0 0
Read Time:8 Minute, 40 Second

Truyện ngắn

NGUYỄN THỊ THANH DƯƠNG

Một nhà cha xứ, một nhà thờ, một ngôi chợ nhỏ đã là xóm Bắc Kỳ di cư nơi tôi ở từ lúc bé. Tuổi thơ của tôi hàng ngày chạy nhảy nô đùa cùng chúng bạn xung quanh nhà thờ và mỗi dịp lễ Giáng Sinh lại cùng chúng bạn vui tươi hí hửng xem giáo dân làm hang đá trước cổng nhà thờ, lấp lánh những ánh đèn sao chào đón Chúa hài nhi ra đời. Nhưng kỷ niệm làm tôi nhớ nhiều nhất là ngôi chợ nhỏ, vừa vui vừa được ăn những thứ tôi ưa thích…

Chợ nhỏ nằm đối diện nhà thờ cách một khoảng sân rộng ở giữa. Nhà thờ đơn giản bốn vách tường xây và lợp “tôn”, chợ cũng sơ sài hai dẫy lợp “tôn”, diện tích chỉ bằng 5-6 căn nhà cộng lại. Mặt tiền cổng chợ khắc ghi hàng chữ: “Chợ Ấp Đồng Tâm”.

Những sáng Chủ Nhật tan lễ giáo dân ra chợ ăn quà mua đồ làm chợ nhộn nhịp thêm. Chủ Nhật nào có đám cưới thì người bên chợ tha hồ dõi mắt sang nhà thờ nhìn cô dâu chú rể. Bên nhà thờ vui, bên chợ cũng vui theo.

Khu xóm này lập nên cho người miền Bắc khi mới di cư vào Nam, nên đa số các bà bán hàng ở chợ là người Bắc và là người trong xóm. Tôi biết mặt thuộc tên nhiều bà bán hàng vì sáng nào chị em tôi cũng theo mẹ ra chợ ăn điểm tâm, có một bà ở xa là bà Na bán đậu hũ chiên, cũng là dân Bắc kỳ di cư ở khu Xóm Mới, chắc bán đậu hũ chợ Xóm Mới không đắt hàng nên bà Na mới đến bán ở chợ nhỏ này, mỗi ngày bà Na lặn lội gồng gánh đi bộ 2 cây số đến chợ nhỏ, mà gánh hàng của bà nào có nhẹ nhàng, ngoài mẹt đậu hũ là cái chảo to, là thùng nhựa nhỏ đựng dầu ăn, là cái bếp kiềng 3 chân và củi. Đến chợ bà nhóm bếp đổ dầu ra chảo chiên đậu hũ. Tan chợ lại chồng chất đồ dùng gánh về chẳng ngại đường xa. Bà Na luôn chít một cái khăn mỏ quạ đen trên đầu, mảnh khăn kéo xuống che một bên mắt trái làm cho tôi… sợ. Tôi hỏi mẹ và được biết vì mắt trái bà bị hư không nhìn thấy nữa nên bà che đi cho đỡ xấu. Một hôm mẹ sai tôi ra chợ mua mấy bìa đậu hũ chiên, bà Na hỏi tôi:

– Muốn đậu hũ chiên già hay chiên non?

Tôi bối rối:

– Cháu không biết… hay là bà đợi cháu chạy về hỏi mẹ cháu.

Bà Na mỉm cười nhìn tôi:

– A, cháu con bà Đệ đây mà, mẹ mày thích đậu hũ chiên non ăn béo.

Bà Na chỉ còn một mắt mà nhìn tinh thế biết tôi là con nhà ai, thấy bà thân thiện từ đấy tôi không sợ người đàn bà “bí hiểm” che một mắt nữa.

Chiên đậu hũ xong bà gói vào trong miếng lá chuối, cẩn thận buộc bằng lạt chuối đưa cho tôi và dặn dò đừng làm rơi.

