0 0
Read Time:8 Minute, 56 Second

Thanh Mai đã có dịp quen biết nhạc sĩ Trúc Hồ cũng hơn 10 năm qua khi TM còn hoạt động tích cực trong vai trò Phó Chủ Tịch Ngoại Vụ cho Cộng Đồng NVQG Arizona. Nhạc sĩ Trúc Hồ luôn xem TM như một cô “em gái” mà anh thường khen “giỏi giang” có cùng mẫu số chung với anh: tinh thần phục vụ Cộng đồng. Anh em chúng tôi đã có dịp cùng làm việc với nhau khi vận động TNS John McCain giúp đưa Nhạc sĩ Việt Khang qua Mỹ, rồi buổi ca nhạc gây quỹ xây dựng bức tường AZ Wall, đêm ca nhạc tri ân TNS John McCain khi Nhạc sĩ Việt Khang đến Mỹ, để rồi không lâu sau đó chúng tôi ngậm ngùi dự tang lễ tiễn đưa cố TNS John McCain về nơi an nghỉ cuối cùng, v.v. Quen biết nhạc sĩ Trúc Hồ bao lâu nay, TM rất quý mến anh ở tài năng, đức độ, sống chân tình và gần gũi. Và đây là lần đầu tiên tôi mạo muội hỏi anh về chuyện tình cảm đời tư nhân dịp anh vừa tổ chức thành công chương trình “Nhạc sĩ Trúc Hồ & 40 Năm Tình Ca”.

Thanh Mai (TM) thực hiện

TM:  Cảm tưởng của anh như thế nào khi nhìn lại dòng nhạc của mình trong suốt thời gian 4 thập niên qua?

Trúc Hồ:  Trong cảm xúc, mình tưởng rằng đó là một thời gian dài nhưng thật ra đó chỉ là một thoáng thôi.  Mới đó mà đã 40 năm!  Từng bài nhạc nó đưa mình về với từng kỷ niệm riêng. Mỗi bài nhạc hát lên là gợi cho mình nhớ lại thời gian lúc đó mình đang làm gì và tại sao mình viết nên bài nhạc đó. Đây là một trang nhật ký trải dài suốt 40 năm âm nhạc của Trúc Hồ.

TM:  Anh là một trong rất hiếm nhạc sĩ đa tài có thể viết được nhiều thể loại nhạc… Nếu chương trình không bị gò bó bởi thời gian, anh muốn thực hiện chương trình nhạc như thế nào để có thể giới thiệu đầy đủ về sự nghiệp âm nhạc của mình?

Trúc Hồ:  Nếu muốn nói đến 40 năm cuộc đời Trúc Hồ thì nó gồm rất nhiều phương diện. Thứ nhất Trúc Hồ là một nhạc sĩ hòa âm, sau đó mới trở thành nhạc sĩ sáng tác, và sau đó là người làm chương trình cho Trung tâm Asia; những cuốn video do Trung tâm Asia thực hiện và cũng là người đồng sáng lập đài truyền hình SBTN cùng với Thy Vân.

Nếu làm chương trình về cuộc đời với nghệ thuật của Trúc Hồ thì phải đi từ giai đoạn bỏ nước ra đi vượt biên năm Trúc Hồ 16 tuổi. Đi đường bộ qua Campuchia, rồi đường Hồng Thập Tự Quốc Tế cũ; sau đó đến định cư ở Mỹ và đi học. Làm lại từ đầu ở cái xứ mà mình không nói được tiếng Anh, cuộc sống rất khó khăn cho mình trong giai đoạn đầu khi vừa đặt chân tới đất Mỹ. Cho nên nếu có cơ hội thì Trúc Hồ sẽ làm một chương trình giống như là kể lại câu chuyện về cuộc đời gắn liền với nghệ thuật âm nhạc và sáng tác của mình. Giống như viết lại một quyển sách biography về mình. Nhưng thay vì mình viết bằng sách thì mình viết bằng video và âm nhạc. Từ đó sẽ gởi đến cho giới trẻ một thông điệp về những người qua đây làm lại từ đầu là họ phải cố gắng và phải sống với những nỗi buồn vui; và có đôi khi cũng cảm thấy nhục luôn nhưng mà lúc nào họ cũng phải cố gắng hội nhập với cuộc sống nơi xứ người, đồng thời nổ lực thực hiện những ước mơ của mình và làm được những gì mình muốn làm. Lựa chọn của Trúc Hồ khi đi vượt biên qua Hoa Kỳ là mình muốn đi học nhạc; và ước mơ đó đã thành hiện thực. Cho nên nếu có cơ hội thực hiện được một biography video về chính mình, Trúc Hồ sẽ thực hiện từ đầu cho đến cuối câu chuyện này để người xem có thể thấy được quá trình câu chuyện cuộc đời với âm nhạc của Trúc Hồ.

