Trần Phú Đa
Mùa Thu đã tới rồi, trên khắp lối rực rỡ sắc màu, tuy năm này chịu ảnh hưởng của bảo gió nhưng những chiếc lá vàng đỏ, tía vẫn quyến rũ đến mê hồn nhưng rồi nó sẽ rời cành mang theo một thông điệp lạnh lùng như cho xong một đời, một số phận với năm tháng xanh xao trên cành làm thân lá biếc và những giọt mưa Thu bắt đầu rơi nhè nhẹ trên từng phiến lá hoe buồn! Thế nhưng có những chiếc lá khi được bàn tay con người hóa giải nó sẽ trở nên thân thiện đáng yêu một cách lạ lùng. Đó là ánh mắt đắm say cảnh vật, một tâm hồn yêu đời yêu người, yêu cỏ cây hoa lá của nữ ký giả Châu Vũ Bảo Uyên đang sinh sống tại thành phố Morrow, Georgia.
Tình cờ tôi biết Bảo Uyên trong một sự kiện khai trương Trung tâm Người già ở Atlanta, lúc ấy vào một buổi sáng đẹp trời Bảo Uyên đằm thắm trong tà áo dài Việt Nam, tưởng chỉ có vậy thôi nhưng sau nầy tôi mới phát hiện ra ở người phụ nữ nầy nét nhân hậu, lòng vị tha nhất là đôi mắt mơ huyền đen lay láy, mà khi nhìn cảnh vật chung quanh đều toát lên niềm đam mê khó lột tả hết được. Uyên vừa cầm máy, vừa làm thơ, viết truyện, viết báo mà công việc chính của em hiện tại là chăm sóc sức khỏe cho mọi người. Sau những ngày nghỉ, Uyên lang thang đây đó để sáng tác cho thỏa chí đam mê, những bức ảnh Bảo Uyên chụp được phần lớn là tĩnh vật, những chiếc lá Thu rơi xuống mặt đất nằm bất động như cho xong một đời lạnh lùng thì qua quán chiếu của nghệ nhân một cách tinh tế, thả hồn vào ống kính thì những chiếc lá thu kia như long lanh tỏa sáng trong sự tồn sinh đa dạng sắc màu của trời đất. Khác với những tay máy chuyên nghiệp, Bảo Uyên bấm máy theo sự mách bảo của con tim, chính vì vậy mà lá cây “vô tri vô giác” kia đã biết nói và đem đến cho người xem sự thăng hoa trong nghệ thuật, một bức ảnh mà trên bàn tay dịu dàng của người thiếu nữ lấp đầy những chiếc lá màu đỏ, thể hiện sự tinh tế, nâng niêu, nhân hậu khoan dung của tình yêu người, yêu thiên nhiên mà bình thường trong mỗi chúng ta khó lột tả hết được.
Hay như bức ảnh “Gót ngọc“, Bảo Uyên đã cho thấy giữa lúc giao mùa, cái lạnh như cứa vào từng thớ thịt thì đàng kia bàn chân thon thả lách theo từng phiến lá hanh vàng, tạo nên sự mềm mại, ấm áp một cách lạ lùng. Hay như cảnh chính tác giả tạo dáng cho một tác phẩm thấp thoáng bên một dòng suối, vừa uyển chuyển, vừa ngập ngừng bên những chiếc lá Thu khiến cho ta vừa yêu thương vừa cảm thấy nao lòng!
Tôi đã đọc qua thơ và truyện văn của Bảo Uyên viết nhiều lần, những câu chữ Uyên dùng không câu nệ hoặc vay mượn, cũng không bóng bẩy hoa từ nhưng theo cách nhìn chân phương của người yêu nghệ thuật thì có lẽ Uyên viết bằng sự thổn thức của tâm trạng và nỗi ưu tư thầm kín nhưng sâu lắng của đời người. Đọc thơ và những tản văn của Uyên cùng những bức ảnh Uyên đã chụp được tôi thấy toát lên một tình yêu chân thành theo từng câu chữ cứ vây quanh nhau, thoắt ẩn, thoắt hiện, khi ân cần, lúc dịu dàng, khi sầu tư lúc hờn dỗi… Nhưng được một cái là những tác phẩm Châu Vũ Bảo Uyên viết hay chụp đều có cái hậu đáng yêu! Mỗi đề tài mà người phụ nữ nầy khai thác, thể hiện đều ẩn chứa một thứ tình yêu bao dung khoáng đại, nó đã thoát ra khỏi sự tầm thường để trở thành những nét phi thường đưa đến cho người đọc, người xem sự thỏa mản khát khao.
Ta vì em mà muôn chiều lá đổ
Quên cuộc đời trong đáy cốc hư vô… ( CVBU ) hoặc
Rồi tháng mười cũng về theo mùa lá
Những sắc vàng óng ả dưới trăng khuya
Còn chiếc đỏ ủ mê lời gió thoảng
Cho tháng buồn vương vãi giọt mưa tuôn (Tháng mười của em)
Bao lần tôi tự hỏi rằng: Giá như cuộc đời không đưa Bảo Uyên vào ngã rẽ mới, thì giờ nầy chắc Uyên đã là một nhà giáo đoan trang, đôn hậu và biết đâu trên bục giảng kia Uyên sẽ làm được bao đam mê và khát vọng của một con người luôn cầu thị, và khi bước qua ngưỡng cửa đời người Bảo Uyên lại dấn thân vào nghiệp báo, tất tả sớm hôm với chiếc máy ảnh, ba lô nhốt đầy tình yêu với ánh mắt bao dung độ lượng của một người phụ nữ hiền từ nhân hậu. Tất nhiên lĩnh vực nào cũng cần cái tâm và cả tầm nhìn, hy vọng, vâng, rất hy vọng Châu Vũ Bảo Uyên sẽ có những trải nghiệm ngọt ngào và thăng hoa trên từng tác phẩm!
Atlanta, cuối tuần Thu về tháng 10/2022