Trần Phú Đa Georgia
Tôi đến định cư tại vùng đất Đông Nam Hoa Kỳ chưa lâu nhưng mới đó mà đã gần 10 năm rồi, 10 năm xa quê hương bỏ lại sau lưng biết bao kỷ niệm buồn vui thời thơ ấu, những dấu chân lang thang một thời bon chen với đời để kiếm chén cơm manh áo để mà tồn tại trong một xã hội quá nhiều bất công và nhiễu nhương.
Đồng hành cùng chiếc máy ảnh, máy quay phim lên nguồn xuống biển để làm một phóng viên tự do, ghi chép những điều mắt thấy tai nghe trong một xã hội mà chuyện giả nhiều hơn việc thật, để rồi như mang vào thân ơn trời nghiệp đất và chấp nhận thọ án tù 24 tháng.
Qua Mỹ ngoài việc làm ở hãng xưởng công ty ra, cuối tuần tôi lại đi viết báo được tiếp cận với những dân biểu, nghị viên người Việt, được trò chuyện lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của các vị thương gia nghiệp chủ sau bao thăng trầm trên đất khách họ đã vững vàng đứng lên với bộn bề công việc thường ngày, chính họ chứ không ai khác là người Việt đã làm nên thương hiệu Việt.
Trong một tiểu bang như Georgia, trước đây người Việt đến định cư sinh sống còn lẻ tẻ, phần lớn quý cô chú đều là những người dấn thân phục vụ cho một thể chế dân chủ ở Miền Nam Việt Nam. Sau biến cố lịch sử năm 1975, cộng sản Bắc Việt đã cưỡng chiếm miền Nam, quý cô chú rời bỏ đất mẹ thân yêu để định cư theo diện H.O, rồi dần dần số người vượt biên, vượt biển, bảo lãnh đoàn tụ gia đình ngày một đông. Đến nay dữ liệu thống kê gần đây cho thấy người Việt sinh sống ở tiểu bang Georgia đông xếp thứ 4 so với cộng đồng người Ấn Độ (Asian Indian) người Tàu (Chinese) người Hàn Quốc (Korean). Người Việt ở đây đông hơn cộng đồng người Phi Luật Tân, người Nhật và các nước châu Á khác, và cũng là tiểu bang có số lượng người Việt khá đông so với California hay Texas. Lúc ban đầu có gia đình đến định cư chỉ gồm hai vợ chồng ở vào độ tuổi lục tuần, nhưng cũng có cô bác mang theo một đàn con còn thơ ấu, họ nương tựa vào nhau để tồn tại và phát triển.
Ở Morrow một thành phố nhỏ, thuộc Clayton County, nằm về phía Nam thành phố Atlanta hiện tại khá đông người Việt tới định cư và mở mang các cơ sở thương mại. Trên chính trường, ngày càng nhiều dân biểu nghị viên người gốc Việt, trong đó có nữ nghị viên Vân Trần, nam nghị viên Khoa Vương, dân biểu Long Trần… Họ là những người trẻ luôn làm việc hết mình vì cộng đồng, chính nữ nghị viên Vân Trần đã đề nghị Hội Đồng Thành phố mở cuộc trưng cầu dân ý để quyết định phiếu bầu cử đa ngôn ngữ trong đó có tiếng Việt. Để thực hiện ý tưởng này cô đã cùng với nhiều cư dân trong vùng đi đến từng nhà để xin chữ ký, lên nghị trường đưa ra nhiều chứng cứ đầy thuyết phục để các nghị viên thành phố quyết nghị. Vân Trần là một nghị viên rất xông xáo trên mọi lĩnh vực, cô đã nộp đơn ứng cử chức Thị trưởng thành phố Morrow. Cô Victoria Huỳnh sáng lập viên AAPI Georgia bên cạnh đó vừa làm Business vừa hoạt động cộng đồng giống như vợ chồng cô Nguyễn Trà My. Vừa là Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Hoa Kỳ kiêm Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Georgia, Trà My cùng chồng, thuộc thế hệ trẻ đầy nhiệt huyết, cùng điều hành Trung tâm mua bán xe WT Auto Max và dấn thân phục vụ cho cộng đồng không mệt mỏi. Cũng không thể không nhắc đến đôi vợ chồng đẹp người, đẹp tính lại dễ gần, như Luật sư Thẩm Phán Ethan Pham-Jenny Nguyen, đã thành lập Tổ hợp Luật sư Nguyễn & Phạm LLC giúp cho bà con đồng hương rất nhiều việc có liên quan đến di trú và tai nạn.