TM:  Anh là một nghệ sĩ đa tài, vì sáng tác nhiều thể loại nhạc như hùng sử ca, tình ca, và nhạc đấu tranh, anh còn là một nhạc sĩ hòa âm điêu luyện và còn là một nhà truyền thông, và một nhà tranh đấu cho nhân quyền cho Việt Nam. Nếu anh phải chọn 1 trong những vai trò đó, anh sẽ chọn vai trò gì, và tại sao?

Trúc Hồ: Nếu để lựa chọn thì Trúc Hồ vẫn chọn mình là một nhạc sĩ. Điều này rất dễ hiểu vì cá tính của Trúc Hồ được sinh ra hợp với cá tính của một nhạc sĩ hơn so với những công việc khác. Người nhạc sĩ là một người sống rất thong thả, nhẹ nhàng. Đôi khi hay mơ mơ màng màng giữa ban ngày và sống trong cái thế giới riêng của mình. Và không có bon chen. Không có cần danh, cần tiền. Chỉ có âm nhạc là niềm vui của mình. Và cá tính đó rất hợp với Trúc Hồ, bởi vì Trúc Hồ tin mình được sinh ra trên thế gian này là để làm nhạc sĩ thôi. Và Trúc Hồ rất thích mình là một người nhạc sĩ.

TM: Anh lấy nguồn cảm hứng từ đâu để sáng tác?

Trúc Hồ:  Những sáng tác của Trúc Hồ là những trang nhật ký. Trúc Hồ không có tưởng tượng giỏi. Từ nhỏ cũng không nghĩ là mình sẽ trở thành người nhạc sĩ sáng tác đâu, chỉ biết là mình muốn trở thành nhạc sĩ hòa âm thôi. Nhưng khi đi vượt biên thì mình nhớ nhà, nhớ Sài Gòn, nhớ tình yêu đầu đời, … cho nên sáng tác bài Dòng Sông Kỷ Niệm. Lúc đó cũng 16, 17 tuổi gì đó. Và sau này khi làm việc với Trung tâm Asia thì thấy âm nhạc ở hải ngoại cần có những sáng tác mới. Và điều may mắn cho Trúc Hồ là Trúc Hồ đã gặp được những tâm hồn đi ngang qua cuộc đời của Trúc Hồ theo thời gian; có lúc ở lại một vài năm, có lúc thì ở lại hơn năm năm. Những tâm hồn đó đã tạo cho Trúc Hồ những nguồn cảm hứng để ghi lại những buồn vui từ những cuộc tình trong âm nhạc. Và sự chia tay với những cuộc tình cũng hơi nhiều bởi vì Trúc Hồ là người đã có gia đình, đã có vợ con, cho nên những người đi ngang qua đời của Trúc Hồ thì trước sau gì cũng phải chia tay thôi.

TM:  Nếu đem so sánh câu nói “mỗi đường bay là một cánh hoa yêu” của giới phi công, thì đối với giới nhạc sĩ nhất là người có trái tim nhạy cảm như anh, “mỗi một bài tình ca là mối tình với bóng hồng nào đó”. Điều này có đúng không anh?

