(Kỷ niệm chuyến đi Miền Trung Nov 2023: A- Ngang qua đèo Hải Vân (1/4), B- Huế đẹp và Thơ (2/4), C- Viếng thăm Đà Nẵng (3/4), D- Trải nghiệm Phố Cổ Hội An (4/4 End).
C- VIẾNG QUA THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG (PHẦN 3/4)
- LẦN ĐẦU ĐẾN ĐÀ NẴNG
Chuyến du lịch Miền Trung mùa thu năm (2023), từ Cần Thơ hai bố con nhà tui dự định đi tham quan cố đô Huế một di tích lịch sử quan trọng nhất Miền Trung. Tuy nhiên không có chuyến bay thẳng Cần Thơ – Huế, muốn đến Huế phải quá cảnh Đà Nẵng.
Vậy cũng tốt thôi, Đà Nẵng được bà con ta khen tặng là thành phố đáng sống nhất Việt Nam, thành phố biển nổi tiếng thế giới được khách du lịch quốc tế cũng như nội địa ưa chuộng. Kết hợp làm một tour 3 điểm du lịch quan trọng nhất Miền Trung: Huế+ Đà Nẵng+ Hội An. (Hội An cũng gần Đà Nẵng).
Đang từ trong Nam nóng như điên 37-38 độ C, vừa đến Đà Nẵng có lẽ ông Trời biết chúng tôi là dân Nam Kỳ rặt lần đầu đến nơi này nên được đón tiếp thật ưu ái – Mưa lênh láng, ngập lụt! Ừ, thì quí vị mong có mưa cho mát không phải như thế sao? Không đi đâu được, trời cũng đã trưa nên ghé qua nhà hàng hải sản Cây Sung bên đường Võ Nguyên Giáp, bãi biển Mỹ Khê dùng bữa và cũng để … ngắm mưa!
Biển Đà Nẵng có loại cá thờn bơn danh tiếng, nếu làm món sashimi (gỏi tái) thì không chê vào đâu được. Cô con gái đãi Ba con cá hơn kilo bắt trong hồ làm được 3 món sashimi, chiên dòn và nấu tô canh chua măng; ngoài ra còn thêm món sò điệp nướng cheese.
Thấy cá thờn bơn (trong Nam gọi là cá lưỡi trâu), nhớ đến câu:
Cá lưỡi trâu sầu ai méo miệng
Cá trèn bầu nhiều chuyện trớt môi.
(Ca dao)
Nghe chúng tôi nói giọng Miền Tây Nam Bộ mấy cô cậu tiếp viên niềm nở chào đón, ngoài trời mưa lớn quá quán vắng khách nên nhân viên nhà hàng có thời gian tiếp chuyện vui vẻ. Đà Nẵng nổi tiếng có sông Hàn, cầu Rồng, bãi biển Mỹ Khê, bãi biển Non Nước, chùa Linh Ứng (bán đảo Sơn Trà), chùa Non Nước (Ngũ Hành Sơn). Riêng Bà Nà Hills với Cầu Vàng và phố Tây (Pháp) ở xứ Việt. Thời tiết đang mưa bất tiện, khi tính ra du lịch chỉ 4 ngày đi Huế là điểm chính nếu lên Bà Nà Hills nữa thì đi Hội An không đủ thời gian.
Các bạn tiếp viên nhà hàng giới thiệu thêm về ẩm thực địa phương, vài điểm du lịch nữa như bãi biển Non Nước, Tiên Sa, bãi biển Nam Ô và muốn tìm hiểu nghề làm biển hãy ghé bãi biển Tiên Lãng, Bắc Mỹ An hay quanh vịnh Xuân Thiều ở đó cũng có nhiều quán ăn hải sản tươi ngon giá cả tương đối bình dân hơn. Món cá giò là món đặc sản loài cá này thịt ngọt, không thể đánh lưới người ngư dân chỉ đi
câu để bắt nó.
Ấn tượng đầu tiên người “Đà Nẽng” khá dễ thương, có anh nhân viên nhà hàng nghe khách là cô gái Nam Bộ thấy quán có trồng cây sung rất to bèn hỏi “Cây sung quán anh có nhiều trái mà ăn được không vậy?” chàng ta nhún vai mỉm cười quay đi, một lát sau anh trở lại đặt trên bàn ăn của chúng tôi có món trái sung tươi vừa hái kèm dĩa nhỏ muối ớt, là món độc đáo không có trong menu của nhà hàng.
