0 0
Read Time:18 Minute, 19 Second

Do Thanh Mai (TM) thực hiện

TM:  A-lô! Mến chào chị Phương Hồng Thủy (PHT), chị có khỏe không? Em rất vui khi biết chị em mình là đồng hương người Biên Hòa, Đồng Nai.

PHT:A-lô! Mến chào Thanh Mai. Ủa em cũng ở Biên Hòa à, hân hạnh được quen biết thêm một đồng hương ở xứ người.

TM:  Thưa chị, là người dân Biên Hòa, miền Nam, chị có thể chia sẻ cái hay cái độc lạ của văn hóa miền nam mình qua bộ môn nghệ thuật cải lương?

PHT:  Nếu nói đến điểm độc lạ của văn hóa miền Nam qua bộ môn nghệ thuật cải lương thì phải nói tất cả những người Việt Nam dù ở bất cứ nơi đâu mỗi khi nghe tiếng ầu ơ, dí dầu, hoặc một tiếng đàn (đàn bầu, đàn kìm,…) hay những câu hò ở ngoài ruộng… Chỉ cần nghe tiếng “ầu ơ” là mình biết ngay đó là văn hóa miền Nam Việt Nam.

TM:  Cơ duyên nào đã đưa chị đến với bộ môn cải lương?

PHT:  Năm 1972, Ba chị đưa chị lên Trường Quốc Gia Âm Nhạc ở Sàigon để học dự thính đàn tranh và đàn bầu với thầy Khuê (Thầy giờ đã mất rồi), nhưng sau năm 1975, trường lại đẩy chị vô học bộ môn cải lương. Vì vậy vô tình nghề cải lương chọn Thủy chứ Thủy không phải chọn cải lương. Hồi nhỏ, Thủy dự định lớn lên mình sẽ theo nghề cô giáo đi dạy học vì chị thấy các cô giáo đi dạy mặc áo dài rất đẹp..(Cười)

TM:  Trong những năm tháng mới bước vào nghề cải lương, theo chị cái khó để theo đuổi ngành nghề cải lương là gì so với với các bộ môn nghệ thuật khác?

PHT:  Cải lương thấy dễ mà khó hơn các bộ môn nghệ thuật khác ở chổ là không phải chỉ có biết ca hát thôi, mà đòi hỏi người nghệ sĩ còn phải biết diễn. Nói chung phải học từ điệu bộ, mà nếu hát tuồng cổ thì phải tập những điệu bộ múa võ, múa văn theo đào văn, đào võ. Cải lương đòi hỏi người nghệ sĩ phải học rất nhiều thứ, cần hội đủ cả thanh lẫn sắc, phải có tài và còn phải có tâm nữa…Cho nên không phải mình chỉ biết lên một câu vọng cổ là mình có thể hát cải lương được, không đơn giản như vậy. Hồi đó Thủy học lớp chuyển tiếp từ trường Quốc Gia Âm Nhạc qua, nên Thủy chỉ học có 3 năm thôi. Sau này, các em phải học đến 4 năm, tốt nghiệp ra hệ trung cấp. Tuy nhiên, học không chưa đủ mà còn phải đi đôi với hành. Phải rèn luyện mỗi ngày, đi hát nghề sẽ dạy nghề, để mình mỗi ngày tiến bộ hơn.  Đối với chị Thủy, chị thích vai diễn xã hội hơn vì nó gần gũi với đời sống chúng ta hơn, Thủy có thể diễn tả cảm xúc thật hơn.

TM:  Chị đã diễn rất nhiều vai chính trong các vở tuồng cải lương, theo chị vai diễn nào là đáng nhớ nhất?

