Lần đầu tiên tôi gặp Tràmy khi cô bay sang Arizona tham dự tang lễ của cố TNS John McCain. Tôi được giao nhiệm vụ đón bà chủ tịch Cộng đồng từ Atlanta, Georgia kiêm Chủ tịch Cộng Đồng Liên Bang Hoa Kỳ. Trong tâm trí tôi mường tượng đó phải là một phụ nữ cao tuổi mới nắm giữ vai trò Chủ tịch Cộng Đồng. Nào ngờ, bước ra khỏi khách sạn tiến về xe tôi là một thiếu nữ xinh đẹp, với mái tóc vàng nâu trong tà áo dài đen, ôm gọn dáng người cao và thon thả. Cảm nhận đầu tiên của tôi về Tràmy, cô ấy có một gương mặt rất khả ái và đầy nghị lực.
Sau lần gặp gỡ đó, chúng tôi kết bạn trên Facebook. Nhờ vậy, tôi được biết thêm về những sinh hoạt của Cộng Đồng bên Georgia dưới tài lãnh đạo xuất sắc của Cô Tràmy. Sau đây, kính mời quý vị cùng theo dõi buổi trò chuyện của chúng tôi với cô Tràmy.
Do Thanh Mai (TM) thực hiệnTM:
TM: Hi Tramy, tháng 5 là tháng có nhiều sự kiện quan trọng: tháng di sản Á Châu, ngày lễ Mẹ, ngày lễ Chiến Sĩ Trận Vong … cảm nhận của Tràmy thế nào về tháng 5?
TràMy: Đối với mình, tháng nào cũng có ý nghĩa quan trọng và thiêng liêng, tùy theo những hoàn cảnh và biến cố của mỗi cá nhân mà mang ý nghĩa khác nhau. Riêng đối với cá nhân mình, là một người Việt tị nạn cộng sản thì tháng năm còn mang nhiều ý nghĩa to lớn hơn, trong đó phải nói đến tháng Di Sản Á Châu (Heritage Month), khi chính quyền tại mỗi tiểu bang công nhận và vinh danh lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ là lá cờ đại diện cho người Việt hải ngoại. Đó là một niềm tự hào và TràMy mong cộng đồng khắp nơi tiếp tục duy trì và bảo vệ cho thế hệ tiếp nối hiểu được những hy sinh xương máu của cha ông và lý do tại sao chúng ta có mặt ở hải ngoại. Ngoài ra, khi đã là công dân và nhận Hoa Kỳ là quê hương thứ hai thì ngày lễ Chiến Sĩ Trận Vong (Memorial Day) cũng là ngày nhắc nhở rằng Tự do chưa bao giờ là miễn phí, là ngày chúng ta phải tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn sâu sa đến tất cả chiến binh Hoa Kỳ đã chiến đấu và hy sinh trong các chiến tranh tại Hoa Kỳ và các quốc gia khác. Và tháng năm còn có một ngày lễ quan trọng đó là lễ Mẹ (Mother Day). Nhân dịp này, xin gửi lời chúc mừng Ngày Của Mẹ đến tất cả quý cô và chị em, chúc tất cả ngày bình an, vui vẻ và hạnh phúc bên người thân yêu.
TM: Tràmy là một người phụ nữ với tài lãnh đạo giỏi giang trong Cộng Đồng Người Việt ở Georgia mà ai ai cũng đều biết đến. Tràmy làm nhiều việc xã hội như vậy, Tràmy có thời gian cho gia đình không? Nhất là cho vai trò làm Mẹ?