Ngay bước đầu đến Đà Nẵng được sự thân thiện cởi mở của người địa phương tạo nên cảm tình ngay với thành phố biển Miền Trung này, còn vấn đề nghe nói Đà Nẵng được lọt vào danh sách 10 địa điểm tốt nhất để sống ở nước ngoài do tạp chí du lịch Live and Invest Overseas (LIO) bình chọn, thì chúng ta từ từ khám phá thêm.
- THẮNG CẢNH ĐÀ NẴNG
Đà Nẵng có nhiều bải biển vòng theo cung đường ven biển dài khoảng 10 km, bải cát trắng mịn, rất sạch, ít sóng to, bên ngoài là biển khơi một màu xanh biếc.
Bãi biển Mỹ Khê (Top 25 bải biển đẹp nhất Châu Á); Bãi biển Non Nước (Nằm trong Top đẹp nhất thế giới); Bãi Rạng mang vẻ đẹp hoang sơ tại bán đảo Sơn Trà, vùng biển Rạng nhiều cá chuồn nên có câu ca dao:
Em xuôi biển Rạng cùng anh
Được ăn rau mức nấu canh cá chuồn.
(Ca dao)
Ở bải biển Nam Ô có những rạng san hô rất đẹp thu hút nhiều thanh niên chơi môn lặn biển, ngoài ra tại Nam Ô có nghề làm nước mắm danh tiếng cả Miền Trung:
Nam Ô nước mắm thơm lừng
Đi mô cũng nhớ mùi hương quê nhà.
(Ca dao)
Biển Tiên Sa có bãi biển đẹp mê hồn, đồng thời còn là bến tàu du lịch đưa du khách tham quan vịnh Đà Nẵng, bán đảo Sơn Trà, đi ra cù lao Chàm.
Cảng Tiên Sa là một thương cảng quan trọng nhất Miền Trung đón nhận tàu chở Container, thường xuyên có du thuyền quốc tế (Cruise) cập cảng. Là điểm trung chuyển hàng hóa khắp Miền Trung, Tây Nguyên, Nam Lào và cả Đông Bắc Thái.
Nhắc đến du lịch Đà Nẵng bà con ta nghĩ ngay đến Cây Cầu Vàng, cây cầu đi bộ trên đỉnh núi trong khu du lịch nghĩ dưỡng Bà Nà Hills. Khi xưa thời Pháp thuộc nơi đây là trung tâm nghỉ mát của người Pháp và giới giàu có người Việt. Sau đó là cuộc chiến tranh Đông Dương rồi Vietnam War từ đó ngọn đồi nghỉ mát này hoang phế. Ngày nay tập đoàn Vingroup đầu tư xây dựng lại trở thành khu du lịch vui chơi nghỉ dưỡng lý tưởng, mát mẻ, cảnh quan ngoạn mục cùng với những kiến trúc theo kiểu Pháp có khí hậu như Đà Lạt. Rất tiếc kỳ đi này lỡ chuyến không đến tham quan Bà Nà Hills được.
Ngoài ra bán đảo Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn cũng là thắng cảnh nổi tiếng khi người du khách đến Đà Nẵng không thể quên ghé tham quan.
- VIẾNG CHÙA LINH ỨNG (BÁN ĐẢO SƠN TRÀ)
Chùa Linh Ứng trên bán đảo Sơn Trà là một thắng cảnh, một di tích quan trọng thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan chiêm bái. Tọa lạc trên khung viên rộng lớn gồm các khu Chánh điện, Hậu tổ, Giảng đường, Phương trượng, v.v… vườn Lâm Tỳ Ni, vườn Lộc Uyển.
Hai công trình tôn nghiêm và to lớn nhất là: Tháp Xá Lợi cao 12 tầng bên trong mỗi tầng có thờ các tượng Phật, và tượng Phật bà Quán Thế Âm còn gọi là Mẹ Nam Hải cao 67 m, đặt trên bệ hình tòa sen đường kính 35 m được cơ quan UNESCO công nhận là tượng Phật Bà cao nhất Đông Nam Á.