PHT:  Vai diễn đáng nhớ nhất là vai đào thương khoảng thập niên 80’s. Thời đó, Thủy có 2 vai diễn đáng nhớ đó là vai diễn ở Đoàn Võ Thị Sáu là vai Hoàng hậu Thượng Như trong vở cải lương Thứ phi Ỷ Lan. Đó là lần đầu tiên Thủy đóng vai đào độc, hát ở rạp Quốc Thanh. Không ngờ khi Thủy xuống câu vọng cổ, người ta vỗ tay trong khi Thủy đóng vai đào độc. Trong khoảnh khắc đó, Thủy giật mình xém chút quên tuồng và cảm thấy lâng lâng một niềm vui khó tả vì trước giờ Thủy không quên đóng vai ác, mà lần đó Thủy vào vai đào độc mà vẫn được khán giả ủng hộ thương mến. Nên đó là một kỷ niệm khó quên. Vai diễn đáng nhớ thứ hai của Thủy đó là trong vở tuồng Lan & Điệp khi đó Thủy đóng chung với chị Mỹ Châu hát cho đoàn Kiên Giang tại rạp Hà Quê ở Sài Gòn. Có khi Thủy hát hai màn đầu, chị Mỹ Châu diễn hai màn sau và ngược lại. Và vai diễn Lan đó của Thủy đã được nhiều khán giả thương, khen ngợi. Đó cũng là lần đầu tiên chú Diệp Lan tập cho một cô đào như Thủy ở tỉnh mới lên vô vở tuồng đó, chú khen, chú nói “con đóng được” Nghe như vậy, chị cảm thấy hạnh phúc lắm rồi… Và đó cũng chính là hai kỷ niệm đáng nhớ của Thủy.

TM:  Theo chị lý do tại sao bộ môn cải lương đang dần dà “cạn dầu” không phải chỉ ở hải ngoại, mà ngay chính trong nước?  Muốn cho bộ môn cải lương được vực dậy, cần có những yếu tố gì?

PHT:  Cái nghề cải lương của Thủy không phải khi cạn dầu, chúng ta chỉ cần châm dầu vô là có thể giữ lửa được. Thật tình mà nói, ở thế hệ của Thủy và lớp kế thừa thứ hai, thứ ba, cũng không dám nói chắc là mình có thể giữ được lửa nghề được vì chính bản thân mình, lửa nghề cũng đang từ từ cạn dần.  Thành ra mình không thể đổ lỗi cho thế hệ sau đã không giữ đủ lửa.  Khó lắm cưng để giữ lửa, khó lắm… vì “một cây làm chẳng nên non, nhiều cây chụm lại” may ra có thể…

TM:  Có lẻ thời nay phong trào youtube thịnh hành, ai ở đâu cũng đều có thể xem được nên vừa qua đạo diễn Trần Nhật Phong và Nghệ sĩ Phượng Mai đã thực hiện phim “Cạn Dầu” nói về sự tuột dốc của bộ môn cải lương.  Em nghĩ các anh chị em nghệ sĩ cải lương như chị cũng nên làm nhiều vở tuồng bỏ lên Youtube giống vậy để lưu lại về sau.

PHT:  Bộ môn cải lương sẽ được duy trì nếu vẫn còn khán giả… Tuy nhiên, chúng ta cũng nên thực tế nhìn nhận, tuổi trẻ ngày nay các em chỉ thích xem phim ảnh, youtube, còn đi đến rạp chỉ còn những người già.  Mà người già thì lại còn con cháu chở đi mới đi được… Thì em thử nghĩ có còn giữ được hay không, theo Thủy thấy khó lắm.  Đó là sự thật!

TM:  Là một nghệ sĩ cải lương tiền bối, chị còn là người giữ lửa cho bộ môn cải lương truyền thống trên xứ người, chị có suy nghĩ gì về thế hệ kế thừa tiếp nối duy trì bộ môn cải lương trong tương lai?  Và truyền lửa nghề ra sao?

PHT: Theo chị vẫn thấy khó lắm chị không dám truyền… Chính bản thân mình chị còn cảm thấy không được tự tin là mình đủ giỏi để có thể truyền lửa nghề cho thế hệ mai sau. Thật sự Thủy chỉ có thể giúp phần nào đó, cho một em nào đó còn yêu thích cải lương, như Thủy có hứa với nghệ sĩ Nhất Lang ở Atlanta rằng khi nào các em ấy mở lớp dạy và cần giúp gì, Thủy sẽ sẳn sàng. Riêng Thủy, Thủy chỉ cố gắng còn giữ được gì đó trong tim mình…. Rồi tới lúc nào đó, mình cũng sẽ ra đi thôi em. Ví dụ như chị Mỹ Châu cũng đã rút lui để giữ hình ảnh đẹp trong lòng công chúng. Chị Tài Linh cũng vậy, dù được mời trong chương trình Cải Lương Tôi Yêu 4 này, nhưng chị cũng từ chối vì “Chị đã già rồi, chị đã lùi 7 năm nay rồi. Rủi chị xuất hiện lần này, làm cho chị nhớ nghề, chị sẽ khổ thêm…” Em nghe những lời tâm tình đó có thấy thương không?  Thì chị cũng sẽ từ từ đi theo con đường đó thôi.  Thật sự chị cũng cảm thấy nản, nhưng Daniel Lê đã nói “Thôi cô, cô ráng lần này đi cô cũng như mình tưởng nhớ đến cô Ngọc Đáng, một người nghệ sĩ đã từng cộng tác với mình bao năm qua…”  Vì vậy, nên chị phải ráng đó em…

