Từ xưa lòng biết ơn đã được đặt nặng. Ca dao đã có những câu mà có lẽ ai cũng biết như:
“Uống nước nhớ nguồn,
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây,
Ăn khoai nhớ kẻ cho dây mà trồng
Ai mà phụ nghĩa quên công, thì đeo trăm cánh hoa hồng chẳng thơm.
Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần ….’
Cũng như qua các ngày lễ giỗ tổ, giỗ chạp ông bà cha mẹ trong gia đình.
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba
Dù ai buôn bán gần xa
Nhớ ngày giỗ tổ tháng ba thì về…”
Thời nay thì có các ngày lễ tưởng niệm chiến sĩ trận vong, nghỉ lễ ngày sinh nhật các Tổng Thống, tưởng niệm ngày Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị ám sát, xây dựng các tượng đài …
Trong truyện Kiều của Thi Hào Nguyễn Du cũng có câu:
“Huống chi việc cũng việc nhà,.
Lựa là thâm tạ mới là tri ân”
Trong âm nhạc và thơ văn thì rất nhiều bài nói tới tri ân, biết ơn:
Tác giả Ngân Khánh trong bài hát “Cảm ơn” đã nói rõ:
“Này là cánh thư, nghiêng nghiêng nét chữ cô em học trò
Tôi xin cảm ơn người
Cảm ơn ai, đã đem luyến thương nồng ấm đến với lính.
Cảm ơn ai khi Xuân về vui thật là vui,
Không quên người sương gió sa trường
Âu yếm gửi tình đi muôn nơi”.
Gần đây tại Việt Nam đã có hiện tượng Đen Vâu, là anh chàng ca sĩ hát “rap” bằng tiếng Việt rất thu hút giới trẻ, video nào cũng có hằng triệu em vào xem. Đen Vâu cũng đã từng “rap”:
“Cảm ơn người đã theo dõi, cảm ơn người đã lắng nghe
Cảm ơn những khi đông đúc, cảm ơn cả những vắng hoe
Nếu mà không rap, thì có lẽ bây giờ vẫn dọn rác
Và những hành trình, cho tao thấy những ngày xanh biếc hơn
Những ngày tháng đó, nhắc tao nhớ mình phải luôn biết ơn”
Trong bài hát “Có nghe đời nghiêng”, Trịnh Công Sơn cũng đã ghi lại trong điệu nhạc nhẹ nhàng:
“Tạ ơn hoa sáng thơm cho mẹ
Tạ ơn chim chiều hót cho cha”
Hoặc bài:
“Dù đến rồi đi, tôi cũng xin tạ ơn người
Tạ ơn đời – tạ ơn ai, đã đưa em về chốn này…”
Bài “Tạ tình” của Hoàng Thi Thơ thì càng thắm thiết “Em tôn thờ anh suốt đời”
Mỗi năm các nước lớn trên thế giới đều có ngày đặc biệt dành riêng nhắc nhở mình về lòng biết ơn. Thanksgiving là lễ lớn thứ hai tại Hoa Kỳ sau ngày lễ Noel. Thế nên trong thực tế, chúng ta cần biểu lộ tinh thần mang ơn này như thế nào?
Chắc các bạn vẫn nhớ câu hát lấy từ trong ca dao, mà nhạc sĩ Phạm Duy đã soạn trong trường ca “Con đường cái quan”:
“Giã ơn cái cối cái chầy
Đêm khuya giã gạo, có mầy, có tao
Giã ơn cái nhịp cầu ao
Đêm khuya vo gạo, có tao có mầy…
Hồi ấy văn chương bình dân gọi mầy gọi tao là thân thiết, bây giờ ngoại trừ bạn bè “nối khố” rất thân, ít thấy ai dám xưng hô mầy tao nữa. Ý tôi muốn nói xã hội đã tiến hóa, mình cũng cần thay đổi cho thích hợp. Hồi xưa thương thì để trong lòng, nhất là các người cha người thầy, muốn tỏ ra nghiêm khắc để dạy con, dạy học trò. Ngày nay tình cảm nên nói ra, tỏ lộ bằng hành động, ánh mắt, cái siết tay, món quà nhỏ, bông hoa… Yêu mà không tỏ lộ dấu kín trong lòng thì ai biết mà thương lại!
Hồi trước đi đám cưới, cha mẹ cô dâu chú rể phải đích thân mang thiệp cưới đến tận nhà để mời người thân. Bây giờ không ai chấp nữa. Gởi bưu điện cũng không cần, cô dâu chú rể trẻ bây giờ chỉ cần gởi thiệp online qua email, facebook. Chúng tôi mới nhận một thiệp mời, trên thiệp không để địa chỉ nhà hàng, nhà thờ, mà chỉ có địa chỉ website của cô dâu chú rể để vào trang mạng ấy mà lấy các tin tức cần thiết.