Tượng Mẹ Nam Hải dựa lưng vào núi hướng mặt ra biển Đông, bao dung che chở ban bình an may mắn cho ngư dân hành nghề trên biển hay những ai đang ngang qua vùng biển này, đồng thời cũng trãi rộng lòng từ bi yêu thương đến toàn cõi chúng sinh.
Chùa Linh Ứng trên bán đảo Sơn Trà chỉ cách thành phố Đà Nẵng khoảng 10 km rất thuận tiện cho tour du lịch, có nhiều khách thập phương đến tham quan không chỉ khách nội địa mà còn rất nhiều du khách từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, Bangladesh, Thái Lan, v.v… đến chiêm bái cầu xin Mẹ Nam Hải ban phước lành.
Theo người dân từ xưa thời vua Minh Mạng (thế kỷ 19), có tượng Phật trôi dạt vào bải cát ở bán đảo Sơn Trà nên dân chúng dựng ngôi chùa nhỏ tại đây để thờ tự. Từ đó vùng này sóng yên biển lặng người dân yên ổn làm ăn nên người ta tin Phật Bà rất linh thiêng. Sau nhiều lần trùng tu nên chùa Linh Ứng không chỉ là công trình Phật Giáo Đại Thừa Việt Nam mà còn trở thành nơi hành hương du lịch tâm linh và là một trong những thắng cảnh nổi tiếng. Từ trên chùa chúng ta có thể nhìn về thành phố Đà Nẵng tân kỳ cùng bải biển Mỹ Khê xinh đẹp đó là một trong những cảnh quan ngoạn mục của Miền Trung.
- THẮNG CẢNH NGŨ HÀNH SƠN
Thắng cảnh nổi tiếng khác của Đà Nẵng là Ngũ Hành Sơn với chùa Linh Ứng (Non Nước) và Làng Đá Mỹ Nghệ Non Nước.
Ngôi chùa cổ trên núi Thủy Sơn, trong cụm Ngũ Hành Sơn.
Ngôi chùa cổ Non Nước là ngôi chùa tọa lạc bên bờ biển Non Nước trong nhóm núi đá vôi Ngũ Hành Sơn, gồm 5 ngọn núi: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn (riêng Hỏa Sơn có Dương Hỏa Sơn và Âm Hỏa Sơn liền kề nhau) và Thổ Sơn tạo nên 1 thắng cảnh núi non, hang động rất nổi tiếng.
Chùa Non Nước tên chính thức là chùa Linh Ứng, từ cổ xưa sau nhiều lần đổi tên từ Dưỡng Chân thời vua Lê Hiển Tông (1461-1504) sau cùng là Linh Ứng, đến đời vua Minh Mạng chùa Linh Ứng được kiến tạo khang trang như ngày nay. Tại Đà Nẳng có đến 3 ngôi chùa to lớn đều có tên Linh Ứng nên các ngôi chùa này được gọi kèm theo tên địa phương để tránh nhầm lẫn, đầu tiên là chùa Linh Ứng (Non Nước) trong cụm Ngũ Hành Sơn. Kế đến là chùa Linh Ứng (Bán đảo Sơn Trà), sau cùng là chùa Linh Ứng nữa trên khu du lịch Bà Nà Hills nên được gọi là chùa Linh Ứng (Bà Nà Hills).
Trên núi Thủy Sơn, ngoài ngôi chùa cổ Linh Ứng còn vài ngôi chùa khác như chùa Tam Thai và nhiều hang động bên trong đều có thờ Phật, riêng động Huyền Không là hang động đẹp nhất. Hai kiến trúc uy nghi to lớn quan trọng là khu Chánh điện và khu tháp Xá Lợi, ngôi tháp cao 27 m, 7 tầng bên trong thờ 200 tượng Phật Thích ca, Bồ Tác, La Hán. Quanh triền núi với cung đường được xây những bậc thang tất cả bằng đá Non Nước, cùng với nhiều kiến trúc sắc sảo tạo nên cảnh quan vô cùng đẹp từ đó danh lam thắng cảnh “Ngũ Hành Sơn” nổi tiếng khắp cả nước.
