Ca nhạc sĩ Phạm Khải Tuấn, người đã sáng tác ca khúc nổi tiếng “Trái Tim Bên Lề” vừa mới ra mắt lần đầu tiên một loạt những nhạc phẩm mới, được thu âm và trình bày bằng chính giọng hát của tác giả như là một lời “chào hỏi” gửi đến khán thính đầy trân trọng, chan hoà yêu thương cho sự tái xuất hiện của anh với showbiz Việt sau một thời gian anh tạm vắng bóng trên sân khẩu nghệ thuật ca nhạc.
Một trong những nhạc phẩm gây ấn tượng nhất đó là bài Cô Đơn. Bài hát với lối hoà âm nồng nàn, chan chứa nhưng rất khắc khoải tràn ngập kịch tính, mà tác giả muốn mượn những tiếc tấu đó để kể nên một câu chuyện về sự trống vắng trong tâm hồn giữa dòng người vội vã ở đời này.
Sự nhặt khoan, trầm lắng nhưng xoáy sâu vào tâm tư người nghe và làm cho mình có cảm giác như đang bị lôi cuốn, trăn trở, lẫn uất ức giữa tình tiết nội dung câu chuyện, cho đến những âm thanh vút cao, chùn chằn, rồi rớt xuống tiếp nối nhau cho đến note cuối cùng khi chấm dứt bài nhạc trong khoảng trống mênh mông giữa màn đêm vì sự lạc lỏng, một mình trong sự cô đơn vây kín! Một vỡ nhạc kịch rất Cô Đơn!
Đó cũng chính là một sự khao khát, một ước mơ thoát khỏi nỗi buồn Cô Đơn của Trái Tim Bên Lề. Bày tỏ với đọc giả của Vietlifestyles, Phạm Khải Tuấn đã bọc bạch một cách rất chân thành qua những lời chan chứa, đầy tâm sự, từ trái tim rất nhiệt huyết cho âm nhạc qua một cuộc trò chuyện thân tình với ký giả Bảo Uyên, phóng viên Việt Lifestyles.
Bảo Uyên: Điều gì thôi thúc anh thực hiện những đêm nhạc Phạm Khải Tuấn live shows Liên Khúc Trái Tim Bên Lề?
PKT: Ước mơ của mỗi cá nhân chúng ta có thể khác nhau về 3 chiều không gian của vật chất và tinh thần nhưng đều giống nhau ở những tầng cơ bản nhất. Đối với Phạm Khải Tuấn, được may mắn dùng khả năng nghệ thuật của mình để kiếm sống được, nếu may mắn hơn, có thể dùng khả năng đó để thay đổi thế giới tốt hơn, giúp những người kém may mắn hơn mình, đó là mục đích của Phạm Khải Tuấn. Định mệnh, hoàn cảnh, trong đó có con người đã tạo ra những cái duyên rủi may đưa PKT đến với những không gian sống khác nhau trong hơn 20 năm qua khi đã tha thiết, sống chết với nghề. PKT yêu nghệ thuật đến nỗi phải cày đến hơn 10 nghề lao động khác nhau để nuôi những đứa con nghệ thuật của mình để rồi có những ca khúc, như ca khúc “Đêm Buồn” viết từ năm 1989, ca khúc “Cô Đơn” sáng tác từ 2011 nay mới được thu âm, quay hình qua lần về Việt Nam lần vừa qua của Tuấn, tất cả đều có trên kênh Youtube của Tuấn. Cơm áo gạo tiền trói buộc không riêng PKT mà hàng tỷ con người trên thế giới này, nhất là những ai không chịu bán cái tôi công bằng và sự tự trọng của họ. Không lẽ chỉ có tiền bạc và quyền hành mới đưa những gì họ muốn đầu độc con người lên những phương tiện truyền thông? Không lẽ sự dối trá cứ tiếp tục thống trị và sự thật, khả năng, lòng thành của mấy tỷ người bị đè bẹp, dí chết dưới những nanh vuốt của kỳ thị, tị ghen, hiếp đáp, bưng bít và lường gạt?