TM: Trong suốt bao nhiêu năm gắn bó với nghề ca hát, chị có những kỷ niệm gì đáng nhớ nhất trên con đường lưu diễn của mình, nhất là đến các vùng quê hẻo lánh?

PHT:  Chị đi theo đoàn lưu diễn trên toàn quốc Việt Nam, đến tận các miền quê hẻo lánh… Kỷ niệm chị nhớ nhất đó là năm 1979 khi chị theo đoàn ra diễn ở Móng Cái. Vừa diễn xong, ở đó họ bảo đoàn phải rút đi.  Cũng may là đoàn vừa đi khỏi chổ đó khoảng 15 phút sau, thì ở đó bị pháo kích từ Trung Quốc bắn sang, phá hủy toàn bộ khu vực. Cả đoàn không đi kịp chắc đã bỏ mạng ở đó rồi. Em nghĩ có hên không?  Rồi năm 1986 chị đi hát ở miền Trung. Năm đó, Ba chị mất mà ở đoàn họ giấu không cho chị hay tin vì sợ chị đi về không có người hát diễn tuồng mặc dù lúc đó Thủy chỉ là đào nhì chứ chưa phải là đào chánh. Một tháng sau chị mới hay tin, chị vội chạy về nhà thì đã thấy bàn thờ ba rồi. Cho đến bây giờ, chị vẫn không bao giờ quên năm đó…nhất là mỗi dịp Vu Lan về, khi hát những bài về ơn nghĩa sinh thành, chị luôn cảm thấy mình có lỗi với ba chị. Điều đó luôn làm cho chị ray rứt mãi cho đến hôm nay.   

TM:  Là một nghệ sĩ, nhân dáng rất là quan trọng. Bao nhiêu năm qua, chị vẫn giữ được nét thanh xuân. Bí quyết “trụ nhan” của chị là gì?

PHT:  Có lẻ mọi người nhớ Thủy nhất ở nụ cười. Nhiều người nói mỗi khi Thủy cười làm họ vui theo. Thật ra mình cũng già, da cũng nhăn, nhưng có lẽ do mình vẫn giữ được thần thái và nụ cười để đem đến niềm vui cho mọi người vì Thủy quan niệm, nỗi buồn để giữ cho riêng mình, còn niềm vui thì đem san sẻ với mọi người. Có lẻ vì vậy mà nhìn tưởng chị trẻ…

TM:  Nhìn lại chặng đường hơn 40 năm cống hiến cho nghệ thuật, điều gì khiến chị hãnh diện hay hạnh phúc nhất? 

PHT:  Thật ra niềm hãnh diện của người nghệ sĩ chính là khán giả. Chính khán giả là người đã nung đúc tinh thần cho nghệ sĩ để họ được thăng hoa trên sân khấu. Nó chỉ đơn giản vậy thôi.  Không có khán giả thì đâu có nghệ sĩ. Không có khán giả thì mình đâu có đứng trên sân khấu để hát, để đưa những điệu hò, điệu lý và các vở tuồng cho khán giả xem đâu. Không có khán giả thì mình chẳng là gì cả…

TM:  Được biết Hồng Vân, con gái chị cũng rất đam mê cải lương giống mẹ, lý do tại sao chị lại không muốn cho con nối gót sự nghiệp của chị?  Bây giờ nghĩ lại, chị có hối tiếc không?

