Bài phóng sự & hình ảnh: Châu Vũ Bảo Uyên
Đây là lần thứ tư, các bạn trẻ Đạt (Daniel) Lê, Hồng Vân, Bảo Châu, cùng kết hợp với nghệ sĩ ưu tú Phương Hồng Thủy cho ra mắt khán giả Atlanta, GA và các vùng phụ cận chương trình Cải Lương Tôi Yêu (CLTY). Phóng viên nguyệt san Vietlifestyles Magazine đã tranh thủ thời gian đặt vài câu hỏi với Đạt (Daniel) Lê, là một trong những bầu shows rất có tâm và có tấm lòng vì nghệ thuật, hết lòng với các nghệ sĩ, ca sĩ, nhạc công, …
PV: Điều gì thôi thúc Đạt thực hiện CLTY?
Bầu Đạt Lê: CLTY 4 với mong muốn giữ gìn nghệ thuật truyền thống, trong bối cảnh hội nhập và phát triển, những người yêu nghệ thuật sân khấu cải lương vượt qua khó khăn, nỗ lực sống hết mình vì nghề, vì đời. Các nghệ sĩ cải lương tâm niệm mang trong mình trách nhiệm giữ gìn, phát huy di sản nghệ thuật mà các truyền nhân đã để lại, giới thiệu tinh hoa văn hóa dân tộc đến bạn bè thế giới.
PV: Ở hải ngoại này phần lớn mọi người đều thích nghe, và coi nhạc Tây, nhạc tân.Vậy tại sao Đạt lại đem cải lương đến với họ?
Bầu Đạt Lê chia sẻ: Do cuộc sống tác động khiến các bạn trẻ mải mê chạy theo những thứ thời thượng, trong đó có trào lưu nhạc Ngoại & nghệ thuật Văn hoá khác. Các bạn trẻ cho rằng nghe những loại nhạc hiện đại phong trào thì mình được “thượng lưu” “quý tộc”, nhiều người ái mộ. Ngược lại những khán giả mê cải lương, nhạc truyền thống văn hóa Việt Nam, bị ngại vì sợ đám đông cho là “quê” hay “sến”, bị chê quê mùa quá. Điều đó đã làm cho bảo tồn văn hoá Việt Nam giảm dần.
PV: Giữ gìn cái hồn dân tộc, giữ gìn cải lương, có khó quá không Đạt?
Bầu Đạt Lê: Để khán giả trẻ nghe cải lương, hát xẩm mà say mê, tìm tòi, thử tìm cách say mê nghệ thuật cải lương, đặc biệt cải lương tuồng cổ, vốn là tinh hoa của vùng đất Nam bộ.
Chính là phụ huynh khán giả khuyến khích con em đi xem cải lương đó là cách giữ gìn, bảo tồn nghệ thuật cải lương giữa những làn sóng văn hóa giải trí hiện đại.
Giữ gìn cải lương là giữ gìn đặc sản quý giá của nền văn hóa miền Nam, Việt Nam chúng ta. Tại GA, ba bạn trẻ Đạt Lê, Hồng Vân, Bảo Châu đã là những người làm nên lịch sử trong việc gieo ươm hạt giống “yêu cải lương” bằng cách tổ chức mỗi năm chương trình Cải Lương Tôi Yêu. Chương trình đi vào lòng những khán giả còn lưu luyến và tha thiết với cải lương, để chính họ, những bậc phụ huynh, sẽ khuyến khích và đưa con cháu mình đi xem. Đây là cách chúng ta có thể tiếp tục giữ cải lương sống mãi trong lòng các thế hệ trẻ Việt Nam ở Hải ngoại.
Xuyên suốt năm tiếng của chương trình CLTY4, khán giả không ngừng những tràng pháo tay, những tiếng cười nghiêng ngửa từ các màn tấu hài, trích đoạn từ tuồng xã hội. Những thán phục phải buột miệng thành lời “Hay quá! Hay quá đi!” theo sau bằng những trận pháo tay giòn tan như muốn tung nắp rạp nhà hát!
Riêng Hồng Vân, chính là con gái của NSUT Phương Hồng Thủy bày tỏ, “Được làm nghề, dù lỗ vẫn vui, vì với nền kinh tế thị trường như hiện nay, sự du nhập của nhiều loại hình giải trí đã khiến giới trẻ dần xa rời văn hóa dân tộc. Thế nhưng, mọi thứ vẫn còn đó. Nghệ thuật cải lương vẫn chinh phục được người trẻ tại Mỹ nếu được đầu tư. Dù sau những suất diễn, chúng tôi thua lỗ mỗi người hơn 1000 USD, nhưng rất vui vì được làm nghề nghiêm túc”.
Hồng Vân và bạn bè cô vẫn khao khát tổ chức nhiều chương trình “Cải Lương Tôi Yêu” để không phụ lòng mong mỏi của đồng hương xa quê.
(Tường trình từ Norcross, 09/18/2022)
– Châu Vũ Bảo Uyên –