PKT đã dành gần 30 năm qua đi tìm sự thật. Sự thật trong tôn giáo, trong chính trị, trong showbiz, trong xã hội, v.v. Cười 3 tiếng, khóc 3 tiếng. Con người chúng ta tạo ra tất cả vấn đề, tất cả đau khổ trên thế giới vì chúng ta có thể ghét nhau, thù nhau vì bất cứ lý do gì. Bạn đẹp hơn, tài hơn, giàu hơn, có kiến thức hơn… Hay bạn xấu hơn, nghèo hơn, ít tài hơn, ít học thức hơn… đều đủ lý do để có người khác ghét bạn và không muốn thấy bạn thành đạt. Chiến tranh, loạn lạc xảy ta từ đó. Mọi tội ác xảy ra từ đó. Âm nhạc nói riêng và tất cả những lãnh vực khác đều bị cái tiêu cực, cái nhỏ nhen trong tâm trí con người kềm hãm sự tiến bộ, văn minh toàn thế giới.
Bảo Uyên: Anh vừa nhắc đến “Cô Đơn”, một nhạc phẩm rất khắc khoải, u uất. Anh muốn nhắn nhủ điều gì với khán thính giá từ Cô Đơn?
PKT: Thời gian dài vừa qua Tuấn đã chìm mình trong lặng lẽ, trong âm thầm và đã tự “hành hạ” mình trong nỗi buồn của sự cô đơn. Tuấn thấy mình bị biệt lập, lạc lỏng, và chơi vơi giữa dòng người và cuộc sống rất vội vã ở ngoài kia. Hơn bao giờ hết, Tuấn như bị nỗi cô đơn bào mòn và gặm nhấm lấy thân thể lẫn tâm hồn nhiệt huyết – muốn yêu, muốn sống trọn vẹn, hết mình với âm nhạc và cho nghệ thuật của Tuấn. Tuấn thấy mình nhớ sân khấu, nhớ khán giả, nhớ fans của Tuấn. Nhớ những âm thanh, cung điệu, và nhớ cả ánh sáng, đèn màu của sân khấu. Hơn lúc nào hết, Tuấn muốn bức mình ra khỏi màn đêm, sự im lặng chết người của nỗi cô đơn rất khủng khiếp và rất đáng sợ đó!
Bảo Uyên: Anh đã rất thành công khi “bức phá” màn đêm của Cô Đơn qua một loạt live shows Trái Tim Bên Lề suốt hai tháng vừa qua. Vậy hoạch định sắp tới của anh ra sao?
PKT: Tuấn muốn được dùng hết quỹ thời gian của mình để được 100 phần trăm phục vụ nghệ thuật, phục vụ nhân sinh và tìm đến Chân Thiện Mỹ. Để làm được điều đó, PKT cần đến sự giúp đỡ của mọi người. Đây là những điều quí vị có thể làm để giúp cho Tuấn và nghệ thuật nói chung. Gọi PKT hát show, làm MC, show gì cũng hát, miễn là Tuấn và nghệ thuật được tôn trọng. Kiếm Tuấn mua nhạc, mua độc quyền hay xử dụng tác quyền cũng được miễn là thù lao giải quyết được đời sống cơm áo gạo tiền. Tài trợ bằng tiền bạc, vật chất, tinh thần và được lại sự quảng cáo như là cách thức đền đáp và lòng biết ơn từ PKT khi cùng với Tuấn đầu tư vào những chương trình, sản phẩm âm nhạc, thu âm, thu hình, dựng chương trình, lên TV, talk show, game show… và tất cả sinh hoạt âm nhạc khác để Tuấn được xử dụng hết khả năng âm nhạc của mình. Xin cám ơn trước tất cả lòng tốt của quí vị. Thật ra, Tuấn muốn thấy được rất nhiều và rất nhiều lòng tốt và không muốn thấy những điều trái ngược. Xin mọi người nhắc nhau giúp Tuấn đăng ký vào kênh youtube của Tuấn để được đầu tiên thưởng thức những ca khúc mới nhất.