PHT:  Chị không hối tiếc đâu em với quyết định của chị. Chị không muốn cho con theo nghề của chị, vì nghề nghệ sĩ cực lắm, chị không muốn nhìn thấy con khổ cực giống chị đã trải qua…Thật ra, sau này chị biết được là con gái chị nó cũng biết ca vọng cổ. Mười lăm năm chị xa con khi chị cho con đi du học ở bên Úc, chị dự định sau này, chị sang Úc sống với con. Chị cũng không ngờ chị đi thêm bước nữa, rồi chị qua Mỹ. Khi con tổ chức show cải lương ở bên Úc chị qua đó cùng với nghệ sĩ Ngọc Đáng và một số ca nghệ sĩ trong đoàn Cải Lương Tôi Yêu, chị nhìn thấy vóc dáng nhỏ bé của con, lo tất bật với việc tổ chức… Các anh chị em nghệ sĩ ai cũng thương, họ nói, dù chị không dạy cho con chị hát, nhưng nghề ca hát cải lương của mẹ đã nằm trong máu của con gái rồi.  Bởi vậy chị cảm động khi nghe con nói, “con tổ chức show này là để trả ơn tổ nghiệp đã cho mẹ cái nghề, vì con muốn đền ơn Mẹ” Tội nghiệp hơn nữa là con nó làm việc dành dụm tiền bao nhiêu năm, nó tổ chức show đó xong là hết tiền luôn đó. Dù show không có make money, nhưng bù lại ai cũng thương, nhất là khán giả, show diễn đã hạ màn, mà họ cứ nấn ná ở lại không muốn về.  Thành ra, đối với chị đó là niềm hạnh phúc. Chị cảm thấy như vậy là đủ rồi cưng.

TM:  Hải ngoại không phải là đất dụng võ cho bộ môn cải lương.  Khi chị quyết định sang Mỹ định cư cùng ông xã, chị có bao giờ hối tiếc với quyết định đó không? Tại sao? 

PHT:  Đôi khi có những quyết định mình không thể nói là đúng hay sai. Mà có một lúc nào đó trong đời mình, có những giai đoạn chuyển tiếp, hoặc dừng lại để mình bước tiếp đi…Thì trong cuộc đời, mình cứ thuận duyên để nó chuyển tiếp đi. Thủy không có hối tiếc. Cuộc đời mình có những thăng trầm… cuộc đời mình cũng giống như một sân khấu, cũng có hồi đầu, hồi giữa và hồi kết cuộc. Đôi khi nhìn lại, Thủy cũng không ngờ là mình qua sống ở Mỹ này. Và bù lại, Thủy rất viên mãn vì ở gần cuối đời mình, mình có được một tình yêu đẹp.  Thủy thường hay nói với ông xã, em chẳng có gì, qua đây chỉ có trái tim thôi, trong đó ấm ấp một tình yêu sân khấu vô bờ vô bến.

TM:  Được biết hiện tại chị đang có một cuộc sống hạnh phúc viên mãn bên gia đình tại Georgia với ông xã hết mực thương yêu, nếu có ai hỏi chị về ông xã chị, chị sẽ nói về anh ấy như thế nào? 

PHT:  Ông xã chị là người không có theo nghề cải lương, mà nếu nói về ông xã, chị chỉ dùng có một từ đó là “tốt”.  Tâm anh ấy rất tốt. Em có thấy ít có người đàn ông nào mà mỗi sáng dậy thắp nhang trước khi đi làm, tối thắp nhang trước khi đi ngủ. Đối với người phụ nữ, mỗi sáng thức dậy đều có người pha cho mình 1 ly cà phê là mình thấy hạnh phúc rồi đúng không em? 

Cỡ chị em biết cũng có rất nhiều đại gia theo đuổi, nhưng chị chọn ông xã chị, vì chị muốn được bình yên. Chị sống rất đơn giản, không dùng đồ hiệu và chỉ thích làm vườn và…ảnh chỉ muốn cuộc sống vui. Chị không thích hột xoàn, chị chỉ thích nhẫn cưới, để cho mọi người biết chị đã có bến đổ… Đối với chị, mỗi khi chị đi hát, nhận được tiền cát sê là chị dùng gửi cho chổ này chổ kia, có khi gửi về cho gia đình ở Việt Nam, khi thì cho Chùa, khi thì cho các nghệ sĩ gặp hoàn cảnh khó khăn… Còn ông xã chị, lâu lâu chi đi hát, ổng lại đưa cho chị vài trăm xài. Em nghĩ có ai được như vậy không?