Tràmy: Chúng ta ai cũng có 24 giờ một ngày, nếu mình biết sắp xếp và chia thời gian cho phù hợp thì mọi việc cũng sẽ ổn thỏa. Khi dấn thân ra sinh hoạt và phục vụ cho tha nhân cho xã hội, thì TràMy luôn cố gắng làm sao để dung hòa cho tròn vẹn đôi bên. Người xưa có câu “Tề gia, trị quốc bình thiên hạ”. Mỗi gia đình là những tế bào đóng vai trò quan trọng trong xã hội, do đó sự kết nối thân thiết giữa những thành viên trong gia đình là điều tối ưu và là nền tảng vững chắc để xây dựng một cộng đồng lớn mạnh hơn. Gia đình nhỏ ba người của mình dành rất nhiều thời gian cho nhau, cùng nấu ăn, đi dã ngoại hay làm công tác xã hội chung. Cũng có vài nguyên tắc mà tất cả các thành viên trong nhà đều phải cố gắng tuân theo, đó là không coi tivi (nhà của mình không có tivi hay cable, sau này chỉ mở Internet để bé học bài), mỗi buổi tối phải ăn cùng nhau và trong các bữa ăn thì không được sử dụng điện thoại, mỗi ngày phải nói chuyện với nhau ít nhất một lần, và mỗi năm phải đi chơi xa chung với nhau để giữ tình thân. Trong vai trò làm mẹ thì mình rất tự hào khi giữ được mối quan hệ gần gũi với bé ThảoMy, hai mẹ con có thể tâm sự và nói chuyện cả hàng giờ đồng hồ, chia sẻ vui buồn trong cuộc sống hằng ngày. Mình vẫn giữ thói quen “hẹn hò” với cô nàng, và đối xử với con như người lớn, luôn tôn trọng và ủng hộ cũng như góp ý để cho con vững tâm tiến bước vào đời.
TM: Nhiều ngưởi cho rằng từ khi được lên thiêng chức làm mẹ, chúng ta yêu thương cha mẹ mỉnh nhiều hơn. Tràmy có nghĩ vậy không? Nếu có ai đó hỏi Tràmy về hai đấng sinh thành, Tràmy sẽ nói gì?
Tràmy: Đúng vậy Thanh Mai. Trên đời này, không có tình cảm nào thiêng liêng hơn tình mẫu tử, và điều kỳ diệu này đã một lần nữa minh chứng tình yêu vô bờ bến của hai đấng sinh thành ngay trong ngày TràMy sinh con và lên thiên chức làm mẹ. Hai mươi năm trước, khi TràMy sinh bé ThảoMy đã phải trải qua một cơn thập tử nhất sinh, tưởng chừng mất mạng. Bốn ngày sau khi tỉnh dậy và qua hai đợt giải phẩu, mình tin đã có một phép nhiệm màu của ơn trên, sự nỗ lực của tất cả các bác sĩ y tá và lời cầu nguyện của mẹ mong con vượt cơn hoạn nạn bình yên. Sau khi mình sinh con, Mẹ như già đi thêm 10 tuổi vì bao đêm thức trắng lo toan, và Me có một lời nguyện, nếu cứu sống và giữ được tính mạng cho mình, bà sẽ nguyện xuống tóc. Mình đã khóc rất nhiều khi biết điều đó và nguyện sẽ cố gắng làm tròn chữ hiếu để không phụ công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Hồi trước khi ba mẹ mới vừa nghỉ hưu, mình thường chở ông bà đi chơi nhiều nơi. Lúc sau này bận bịu với công việc, với cộng đồng và ông bà cũng đã ngoài 80 nên không còn đi chơi nhiều như hồi trước nữa. TràMy thường hay gọi thân mật là “anh chị Ngoại” hay “anh chị Đại” mỗi khi muốn chọc cho ông bà cười, vì đối với họ hạnh phúc hiếm hoi còn lại là thời gian mỗi khi con cháu tụ họp quây quần về thăm ông bà và trò chuyện. Nếu nói đến công lao của hai đấng sinh thành thì có nói bao nhiêu cũng không đủ, có làm bao nhiêu cũng không thể đền ơn được. TràMy chỉ xin mượn bài phỏng vấn này, cảm ơn đến ba mẹ đã cho con hình hài, nuôi dạy con cái thành người tốt, giúp ích cho xã hội và tha nhân. TràMy tự hào là con gái của ba me, và luôn cầu ơn trên ban sức khỏe và bình an để ông bà sống đời bên con cháu.