Làng nghề Đá Mỹ Nghệ Non Nước:
Dưới chân Ngũ Hành Sơn có “Làng nghề Đá Mỹ nghệ Non Nước” có truyền thống hơn 300 năm. Các nghệ nhân chạm khắc các tượng Phật, Chúa, linh vật, phù điêu, trang sức (vòng tay, chuỗi, mặt dây chuyền bằng đá cẩm thạch), có cả mặt hàng nội thất bằng ngọc Thủy phí. Đà Nẵng có mỏ đá cẩm thạch trắng rất quan trọng là nguồn cung ứng vật liệu cho làng nghề nơi có cả trăm cơ sở sản xuất, Công ty Đá Mỹ Nghệ Non Nước là cơ sở qui mô hơn hết.
Ngành nghề chạm khắc đá Non Nước ngày nay phát triển mạnh do đó nhu cầu nguyên liệu ở mỏ đá Đà Nẵng không đủ cung ứng cần nhập thêm từ Đài Loan.
Làng nghề chạm khắc đá Mỹ nghệ Non Nước tại Ngũ Hành Sơn trở thành một trong những biểu tượng của Đà Nẵng:
Quê em có núi Ngũ Hành
Có nghề khắc đá lừng danh khắp vùng.
(Ca dao)
- ĐÊM TRÊN SÔNG HÀN:
Hai bố con nhà tui dự định nghĩ đêm ở Huế để đi thuyền rồng thưởng thức điệu hò Huế và nghe nhã nhạc trên sông Hương. Nhưng từ chiều hôm đó Huế còn mưa mà mưa Huế thì ôi thôi … khỏi phải nói! Trong khi phía Đà Nẵng đã dứt mưa triển vọng lên chơi du thuyền xem múa Chăm, nghe dân ca xứ Quảng và ngắm sắc màu rực rỡ đèn hai bên bờ hứa hẹn một đêm đầy vui thích.
Cậu H. là bạn của cô con gái út Ngọc Ruby khi chúng nó còn là sinh viên, vừa từ Hàn Quốc về đến Đà Nẵng mời chúng tôi trở vô Đà Nẵng, đây là dịp để hai bạn trẻ gặp nhau viếng thăm. H. hiện đang theo ngành du lịch thực hiện các tour Hàn Quốc-Việt Nam và ngược lại, chúng tôi khi trở về đến Đà Nẵng sẽ tháp tùng cùng nhóm du khách Hàn Quốc này.
Đêm trên sông Hàn lung linh ánh đèn hai bên bờ sông nhất là tại các cao ốc trụ sở công ty nước ngoài hay khách sạn sang trọng có ánh đèn màu rực rỡ nhất.
Cầu Rồng 5 nhịp, thiết kế hình cụ Rồng uốn vồng giửa 2 luồn xe bắt ngang sông có dàn đèn Led thay đổi màu cho mặt nước sông Hàn rực rỡ, thêm “Cầu Tình Yêu” cũng lung linh ánh đèn. Nếu vào 2 ngày cuối tuần thứ bảy, chủ nhật hoặc các ngày Tết, lễ quan trọng từ 21 giờ cụ Rồng sẽ phun lửa và nước, gồm 9 đợt lửa và 3 đợt nước trong vòng khoảng 20 phút chào đón quan khách.
Trên mỗi chuyến du thuyền có màn trình diễn múa Chăm (Chàm) điệu múa uyển chuyển đặc thù của văn hóa Champa. Trên du thuyền chỉ có riêng 2 khách Việt là bố con nhà tui tháp tùng đoàn còn lại đều là người Hàn Quốc nên chương trình văn nghệ có phần khiêu vũ nhạc K-Pop sôi động vui nhộn.
Đà Nẵng khi xưa thuộc vương quốc Champa ngày nay còn nhiều di tích như tháp cổ, dấu vết đền đài, một số đồng bào Chăm vẫn sinh sống quay quần gìn giử nét văn hóa Chăm trong thôn làng của họ.
Theo tài liệu, nhà nghiên cứu người Chăm là Inrasara và Sakaya địa danh Đà Nẵng bắt nguồn từ tiếng Chăm cổ Đaknan. Đak có nghĩa là nước, Nan hay Nưn có nghĩa là rộng, chỉ vùng nước mở rộng cửa sông Hàn.