Trúc Hồ:   Không phái mỗi một người là một bài nhạc đâu. Điều này không đúng đâu. Một cuộc tình có thể cho mình nhiều cảm xúc để có cảm hứng viết nhiều bài lận. Và có thể trong một bài nhạc, mình viết lại từ kỷ niệm và ký ức của những cuộc tình đi qua đời mình để mình viết lại thành một bài thôi.  Chứ không nhất thiết một người là một bài. 

TM: Riêng trong bài “Mãi Yêu Người Thôi” đã ra đời trong hoàn cảnh nào? Ai là người may mắn đó được anh “mãi yêu” trong ca khúc?

Trúc Hồ: Bài “Mãi Yêu Người Thôi” đã được ra đời trong hoàn cảnh mà Trúc Hồ bị phản bội. Lúc đó có nhiều người nói cho mình biết là người đó không có thật lòng với mình đâu nhưng mà mình đã không tin; sau đó Trúc Hồ mới biết được là người đó không thật lòng với mình. Mặc dù mình biết người đó không thật lòng, nhưng với bản tính của mình thì mình vẫn muốn người đó quay trở lại. Cho nên Trúc Hồ mới viết “người ơi hãy quay về đây, dù em dối gian thật nhiều. Lòng anh vẫn muốn đời mãi yêu người thôi.” Đó là hoàn cảnh ra đời của bài Mãi Yêu Người Thôi.

TM: Nhân dịp Thanksgiving & Giáng Sinh sắp tới, thông điệp anh muốn gởi đến cho khán thính giả yêu quý dòng nhạc Trúc Hồ là gì?

Trúc Hồ:  Thông điệp mà Trúc Hồ muốn nhắn gởi đến cho khán thính giả là Trúc Hồ xin cảm ơn tất cả những người yêu mến dòng nhạc Trúc Hồ trong nhiều thập niên qua. Một người nhạc sĩ thành danh mà không có khán giả thì không có người nhạc sĩ đó. Trúc Hồ may mắn đã được Ơn Trên cho những người đi qua cuộc đời mình để tạo cảm xúc và cảm hứng cho việc sáng tác. May mắn có được những ca sĩ hát rất hợp những nhạc phẩm đó như Lâm Nhật Tiến đã đem dòng nhạc của Trúc Hồ đến gần hơn với khán giá. Và chính khán giả đã tạo nên tên tuổi của Trúc Hồ. Khi Trúc Hồ còn làm ở Trung Tâm Asia, trung tâm Asia đã là một phương tiện giới thiệu những tác phẩm của mình; nhờ ca sĩ hát hay, và nhờ khán giả yêu quý cho nên mới có dòng nhạc Trúc Hồ ngày hôm nay. Xin cảm ơn tất cả.

TM: Nếu nói cám ơn, em cũng xin thay mặt khán giả và cộng đồng chân thành cám ơn anh và nhũng đóng góp của anh trong nhiều lãnh vực từ những sáng tác của anh, đến những chương trình anh đã từng thực hiện cho Trung tâm Asia và đặc biệt là sự hổ trợ hết mình của anh cho Đại Nhạc Hội Cám Ơn Anh đã gây quỹ thành công giúp đỡ Thương phế binh VNCH còn kẹt lại ở Việt Nam. Mến chúc anh nhiều sức khỏe và nhiều nguồn cảm hứng để tiếp tuc cống hiến cho đời nhiều tác phẩm âm nhạc giá trị để đời.

Happy
Happy
0 %
Sad
Sad
0 %
Excited
Excited
0 %
Sleepy
Sleepy
0 %
Angry
Angry
0 %
Surprise
Surprise
0 %
Previous post KHÁNH HÀ – TÔ CHẤN PHONG: Live Tour Cùng Mây Lang Thang
Next post NGÀY LỄ QUỐC KHÁNH VNCH TẠI ARIZONA

Average Rating

5 Star
0%
4 Star
0%
3 Star
0%
2 Star
0%
1 Star
0%

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.