TM: Trong những event của Cộng Đồng, luôn thấy hình ảnh ông xã Tràmy sát cánh cùng vợ trong hầu hết các hoạt động… Tràmy đã làm gì để ông xã support hết mình như vậy?
Tràmy: Phải nói mình là người rất may mắn khi có sự hậu thuẫn gần như 100 % của anh xã Wayne Phạm. Từ lúc quen nhau thời sinh viên anh cũng biết mình là người rất siêng năng và có đam mê với công tác xã hội. Sau khi lập gia đình và cùng mở công ty WTAutoMax, ngoài thời gian ở chỗ làm, mình vẫn chu toàn lo cho gia đình từ việc chăm sóc con, dọn dẹp nhà cửa và nấu những món anh thích. Có một câu mà mình luôn áp dụng là “con đường ngắn nhất chạm đến trái tim là qua cái dạ dày”. TràMy nghĩ là chỉ cần hiểu được tâm lý và quan tâm đến người bạn đời thì người nhận lại được nhiều hơn là chúng ta, quan trọng là khi mình biết gia đình vẫn là ưu tiên số một rồi mới đến xã hội bên ngoài. Nếu người đàn ông yêu thương và quan tâm vợ thật sự thì không muốn cô bôn ba một mình ở ngoài, nhất là trong các công việc “Ăn cơm nhà vác ngà voi”. Cũng may là hai vợ chồng có công việc ổn định, làm chung một chỗ nên rất uyển chuyển khi muốn bỏ thêm thời gian cho cộng đồng. Nói thì nói vậy nhưng đôi khi anh cũng phàn nàn, “ca bài con cá” thì mình cũng phải lùi bước và nhịn để giữ hòa khí gia đình, rồi lựa lúc vui vẻ để tỉ tê, tâm sự hay năn nỉ, và kết quả là như bạn thấy đấy, 8 năm qua rồi mà có dứt được cộng đồng đâu!!!
TM: Câu nói “con nhà tông, không giống lông cũng giốnh cánh”, Tràmy có nghĩ là bé Thảomy hoạt động tích cực ở trường và Cộng Đồng là vì có gene của Mẹ hay vì cháu được huấn luyện từ nhỏ? Tràmy có thể chia sẻ bí quyết làm thế nào để trẻ em sinh trưởng ở Mỹ nhớ đến cội nguồn và không bị mất gốc?
Tràmy: Mình nghĩ chắc cả hai đó Thanh Mai, một chút gene của mẹ và một phần được huấn luyện, tham gia sinh hoạt từ nhỏ. Mỗi lần mình đi làm từ thiện, ra cộng đồng hay ở chùa thì đều cho bé ThảoMy đi chung. Mình cho con tham gia múa hát từ nhỏ, cho bé hiểu được giá trị của sự cho đi và nhận lại, và để con tự do phát triển theo sở thích và chọn ra hướng đi cho riêng mình. Càng lớn, ThảoMy càng tỏ ra là một cô gái rất cá tính, mạnh mẽ và độc lập. Phải khoe một tí, ThảoMy là thành viên nhỏ nhất (trong cả gia đình hai bên nội ngoại) đi làm part time lúc em 15 tuổi tại công ty bảo hiểm State Farm. Bây giờ ThảoMy 20 tuổi, là sinh viên năm thứ ba tại trường UGA và cũng là phó chủ tịch của hội sinh viên UGA và Hội Thanh Niên Việt Nam GA. Mình không có bí quyết nhưng chỉ muốn gửi lời chia sẻ đến các anh chị em phụ huynh cùng lứa tuổi. Cha mẹ chúng ta là thế hệ đi trước, sinh ra trong thời chiến tranh, loạn lạc và trải qua biết bao nhiêu khó khăn. Đến khi qua Mỹ và dẫn theo con cái để bắt đầu lại cuộc sống mới thì chúng ta phải có trách nhiệm và bổn phận để nhắc nhở con cháu về quá khứ, cũng như tiếp tục bảo tồn và giữ gìn văn hoá bằng cách tham gia các sinh hoạt lành mạnh trong cộng đồng, cho con em chúng ta hiểu được giá trị của lịch sử cũng như những truyền thống tốt đẹp của thế hệ đi trước. Con cái chúng ta thấy cha mẹ đến tham gia sinh hoạt thì các em mới bắt chước theo, như vậy thì không sợ bị mất gốc và quên cội nguồn.