Đến Georgia, nhiều anh chị em cô bác đồng hương đã rất vui khi dạo qua các khu ẩm thực do người Việt làm chủ, như nhà hàng Nam Phương, Happy Valley, Phở Bắc, Lẫu Băng Chuyền, Iluv Hotpot, Phở Đại Lợi, Lẫu Ốc…
Có hai vợ chồng lập nghiệp ban đầu với những chông chênh trong thương nghiệp nhưng nhờ vào sự kiên trì, lòng nhẫn nại, tình yêu thương đồng hương 6 ngôi chợ Việt sầm uất đã và đang hoạt động rất nhộn nhịp khiến cho anh Bình chị Nga luôn tất bật với công việc gắn liền với cái tên thân quen HongKong, Sài Gòn đã làm nên thương hiệu Việt trên suốt dãy đất miền Đông Nam Hoa Kỳ, trải dài từ Chamblee, Norcross, Marietta, Duluth, Atlanta đến Snellville.
Đến Georgia, bà con người Việt từ các tiểu bang khác đều nhận ra rằng mọi thứ đã và đang vận hành ở hầu hết các thành phố quận hạt tại Georgia đều có bóng dáng của người Việt Nam đến định cư nơi này. Họ đã kiên trì lao động, dành nhiều tâm huyết đầu tư cho công việc, nhất là chăm lo dạy dỗ con cháu trong gia đình, cho nên rất nhiều em, nhiều cháu đã thành đạt và đang cống hiến tài năng, vốn kiến thức học được cho đất nước đã và đang cưu mang mình.
Có dịp bạn thử ghé khu thương mại sầm uất nhộn nhịp trên đường Jimmy Cater đều do người Việt làm chủ. Shop Người Đẹp kinh doanh các loại mỹ phẩm, thảo dược, áo quần thời trang và truyền thống dân tộc Việt. Những Agency bảo hiểm như Dương Võ, Ngô Thanh Lâm, Lee Nguyen, Phong Phạm, Saigon Travel, Pro Travel, Kathy Nguyễn… Những công ty địa ốc của anh Nguyễn Gia Tuấn, chị Kim Hạnh, em Túy Lương, Kim Lala & Amy Tep… và nhiều người khác đã và đang góp phần tạo nên diện mạo mới cho bà con đồng hương.
Cũng có rất nhiều nhà đẹp, cảnh quan sân vườn rộng rãi thoáng mát, có hồ bơi, khu sinh vật cảnh tạo nên dáng dấp của một thành phố, một làng quê Việt Nam yên ả trong lòng nước Mỹ. Nhiều trại gà được gia đình đồng hương Việt đầu tư hàng triệu Mỹ kim, phát triển mạnh và cho lợi nhuận cao, như gia đình chú Trần Hạ, chị Khương… Trên con đường Buford Hwy mà người Việt ví như đường Trần Hưng Đạo Saigon rất nhiều khu chợ Việt, nhiều shop kinh doanh mua bán hàng điện tử, điện lạnh, âm nhạc trong đó có một Trường dạy nghề Thẩm mỹ Thúy Ái (Atlanta Beauty & Barber Academy ) do một phụ nữ trẻ đẹp duyên dáng xây dựng có cả một nơi sinh hoạt rộng rãi như Royal Ballroom sức chứa gần cả ngàn người. Thúy Ái đã đào tạo rất đông thợ lành nghề phục vụ cho các tiệm Nails trong và ngoài tiểu bang, Thúy Ái vừa đẹp người đẹp nết lại vừa có duyên với nghề thẩm mỹ nên ai cũng quý cũng yêu!
Tôi đã gặp và chứng kiến một số tiệm Nails thoạt đầu tưởng như khu vui chơi giải trí hoặc quán Bar, ngoài việc chăm sóc sắc đẹp cho mọi người, nơi đây còn có những tiện ích phục vụ nhu cầu của khách rất sang trọng do một phụ nữ dám nghĩ dám làm Vi Vi, chị không những làm chủ 7 đến 8 tiệm Nails mà còn là một bầu Show giải trí được nhiều bạn trẻ mến mộ.