Năm 1306, vua Chiêm Thành (Champa) là Jayasimhavarman III (Chế Mân) dâng đất châu Ô và châu Rí thuộc Đà Nẵng, Quảng Nam ngày nay làm sính lễ cưới công chúa Huyền Trân. Sang năm 1307, vua Trần Anh Tông đổi 2 châu Ô và châu Rí thành châu Thuận và châu Hóa sáp nhập vào Đại Việt (Việt Nam).
Có thể cũng từ đó nhiều dân Thanh Hóa, Nghệ An di dân đến đây lập nghiệp hòa nhập cùng đồng bào Chăm tạo nên phương ngữ và ngữ âm trong tiếng xứ Quảng rất đặc trưng một phần không giống trong dòng ngôn ngữ cả nước. Chỉ cách trở giữa hai bên đèo Hải Vân khoảng 20 km mà tiếng nói xứ Huế và xứ Quảng dễ dàng phân biệt được. Cậu H. là dân gốc Quảng, đã di chuyển sinh sống nhiều nơi nên có thể dễ hòa đồng ngôn ngữ và trong cách phát âm vùng miền. Nhưng khi gặp lại đồng hương thì cậu H. cho một thí vụ ví von: Chất “Quảng Nôm – Đà Nẽng” gặp dân Huệ “đất thần kinh” chỉ cách con đèo Hải Vân, hoặc xa hơn là dân Bắc Kỳ “Ngàn năm văn Hiến” si sô với nhau qua bài thơ sau đây:
“Rứa mới kêu là chất Quảng Nôm,
Ăn cục nói hòn chẳng thôm lôm.
Có chàng công tử quê Đà Nẽng,
Cưới ả Thúy Kiều xứ Phú Côm.
Cha vợ đến thăm chào trọ trẹ,
Mẹ chồng không hiểu nói cồm rồm.
Thêm ông hàng xóm người Hà Nội,
Chả hiểu mô tê cũng tọa đồm”.
(Nguồn: Thivan.vn)
Trải nghiệm đêm trên sông Hàn là một kỷ niệm đáng nhớ, một cảnh quan ngoạn mục, một cơ hội mở mang thêm kiến thức.
- XỨ QUẢNG MẾN YÊU
Trước khi trở vào Nam, cậu H. hẹn uống Café ở Book Garden Coffee bên bờ sông Hàn để tiển chúng tôi và tán gẩu trao đổi thêm về con người xứ Quảng nữa.
Đà Nẵng là thành phố lớn thứ 3 của Việt Nam sau Sài Gòn, Hà Nội là trung tâm kinh tế của Miền Trung còn là trọng điểm du lịch nổi tiếng. Đà Nẵng có nhiều cửa hàng mang thương hiệu Korea, Japan có cả một siêu thị Hàn Quốc. Khách Âu châu biết Đà Nẵng từ thế kỷ 17, Touran là 1 thương cảng nhượng địa cho Pháp. Thời kỳ Vietnam War nơi đây là căn cứ quân sự hải ngoại lớn nhất của quân đội Hoa Kỳ. Hiện nay người nước ngoài đông đảo nhất là dân Hàn Quốc và Nhật Bản bởi các nước này bỏ nhiều vốn đầu tư tại đây.
Tại sao bà con ta cho rằng Đà Nẵng là thành phố đáng sống nhất tại Việt Nam?
Thành phố nhiều thắng cảnh và bải biển, khí hậu trong lành, xanh, sạch, thân thiện, an ninh, mua bán không có nạn “hét giá”, không có cảnh người ăn xin. Đó là những ưu điều mà cư dân Đà Nẵng hãnh diện về thành phố của họ.
Riêng đối với người nước ngoài còn thấy giá sinh hoạt hợp tình hợp lý với số tiền Retired (nghĩ hưu) của họ. Thảo nào, Đà Nẵng được lọt vào danh sách “10 địa điểm tốt nhất để sống ở nước ngoài do tạp chí du lịch Live and Invest Overseas (LIO) bình chọn”.
Một điều chắc chắn, người dân ở hầu hết các thành phố lớn nhỏ tại Việt Nam có lẽ họ thấy nếu được sống trong một môi trường tương tự như thành phố Đà Nẳng là điều xa vời!