TM: Tuổi trẻ là tương lai của Cộng Đồng, trong vai trò của một vị Chủ tịch Cộng Đồng, Tràmy có thể cho biết những chương trình của Cộng Đồng thu hút giới trẻ tham gia?
Tràmy: Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Georgia vừa mới kỷ niệm 30 năm thành lập (1994-2024). Trong suốt bao nhiêu năm qua, các vị Cựu chủ tịch và Ban đại diện cộng đồng đã làm rất nhiều công tác phúc lợi cho đồng hương mọi lứa tuổi. Với sự lớn mạnh và số lượng người Việt càng ngày càng tăng trưởng tại tiểu bang Georgia, TràMy cùng các quý vị trong cộng đồng cũng đã bổ sung thêm một số sinh hoạt thu hút giới trẻ trong đó có chương trình Trại Hè Lạc Hồng, Đội Đua thuyền rồng Lạc Hồng, Lễ Hội Trung Thu và Chợ Đêm, Chương trình Phát dụng cụ học tập cho học sinh… Ngoài ra, trong tương lai các em trong Hội Thanh Thiếu Niên Việt Nam sẽ mở thêm lớp học lịch sử, các buổi đi tham quan viện bảo tàng và học lớp tiếng Việt cũng như thành lập đội trống Lạc Hồng.
TM: Nhiều người tò mò muốn biết làm việc cho Cộng Đồng có được trả lương hay lợi lộc gì không mà sao Tràmy và nhiều cô chú, anh chị đã dấn thân và làm việc hăng say suốt bao năm qua? Tràmy có thể chia sẻ những vui buồn khi làm việc Cộng Đồng?
Tràmy: Cảm ơn Thanh Mai hỏi câu hỏi này. Đã nhiều lần mình cũng muốn lên tiếng để giải bày một lần cho rõ vì ngoài kia có những lời đồn thổi ác ý không đúng sự thật nhầm lung lay ý chí của những cô chú và anh chị em làm công tác xã hội nói chung và cho cộng đồng nói riêng. Cá nhân TràMy và tất cả các cô chú, anh chị em trong cộng đồng chưa bao giờ được trả lương, thậm chí còn bỏ tiền túi ra rất nhiều khi làm việc cộng đồng. Như nhiều người cũng biết, nhà của TràMy ở cách xa trung tâm cộng đồng hơn một tiếng, nội tiền xăng đi lên xuống một tuần mấy lần, thời gian bỏ công việc làm ăn để lo cho các events, và còn phải bỏ thêm tiền quảng cáo với tư cách là thương gia tài trợ để khuyến khích những anh chị em thương gia khác đồng ủng hộ các sinh hoạt phúc lợi của cộng đồng. Tất cả mọi người làm vì có chung một lý tưởng giữ gìn và phát triển cộng đồng, giữ lấy tiếng nói trung thực của người Việt tị nạn cộng sản. Nếu có được trả lương, thì sự thương yêu, tin tưởng và luôn đồng hành cùng với TràMy và cộng đồng là món quà quý giá nhất mà không đồng tiền nào có thể trả được. Sự hậu thuẫn đông đảo của tất cả các hội đoàn, thương gia nghiệp chủ, bà con đồng hương và các bạn trẻ trong Cộng đồng đã là một minh chứng thiết thực và là động lực để chúng tôi tiếp tục dẫn thân. Và vì vậy, nhân đây Tràmy xin được tri ân đến tất cả những người đã tin tưởng, tiếp tay, và đồng hành cùng với Tràmy trong việc giữ gìn và phát triển Cộng Đồng chúng ta ngày thêm lớn mạnh.
TM: Tràmy là một trong những người chịu trách nhiệm chính trong việc vận đông xây dựng Đài Tưởng Niệm Chiến Sĩ Việt Mỹ trong khuôn viên của thành phố Dunwoody? Tràmy có thể cho độc giả được biết thêm về tiến trình xây dựng đến đâu rồi? Dự định khi nào sẽ khai trương?