Gần đây tại thành phố Duluth, hai phụ nữ trẻ đẹp duyên dáng cùng với cộng sự đã khai trương “Góc sống ảo Selfie-Museum” nơi họ nhập cảng những gì có thật ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975, từ bối cảnh cho đến đạo cụ, giống y chang các miền quê Việt Nam và cả Sài Gòn xưa. Tới đây bạn sẽ được chụp hình lưu niệm, ngồi uống nước nghe nhạc thật thú vị. Trên lĩnh vực khai thuế, đồng hương luôn nhớ tên Cường Khai Thuế một doanh nhân gắn bó với đồng hương lâu năm, rồi đến Minh Hải, Cao khai thuế, Thanh Xuân …
Mấy chục năm nuôi con cháu và làm việc, đến nay thế hệ trước đã già đi nhiều, để giúp các cô chú có nơi sinh hoạt vui chơi giải trí, rất nhiều hội cao niên đã hình thành, trong đó phải kể đến một phụ nữ làm nên thương hiệu FSC. Trung tâm chăm sóc người cao niên có một khu vực rộng rãi thoáng mát đầy đủ tiện nghi do một cô gái rất dễ thương đã sáng lập và điều hành hơn 7 năm nay, chị tên Von Trần, là vợ của một doanh nhân thành đạt Franklin Ly, chị giám đốc này đang có ý tưởng mua đất xây nhà cho người cao tuổi không nơi nương tựa và mua đất để làm nơi an táng cho các hội viên đang sinh hoạt tại trung tâm khi qua đời. Rồi Hội Cao Niên South Atlanta của anh Hải, Trung Tâm Á Châu do anh Dương Phong và chị Nhung Đặng điều hành, mới đây họ đã khai trương thêm một cơ sở mới để chăm sóc người cao tuổi và rất nhiều, vâng rất nhiều người Việt đang từng ngày miệt mài trau chuốt cho thương hiệu Việt được sáng giá hơn.
Đến Georgia, trên phương diện truyền thông báo chí, mọi người đều tâm đắc với mô hình Đài phát thanh AM do nhóm anh chị em người Việt sáng lập nay do anh Frankie Phuc Van làm chủ, ngày ngày loan tin tức đi khắp nơi với thương hiệu VSAM 1040, rồi báo Rạng Đông, báo Trẻ, báo Niềm Tin, báo Viet Times, báo Hồn Nước và nhiều tạp chí như những bông hoa đua nở khoe sắc khoe hương.
Georgia những ngày lễ hội nhất là các ngày lễ hội truyền thống của người Việt như tết Trung Thu, tết Nguyên Đán, Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia và gần đây một số thương gia nghiệp chủ đã phối hợp tổ chức các hội chợ tết thu hút rất đông các gia đình người Việt đến dự. Hằng năm lễ hội mùa thu do Nhà thờ Các Thánh Tử Đạo VIệt Nam tổ chức có cả trên 500 ngàn lượt người đến tham quan thưởng lãm. Người Việt tổ chức nhưng cư dân các nước châu Á, châu Âu, châu Mỹ đều dắt dìu nhau đến chung vui trong một không khí thật tưng bừng và hiếu khách.
Trong khuôn khổ của một bài viết ngắn không thể nào đề cập hết những hoạt động mà người Việt Nam ở tiểu bang Georgia đã và đang làm, ngoài việc sản xuất kinh doanh để thu lợi nhuận làm giàu cho gia đình, mà hơn thế nữa, họ đã góp phần đóng thuế để xây dựng Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ và làm nên thương hiệu, tên tuổi người Việt Nam ở hải ngoại nói chung và tiểu bang Georgia nói riêng. Đó là chưa kể số con em thành đạt đang phục vụ trong ngành Quân Đội và các ngành nghề đặc biệt khác, vậy mà trong nước với nền cai trị độc tài, hơn 50 năm qua cuộc sống người dân vẫn còn lao đao lận đận nếu không muốn nói là người dân nghèo hiện chiếm tỷ lệ khá cao, mới đây một quan chức cấp cao lại nói “trước đây Việt Nam không có tên trên bản đồ thế giới, nay đã phát triển bậc nhất châu Á …” một câu nói phũ phàng không thấy chặng đường dài 4000 năm văn hiến nay đang bị phá vỡ ra từng mảng nhỏ.
Như chúng ta đều biết, tiểu bang Georgia được thành lập vào năm 1732, nằm về phía Đông sông Mississippi, khung cảnh của Georgia đa dạng và tuyệt đẹp kéo dài từ dãy núi Appalachia đến bờ biển Đại Tây Dương, ẩm thực là một phần không thể thiếu trong văn hóa Georgia với các món ngon như hải sản, bánh ngô và đào. Người Việt đến định cư mang theo theo nhiều món ăn truyền thống làm phong phú thêm ẩm thực của vùng đất cao nguyên, với Savannah là một thành phố nổi tiếng kiến trúc cổ điển nhiều hàng cây lớn và quảng trường, Columbus được bao bọc bởi sông Chattahoochee tạo nên cảnh quan sông nước thật đẹp mắt… chính vì vậy mà cư dân ở đây đều năng động và thật thà dễ mến, cộng đồng người Việt luôn được các cộng đồng bạn yêu thương và gắn kết nhau trong mọi hoạt động thường ngày.
Tháng 9/2023
Trần Phú Đa