Khoa học kỹ thuật đã ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống, do đó quan niệm, cách biểu lộ tình cảm cũng cần được thông hiểu, thay đổi cho thích hợp. Có rảnh đâu mà cứ ngồi bắt lỗi bắt phải. Hồi trước chúng tôi cũng không mấy có cảm tình với các cháu trẻ nhuộm tóc xanh đỏ, con trai mà đeo bông tai, thậm chí xâm mình, nhưng khi tiếp xúc gần mới biết các cháu rất dễ thương, đơn sơ, đầy tình cảm. Một anh bạn tôi đánh đứa con gái vì nó tự động đi xâm một hình nho nhỏ trên cánh tay. Hỏi ra mới biết tấm hình đó có nghĩa là gia đình quan trọng, con rất thương ba má. Tôi không dám cổ võ cho chuyện trái thuần phong mỹ tục, những hành động quá đáng, nhưng cũng cần thông cảm cho những trường hợp đặc biệt, hiểu tâm tư của giới trẻ ngày nay.
Nhớ lần đi hành hương châu Âu, chúng tôi đi qua nhiều nước Pháp, Ý, Bồ-đào-nha… và có nhiều kỷ niệm đẹp. Lần đó chẳng hiểu ông xã tôi “tán” như thế nào mà cô bồi bàn tóc vàng sợi nhỏ đã mang cho anh và vị linh mục hướng dẫn mỗi người thêm một miếng pizza hảo hạng. Sau này hỏi lại mới biết anh ăn thấy ngon nhưng hơi ít, nên gọi cô bồi bàn lại, trước là khen món pizza ngon tuyệt, sau là cảm ơn sự phục vụ lịch sự chu đáo. Thế là cô tự động mời dùng thêm. Thì ra ngọt ngào nói lời cảm ơn cũng có thể là phép lạ hóa bánh ra nhiều được!
Tôi có người bạn ăn chay trường, nhà chủ không biết nên không nấu riêng món chay. Anh lặng lẽ bỏ thịt ra ngoài, ăn tô nước phở dù rất khó chịu với mùi thịt cá. Anh sợ phiền chủ nhà, sợ “làm nổi” trước đám đông. Tôi rất trân trọng hành động này của anh. Yêu thương, biết ơn là thế đó.
Mẹ Têrêxa Calcutta đã nói: “Cách tốt nhất để chứng tỏ lòng biết ơn của mình với Chúa, với người khác, đó là vui vẻ chấp nhận”.
Chữ “cảm ơn” ai cũng xài thường xuyên, lời cảm ơn không chỉ là một quy tắc trong cách xã giao, nó còn để con người gần nhau hơn. Ví dụ khi có ai đó khen mình áo mặc đẹp quá, hồi trước do bản tính khiêm nhường, tôi hay trả lời đại khái: Chèn ơi, có đẹp gì đâu, tôi mua nó lâu rồi, giá rẻ lắm! Thì bây giờ tôi học cách nói: “Ồ cảm ơn bạn. Tôi thấy vui vì bạn thích nó”. Hoặc thay vì nói “Xin lỗi tôi đến trễ” hãy chân thành nói “Cảm ơn sự kiên nhẫn của quý anh chị khi phải chờ đợi tôi”
Yêu thương, cảm ơn cần tỏ lộ bằng hành động. Chẳng hạn thấy người ta phục vụ tốt mà mình không để lại chút tiền tip – tiền hoa hồng – thì thật là kỳ. Vợ chồng, cha mẹ, con cái cảm ơn nhau cũng cần biểu hiện bằng cách quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau, tặng nhau tấm thiệp cảm ơn, không cần quà cáp sang trọng. Qua yêu thương, trân trọng, tri ân, niềm vui sẽ lan tỏa trong cuộc sống vốn đã nhiều phức tạp, nghiệt ngã. Quả thế, thiếu sự tri ân thì cuộc sống sẽ trở nên nhạt nhẽo và hời hợt. Giá trị cuộc sống nằm ở tình yêu thương, sự san sẻ, thông cảm và đùm bọc lẫn nhau, mà sự biểu lộ lòng biết ơn là điều quan trọng trong đó. Khi đã có lòng tri ân thì tự khắc mình sẽ có tâm tìm cách đền đáp. Người ta nghiệm thấy khi tri ân thì tâm hồn mình sẽ vơi đi những oán hận, buồn phiền. Tri ân là chìa khóa thành công của mỗi con người.
Các công ty cũng thường mở tiệc cảm ơn hoặc có những món quà tặng khách hàng cuối năm để tỏ lòng tri ân. Nhờ thế công ty tạo sự tin tưởng, thoải mái trong lòng khách hàng, từ đó được truyền miệng làm tăng thêm số khách hàng mới, lợi nhiều hơn thua thiệt. Dĩ nhiên là phải làm với lòng chân thành.
Ngược lại, mình cũng không nên buồn phiền khi ra tay giúp đỡ mà người ta không cảm ơn. Tôi luôn tin rằng cái phúc của mình sẽ được ghi nhận và đáp đền cách khác. Ông bà thường nói: “Thi ân bất cầu báo” là vậy, và nói như thế cũng không có nghĩa là mình cứ “ăn cháo đá bát; qua cầu rút ván” vong ơn bội nghĩa.
Biết ơn là bổn phận và nghệ thuật, trong dịp lễ Tạ Ơn, chúc bạn tràn đầy niềm vui và hạnh phúc để chia sẻ với người khác.
Nguyễn Ngọc Duy Hân