Những buổi sáng chị em tôi theo mẹ ra chợ ăn quà, đa số mẹ mua cho chúng tôi những món quà Bắc. Tôi thích món xôi khúc nho nhỏ bằng nắm tay trẻ con, nhân đậu xanh với miếng thịt mỡ thơm mùi hạt tiêu cay nóng hổi gói trong lá chuối của bà Hưng, tôi thích xôi lúa, những hột bắp hầm chín mềm phủ đầy đậu xanh giã nhuyễn rắc hành phi thơm béo của bà Đông, thích xôi vò chè hoa cau bà Mùi Hà Thành, người ta gọi biệt danh thế vì bà Mùi gốc Hà Nội và tôi thích luôn cả bà Mùi điệu đàng thanh lịch, dù ngồi bán hàng trong cái chợ nhỏ lèo tèo toàn những hàng xóm bình dân mà lúc nào bà Mùi cũng mặc áo trắng phin nõn cổ đeo chuỗi hạt. Thỉnh thoảng bà Mùi không nấu chè hoa cau, đổi món làm bánh trôi bánh chay, nhìn chiếc bánh chay nhân đậu xanh trong lớp chè quậy bằng bột năng trong trẻo, trên mặt lớp bột năng trong trẻo ấy có rắc đậu xanh và nhìn những viên bánh trôi tròn tròn nho nhỏ xinh xinh đã khô se se mặt bánh, nhân là cục đường thẻ tan chảy ngọt ngào nằm trên miếng lá chuối cắt tròn như cái đĩa, tôi thường phân vân không biết nên ăn thứ nào vì tôi thích cả hai, tôi còn thích ăn cháo sườn của bà Chúc và bao giờ cũng vét sạch bát. Đó là những món quà Bắc của các bà bán hàng người Bắc, nhưng món bún riêu cua của bà Thịnh già cũng là người Bắc thì tôi không bao giờ đụng đến vì dáng vẻ già xấu với đôi mắt kèm nhèm và quần áo luộm thuộm của bà, trên chiếc bàn dài cũ cập kênh lỏng chỏng mấy đĩa rau muống chẻ trộn rau tía tô, kinh giới, hũ mắm tôm, hũ ớt băm và ống đũa. Mẹ tôi khen bún riêu cua bà Thịnh ngon, mẹ ăn bún ủng hộ bà Thịnh già vẫn chăm chỉ kiếm tiền, ở chung với con cháu nhưng không ăn bám vào con cháu.

Nếu chị em tôi không theo mẹ ra chợ ăn sáng thì mẹ mua về nhà hôm thì những cái bánh giò, bánh nếp hôm thì bánh đúc lạc, bánh khoai sọ, khoai lang luộc để đổi món.

Tôi lớn thêm vài tuổi thì bà Thịnh già không bán bún riêu cua nữa, con cái bà chẳng ai “nối nghiệp” bà, chỗ trống ấy bà Na đậu hũ chiếm. Từ đấy bà Na ngồi an toàn dưới mái “tôn” che tha hồ chiên đậu hũ không sợ trời mưa trời nắng. Một hôm cả xóm nghe tin bà Thịnh già bỏ nhà đi mấy ngày chưa về, hàng xóm nhiều chuyện bàn ra tán vào ấy là tại con dâu đối xử ác nên mẹ chồng bỏ ra đi, con dâu bà Thịnh gặp ai cũng thanh minh cải chính tự nhiên bà em bỏ đi chứ vợ chồng con cái em vẫn đối với bà như bát nước đầy.

Xong vụ bà Thịnh bỏ nhà đi tới vụ bà Mùi Hà Thành qua đời sau một cơn… trúng gió. Bà mất đi bỏ lại ông chồng ốm yếu và một đứa con gái nuôi. Chồng bà cũng gốc Hà Nội, dáng ông nho nhã hàng ngày còm ròm đạp xe đi làm ở ty bưu điện Gò Vấp. Hai ông bà chỉ có một đứa con gái nuôi ông bà nhặt được ai bỏ rơi bên đường, hôm ấy là một ngày mùa Thu nên ông bà Mùi đặt tên nó là Minh Thu mong cuộc đời nó sau này sẽ là mùa Thu sáng sủa. Đứa bé mới oe oe suýt chết đói chết lạnh ngày nào giờ đã là một cô bé thanh lịch như bố mẹ nuôi, quần áo tóc tai lúc nào cũng sạch sẽ tinh tươm, những ngày không đi học Minh Thu ra chợ phụ bà Mùi bán hàng, ăn nói lễ phép khéo léo ai cũng ưa, nhưng tôi không ưa nó vì mỗi lần tôi làm gì có lỗi là mẹ tôi lại lôi con gái nuôi bà Mùi ra so sánh cho tôi học hỏi nó, theo nó làm gương dù Minh Thu nhỏ hơn tôi 2 tuổi. Đứa con gái nuôi còn nhỏ với ông bố tướng tá gầy yếu kia chẳng biết sẽ sống ra sao khi thiếu vắng bàn tay đảm đang của bà Mùi?