Tiểu sư ca nhạc sĩ Phạm Khải Tuấn
Khải Tuấn tên thật là Phạm Thanh Cường, người gốc Nam Định, nhưng sinh ra ở Sài Gòn. 13 tuổi, Tuấn viết bài hát đầu tiên dù chưa rành về âm nhạc. Anh tự mày mò đờn Piano, Guitar, Harmonica, Bass, trống… sáng tác, đánh nhịp, hát… với ca đoàn nhà thờ. Lớn lên anh lập ca đoàn thiếu nhi, dạy các em nhỏ hát, lập ban nhạc, làm MC, rồi làm thơ, viết báo, dịch nhạc, làm hoà âm… làm rất nhiều chuyện liên quan tới âm nhạc.
Tính đến nay anh đã sáng tác trên 2,000 bài hát, trong đó rất nhiều bài được khán giả trong và ngoài nước yêu thích như: Trái Tim Bên Lề, Phi Trường Ly Biệt, Cho Em Ra Đi, Dốc Phố Mùa Xuân, Cuộc Tình Chia Đôi, Cơn mưa chiều nay, Đời hát cho người, Đừng cho tôi biết em dối gian, Cô đơn đêm mưa, Tình yêu vượt thời gian, Cuộc tình đã mất, Hãy yêu em đi, Vai phụ… Anh đã từng sống ở Hoa Kỳ một thời gian, sau đó, anh dọn sang Canada và hiện đang cư ngụ tại Vancouver.
Ca nhạc sĩ Phạm Khải Tuấn đã từng đoạt giải quán quân trong Cuộc Thi Tuyển Lựa Ca Sĩ của Trung tâm Asia, nhưng có lẻ do duyên số của anh lận đận với showbiz nên anh đã phải gián đoạn các sinh hoạt nghệ thuật trong một khoảng thời gian dài như thế. Năm 2010, theo lời mời của cô Thanh Mai, Giám đốc New Saigon Entertainment, đã liên lạc nhạc sĩ Phạm Khải Tuấn để xin phép được thu hình ca khúc “Trái Tim Bên Lề” qua phần trình bày của ca sĩ Cảnh Phúc, người đoạt giải nhất trong cuộc thi Tuyển Lựa Tài Năng Tiếng Hát Nước Tôi mùa đầu tiên 2008. Sau đó, cô Thanh Mai đã mời nhạc sĩ Phạm Khải Tuấn về Arizona trong vai trò của một MC điều hợp chương trình Live Concert Fashion show tại Casino Wild Horse Pass. Ngoài lãnh vực âm nhạc, được biết ca nhạc sĩ PKT còn là một nhà thơ với trái tim nhạy cảm, và một triết gia chia sẻ những trải nghiệm thú vị về con người, cuộc sống.
“Xin cười một nụ với tôi
Cười thêm nụ nữa cho đời vui lên!!!”
(Phạm Khải Tuấn)
Để kết thúc bài viết này về ca nhạc sĩ Phạm Khải Tuấn đa năng giàu cảm xúc, rất bình dị, thân tình nhưng cuộc đời đầy lận đận, xin mượn câu này của ký giả Phạm Lữ khi viết về PKT: “Anh là thế, luôn nhìn đời bằng cái nhìn nhẹ nhàng nhưng sâu sắc. Cứ mỗi cảm xúc vui buồn, anh đều có thể biến thành những nhạc phẩm cho chính mình và cho cả người nghe…”
Với sự tái xuất hiện của một Phạm Khải Tuấn đầy màu sắc, đam mê, và tài năng, chúng ta mong chờ những shows nhạc sẽ có sự xuất hiện của anh thường xuyên hơn, ở khắp nơi từ Mỹ đến Canada.
Quí vị và các bạn có thể liên lạc Phạm Khải Tuấn qua:
- Email: phamkhaituan@gmail.com
- Phone: (778) 269-0468
- Facebook & Youtube: Phạm Khải Tuấn
- Zalo: 0906610253
– Châu Vũ Bảo Uyên –