó chịu, rã rời mệt mỏi.
C- NGÀY THỨ BA, CHUẨN BỊ TRỞ VÔ NAM
Thời gian 3 ngày tham quan Hà Nội không thấy bầu trời xanh, có lẽ độ ẩm quá cao và nóng đến 34-35 độ C, tiếc rằng chỉ thu được hình Hà Nội mờ xa, có lẽ một phần do không khí bị ô nhiễm, hy vọng là không đúng như vậy.
Ăn sáng tại Buffet khách sạn xong, làm thủ tục trả phòng, lấy taxi ra phi trường Nội Bài trở vô Nam.
—————– oOo ——————-
Sau khi ổn định trên máy bay, Ngọc Ruby nhỏ nhẹ hỏi Ba:
– Ba, chuyến đi này ba thấy OK không? Các dự định về bài viết “Tham quan di tích tại Hà Nội” ba hài lòng chứ?
– Mình không thể đạt được như mong muốn khi điều kiện thời gian và sức khỏe không cho phép. Còn một vài nơi chưa đến được như:
+ Đền thờ Trần Hưng Đạo, với chiến công 3 lần đại thắng quân Nguyên năm 1258, 1285 và 1288 chấm dứt tham vọng xâm chiếm Đại Việt của quân Nguyên. Nên nhớ là quân Nguyên Mông (Thành Cát Tư Hãn và Hốt Tất Liệt) đã chinh phục một đế quốc rộng lớn từ Đông Á đến tận tới Đông Âu.
+ Di tích Gò Đống Đa nơi hàng ngàn hàng vạn xương tàn quân Thanh xưa chất đống, chiến thắng oanh liệt của vua Quang Trung;
+ Đền thờ Hai Bà Trưng, là người phụ nữ Việt Nam mở đầu trang sử hào hùng của dân tộc.
– Ô, con hiểu ra rồi, nói về Hai Bà Trưng, nói về vai trò người phụ nữ Việt Nam trong dòng lịch sử! Có phải ba hẹn với chị Diep Hoang – chị tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, dạy môn Sử nữa – thì đề tài ba viết phong phú thêm nhiều phải không? Còn thi vị nữa bên bờ Hồ Tây cùng kể nhau nghe về trận đánh Hồ Lãng Bạc, về những nét đẹp của Hồ Tây qua âm nhạc và thơ ca. Tiếc là chị Diep Hoang có việc đột xuất không gặp ba được, nếu không chắc có nhiều điều thú vị lắm á ba!
– Đúng vậy, còn có thể trao đổi thêm về những sự kiện bi hùng của nữ binh nữ tướng đội quân binh của Hai Bà, trong các trận đánh oai hùng đó không một ai lọt vào tay giặc, họ tử trận hoặc tự sát khi không còn chiến đấu được nữa!
– Con cảm ơn ba, được đi theo ba trong chuyến đi này hiểu biết thêm nhiều về công đức của tiền nhân đã hy sinh xương máu trong việc mở mang và gìn giữ nước nhà.
– Con biết bài hát Hồ Lãng Bạc không, của tác giả Xuân Tùng?
“… Bờ xa bát ngát ven trời mây sóng đưa
Thành cây xa tắp trong mây mờ
Hồ Tây – đây chốn tranh hùng Trưng Nữ Vương
Khiến người như thấy bâng khuâng
…
Thề quyết chiến, liều xông lên thét hùng oai nữ vương
Ào gió thét, ầm sóng vỗ – thế cũng không chút sờn
Hồ vẫn đấy, người xưa đâu? Sóng hùng ghi nữ anh
Buồm quyến gió, thuyền rẽ sóng dưới trời mây nước thanh”.
Lê Hữu Uy
Phoenix, Arizona – Oct 03, 2022
(Nguồn tham khảo: Tại các văn bia và tổng hợp – Hình ảnh của tác giả trong chuyến viếng thăm Hà Nội tháng 8, 2022)