Riêng hai bố con nhà tui lại quan tâm đến Quảng Nôm – Đà Nẽng ở một điều hết sức dễ thương, thể hiện qua bài dân ca “Đi tìm câu hát lý thương nhau”:
Lý Thương Nhau (dân ca xứ Quảng)
Thương nhau tình thắm ối a nghĩa nồng.
Nghe câu hát anh đi tìm, đi tìm người hát
câu hát lý thương nhau.
Anh ra vườn đào em đã sang đồng mía.
Anh lên rừng quế em lại đến nương dâu.
Anh đi tìm em. Em ở phương nào?
(…)
Như ong tìm hoa, hoa nở phương nào?
Để lòng anh mong để lòng anh nhớ
Anh thương em như thế hỡi cô gái quê mình.
Bốn mùa trồng cây, bốn mùa em hái quả.
Dầu bao vất vả mà em vẫn hát câu hát lý thương nhau.
(Tác giả: Vĩnh An)
Bài hát “Đi tìm câu hát Lý Thương Nhau” thể hiện một tình yên bình dị mộc mạc, dù chỉ là tình yêu đơn sơ mà tha thiết “Dầu bao vất vả mà em vẫn hát câu hát “Lý Thương Nhau”.
Có người bạn dân địa phương chính hiệu như H. là người có sự hiểu biết rộng về Quảng Nôm – Đà Nẽng, trong câu chuyện trao đổi thật “vui vẻ, cởi mở, ly kỳ, hấp dẫn” (dân làm trong ngành du lịch mà). Đà Nẳng nổi tiếng với nhiều thắng cảnh thiên nhiên núi non hùng vĩ, bãi biển cát trắng trải dài mịn màng tuyệt đẹp, cùng với nhiều ngôi chùa to lớn uy nghi là những thắng cảnh làm nên “điểm đến ưa thích” của du khách khắp nơi. Nhưng đặc biệt nhất là tiếng Quảng:
Bài thơ: Tiếng Quảng
Người ta núa quê em là xứ Quảng
Cái tiếng chi trọ trẹ mờ khó nghe
Con gái chi không dịu dàng dùm cho xíu
Cứ thẻn thẻn núa tạt chẻn lồm sô
Ời thì em là con gái xứ Quảng
Không nhẹ nhàng cứ thẻn tính rứa đó anh
Nhưng em chẻn bô dờ thấy xấu hổ
Dì dọng chất Nôm Ô thấm dô người
Người ta có chọc tiếng Quảng em mẹt kệ
Đâu có nhiều người hiểu được dá trị đâu anh
Người Quảng Nôm thiệt thà lại chân chất
Chẻn ngọt ngồ nhưng mẹn mà sét son
Ty ta sống ăn cục núa hồn
Nhưng chẻn bô dờ để bụng chiện chi đâu
Đất cèn cỗi vẫn cứ nuôi ta sống.
Sô ta phụ lòng nỗi tiếng Quảng Nôm ơi…!
(Nguồn: Trang thơ hay tiếng Quảng Nôm)
Ngay từ khi hai bố con tôi lần đầu bước chân xuống thành phố này người Đà Nẵng dành cho chúng tôi một ấn tượng đẹp qua tình cảm chân thật, tham quan Đà Nẵng có nhiều thắng cảnh và bãi biển đẹp, chùa chiền uy nghi, rồi tìm hiểu thêm về phương ngữ với chất giọng qua thơ ca, qua câu chuyện chia sẻ nhau về đời sống để mình có thể nghĩ rằng điều này dễ dàng chinh phục trái tim người lữ khách.
Còn đối với người dân chính gốc Quảng Nam – Đà Nẵng như cậu H. thì sao? Tôi hỏi, cậu ta trả lời:
Ai đi cách trở sơn khê,
Nhớ tô mì Quảng, tình quê mặn nồng.
(Ca dao)
(Kỷ niệm chuyến đi Miền Trung Nov 2023: A- Ngang qua đèo Hải Vân (1/4), B- Huế đẹp và Thơ (2/4), C- Viếng thăm Đà Nẵng (3/4), D- Trải nghiệm Phố Cổ Hội An (4/4 End).