Tràmy: Công trình xây dựng Đài Tưởng Niệm Chiến Sĩ Việt Mỹ là một niềm ước ao mà cộng đồng đã cố gắng thực hiện từ bao lâu nay nhưng bây giờ mới có duyên để biến giấc mơ đó thành sự thật. Ý tưởng từ lâu nhưng hai năm qua, với sự hợp tác từ Hiệp Hội Danh Nhân Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ (Atlanta Vietnam Veterans Business Association AVVAB) và thành phố Dunwoody đã đồng ý cho xây dựng Đài Tưởng Niệm tại công viên Brook Run Park. Tính đến thời gian này thì hai bức tượng lính Việt Mỹ order đã về tới, 2 bức tường đá đen cũng đã khắc xong. Công ty xây dựng đang ủi cây, làm nền và đổ móng xi măng cho khu vực tượng đài. Nếu mọi việc tiến triển tốt đẹp theo dự tính thì đầu tháng tám sẽ xong và ngày khai trường sẽ là ngày 17 tháng 8, 2024. Sau đó sẽ trao tặng cho thành phố Dunwoody.
TM: Đã gần 50 năm kể từ khi cuộc chiến Việt Nam chấm dứt, nhiều người cho rằng đã đến lúc chúng ta nên quên đi vết thương lòng năm xưa để cùng nhau hướng về tương lai, giúp xây dựng một Cộng Đồng đoàn kết lớn mạnh và một quê hương Việt Nam tốt đẹp hơn. Tràny nghĩ sao về ý kiến này?
Đại diện Hội Đồng thành phố, Đại diện Cộng Đồng, Quan Chức Chính Quyền và Cựu Chiến Binh tại buổi lễ động thổ xây dựng tượng đài chiến sĩ.
Tràmy: Mặc dù chiến tranh Việt Nam đã kết thúc gần 50 năm nhưng lịch sử chưa bao giờ kể hết những câu chuyện sự thật về cuộc chiến … Tháng Tư Đen đánh dấu kỷ niệm đau buồn ngày Sài Gòn thất thủ, một khoảnh khắc đã thay đổi mãi mãi cuộc đời và định hình số phận của nhiều thế hệ mai sau. Trên thế giới, không có một quốc gia nào sau khi thắng cuộc đã tìm mọi thủ đoạn để đuổi tận giết cùng những người bên phe thua cuộc, và người Việt Nam chúng ta cũng không bỏ nước ra đi cho đến khi Cộng sản chiếm đoạt Miền Nam Việt Nam. Người Việt hải ngoại đã rời bỏ quê hương để tìm tự do và cơ hội đổi đời vì không thể sống với chế độ CS. Có thể nói chính người Việt ở hải ngoại đã một phần nào nuôi sống và vực dậy nền kinh tế ở trong nước. Cộng sản VN chưa bao giờ nguôi trả thù và lãnh đạo nhà nước không muốn sự thật được phơi bày ra ánh sáng. Có nhiều người không hiểu rằng, người Việt hải ngoại không chống đối quê hương, người dân, đất nước VN mà họ chỉ chống đối nhà cầm quyền, lãnh đạo CS mà thôi. Ngày nào Việt Nam chưa có nhân quyền, tự do và bình đẳng thì người dân còn tiếp tục khổ dài dài. Có một câu nói rất nổi tiếng , được dịch ra là: “Mọi cuộc chiến đều diễn ra hai lần. Lần đầu tiên ra chiến trường. Thứ hai trong Ký ức.” Là hậu duệ VNCH, và là người Việt tị nạn CS, TràMy nghĩ chúng ta không thể xóa bỏ lịch sử, phải mang theo ngọn đuốc tưởng nhớ và đảm bảo rằng những hy sinh của cha ông sẽ không bao giờ bị lãng quên. Chúng ta cũng nên nhắc nhở thế hệ mai sau rằng các quyền tự do mà chúng ta trân trọng ngày nay đã được đánh đổi bằng máu, mồ hôi và nước mắt của những người đi trước chúng ta. Ngày nào Việt Nam chưa có nhân quyền, tự do và bình đẳng thì người dân còn tiếp tục khổ dài dài.