Khi tôi tuổi thiếu nữ, ngôi nhà thờ đã được xây to lớn uy nghi khang trang, cổng nhà thờ là hàng rào song sắt, nhưng ngôi chợ nhỏ vẫn y nguyên và cũ kỹ đi theo thời gian, người ta chỉ vá víu sửa lại chỗ hư hỏng chứ không xây lại chợ vì đã có ngôi chợ to lớn đầy đủ các mặt hàng ở ngã tư trên phố, cách xóm chỉ nửa cây số. Chợ nhỏ vẫn họp hành buôn bán và ai bận rộn không thể đi chợ kia thì ra chợ nhỏ mua về bó rau con cá cũng xong. Các bà bán hàng đã thay đổi nhiều, bà Na không đến chợ nhỏ bán đậu hũ nữa. Đôi lúc tôi rưng rưng nhớ bà Na, cầu mong bà vẫn còn mạnh khỏe và một mắt của bà vẫn nhìn thấy cuộc đời như ngày nào.

Còn bà Thịnh già vẫn biệt tăm biệt tích từ ngày bỏ đi dù gia đình sau đó đã nỗ lực tìm kiếm, có đăng báo, rao trên đài phát thanh và truyền hình tìm cụ bà lú lẩn đi lạc. Hàng xóm không đoán mò chê trách con dâu bà Thịnh nữa, mà hiểu ra có lẽ bà mắc bệnh già lẩn thẩn đi đâu đó quên đường về và quên cả bản thân mình là ai. Tôi ân hận ngày xưa đã chê bà Thịnh, chưa bao giờ ăn bún riêu cua của bà.

Ông chồng bà Mùi Hà Thành trông tướng ai cũng lo ông yểu mệnh thế mà ông vẫn mạnh khỏe đi làm ty bưu điện Gò Vấp nuôi Minh Thu ăn học cho tới khi cô lấy chồng. Ai cũng khen cô Minh Thu có phước được cha mẹ nuôi thương yêu tới nơi tới chốn.

Ngày nay tôi hoàn toàn xa cách xóm cũ cả không gian và thời gian. Xóm Bắc Kỳ di cư đã thay đổi nhiều, nhà cửa xây cất mọc lên khang trang sầm uất, người dân đông thêm bất kể Bắc Trung Nam, xóm có một ngôi chùa to đẹp không thua gì ngôi nhà thờ.

Đôi lúc tôi nhớ về xóm Bắc Kỳ di cư cũ. Tôi ước gì được quay lại thời tuổi nhỏ theo mẹ bước vào cổng “Chợ Ấp Đồng Tâm” để gặp lại những hàng xóm quen xưa và ăn những món quà Bắc ngon xưa mà tôi vẫn thích đến bây giờ.

(Sept. 22- 2022)

Happy
Happy
0 %
Sad
Sad
0 %
Excited
Excited
0 %
Sleepy
Sleepy
0 %
Angry
Angry
0 %
Surprise
Surprise
0 %
Previous post NHỮNG DỰ LUẬT MỚI CỬ TRI CẦN BIẾT CHO KỲ BẦU CỬ Ở ARIZONA 2022 – WHAT YOU NEED TO KNOW ABOUT ARIZONA NEW PROPOSITIONS 2022? 
Next post Vườn Thơ

Average Rating

5 Star
0%
4 Star
0%
3 Star
0%
2 Star
0%
1 Star
0%

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.