TM: Được biết đây là nhiệm kỳ cuối của Tràmy trong vai trò Chủ tịch Cộng Đồng, Tràmy cảm nhận thế nào về tương lai của Cộng Đồng?
Tràmy: Cộng đồng chúng ta có rất nhiều người tài giỏi, nhiệt huyết và tấm lòng muốn phục vụ tha nhân. TràMy tin chắc rằng quý cô chú và anh chị em trong Cộng đồng sẽ tiếp tục gánh vác trọng trách này để Cộng đồng ngày càng phát triển vững mạnh hơn. Thêm vào sự hậu thuẫn của các hội đoàn, đoàn thể, quý anh chị em thương gia và bà con đồng hương hổ trợ thì tương lai sẽ ngày một thăng tiến. Một điều mà TràMy lo ngại nhất là sự xâm nhập của những thành phần thích gây rối, cố tình tạo mâu thuẫn và mất đoàn kết nhằm lung lay ý chí của nhiều người trong CĐ. Chúng ta phải sáng suốt nhận diện để nghĩ quyết 1334 không xâm nhập vào CĐ người Việt tị nạn CS. Nhìn lại chặn đường Tràmy đã đi qua trong việc phục vụ Cộng Đồng,
TM: Nhìn lại chặn đường Tràmy đã đi qua trong việc phục vụ Cộng Đồng, Tràmy có thể chia sẻ một số thành tựu, và trong số đó, điều gì làm cho Tràmy tự hào nhất?
Tràmy: Trong suốt 25 năm sinh hoạt CĐ, và 8 năm giữ vai trò Chủ tịch CĐNVQG Hoa Kỳ và GA, TràMy thấy mình rất may mắn khi có nhiều cơ hội học hỏi và trao đổi kinh nghiệm với các cô chú và anh chị em trong Cộng đồng khắp nơi. Một trong số thành quả mà TràMy muốn chia sẻ là tổ chức thành công nhiều ngày lễ văn hóa truyền thống với quy mô lớn, tạo thêm nhiều sinh hoạt lành mạnh và phúc lợi cho bà con đồng hương, gây quỹ cứu trợ nạn nhân bão lụt ở các tiểu bang xa gần. Trong thời kỳ đại dịch COVID-19, đã kêu gọi các tiểu bang khắp nơi trên Hoa Kỳ, hưởng ứng phong trào mua hơn 60 ngàn mặt nạ Face Shields và gởi đi 17 tiểu bang, trao tận tay cho hơn 70 bệnh viện và những người đầu chiến tuyến trong công tác phòng chống COVID.
Nhưng có lẽ điều mình tự hào nhất là thực hiện ước nguyện xây dựng Đài Tưởng Niệm Chiến Sĩ Việt Mỹ tại Georgia. Tất cả những công tác y nghĩa này sẽ không bao giờ thực hiện được nếu không có sự đồng góp của nhiều cá nhân, trong đó phải nhắc đến anh Wayne Phạm, chị Linda Nguyễn, anh Hiếu Lê, Kim Oanh Lê, Hồng Hoa Phạm, Sĩ Ngô, Mỹ Liên Đinh và nhiều anh chị em khác. Cũng không quên sự thương yêu, chi bảo của các cô chú trong Cộng đồng như chú Phúc Đỗ, chú Tần Nguyễn, cô Lệ Đoàn, chú Tịnh Đoàn, anh Trọng Phan, chị Thu Hương và các cô chú khác. Đây là món quà quý báu mà TràMy đã gom nhặt trong suốt bao năm qua.
TM: Cám ơn Tràmy rất nhiều đã dành thời gian tâm sự với Việt Lifestyles hôm nay.
TràMy: Tramy muốn nói lời cảm ơn chân thành đến Giám đốc Thanh Mai xinh đẹp đã tạo ở hội cho TràMy tâm tình cùng quý độc giả hôm nay.