TM:   Theo chị, bí quyết để giữ gìn hạnh phúc lứa đôi là gì?

PHT: Chị nghĩ chị không có bí quyết gì cả, chỉ là hiểu và thương. Anh chị thường hay tâm sự với nhau, đủ mọi chuyện trên đời, chính vì vậy mà anh chị hiểu và thông cảm cho nhau. Đơn giản là chỉ có vậy.

TM:  Chị là một người Phật tử thuần thành, theo chị tu tập đã giúp gì cho chị trong cuộc sống?

PHT:  Chị tu tập là để cám ơn cuộc đời đã cho chị gặp được ông xã chị. Gia đình ông xã chị là những Phật tử thuần thành, nhờ đó mà chị có dịp lên Chùa, chị được nghe giảng dạy, được tu tập, chị nhận thấy cuộc đời này vô tình mình đã gây ra nhiều tội lỗi trong lời nói, cử chỉ hành động hơn thua với ai đó, vô tình mình đã xúc phạm hay làm buồn lòng ai đó…Ví dụ chị đi hát mà vô tình hay cố ý chị đã gieo niềm thương, nỗi nhớ cho ai đó nhiều người, mà mình không đến được với họ là mình tội đó…Cho nên chị nguyện từ giờ đến cuối đời này chị xin xám hối. Chị đang chép kinh Pháp Hoa để cầu nguyện cho mọi người đều được bình an.

TM:  Trong chương trình Cải Lương Tôi Yêu kỳ 4 tại Georgia sắp tới đây, được biết đây là một chương trình được dàn dựng khá công phu. Chị có thể bật mí tí xíu về chương trình này cũng như Ban Tổ Chức đã mất bao lâu để thực hiện chương trình này?

PHT: Để tổ chức một chương trình Cải Lương Tôi Yêu như vậy ở hải ngoại rất khó vì rất tốn kém và phải tập trung các anh chị em nghệ sĩ từ các nơi về.  Năm nay chương trình sẽ có nhiều trích đoạn cải lương hồ quảng, với sự góp mặt của rất nhiều anh chị em nghệ sĩ như Cẩm Thu, Tuấn Châu, Đoan Thi, Lê Tín, Linh Tâm, Thanh Thanh Tâm… sẽ đóng những trích đoạn cải lương hồ quảng như Hạn Võ Biệt Ngu Cơ, Chiêu Quân Cống Hồ, Thái Hậu Dương Vân Nga, Châu Du Đại Soái… Còn anh Phillip Nam & chị Cẩm Thu sẽ trích đoạn Ông Cầu Quận Chín. Riêng chị Hương Lan và Thủy, sẽ hát trích đoạn Trưng Nữ Vương mà trước đây chị Hương Lan đã hát trình diễn trong show 50 năm cuộc đời sân khấu của chị ấy đã tổ chức ở Việt Nam và ở Mỹ do Trung tâm Thúy Nga phát hành.

TM:  Trong lần xuất hiện này, khán giả vùng Georgia sẽ chờ đợi những vai diễn đặc biệt gì của chị lần này? 

PHT:  Vì chương trình lần này khá dài với nhiều trích đoạn hồ quảng, nên phần chị chỉ phụ một vài tiết mục thôi.  Chị lo việc phụ giúp Ban Tổ Chức nhiều hơn.  Chị có một bật mí này:  Để tưởng nhớ đến cố nghệ sĩ Ngọc Đáng, Ban Tổ Chức sẽ có chị Ngọc Đáng hát trong phần trích đoạn Võ Tắc Thiên của Thủy, Thủy sẽ chỉ thoại và diễn nhân vật Võ Tắc Thiên nhưng tiếng hát sẽ là của chị Ngọc Đáng. Thủy nghĩ mọi người sẽ rất cảm động với tiếc mục này. Ai mà không đi xem được lần này sẽ rất là tiếc vì tiết mục đặc biệt này chỉ trình diễn một lần này duy nhất mà thôi.

TM: Chị có dự định sẽ tổ chức 1 live show để kỷ niệm cuộc đời ca hát của mình trước khi giả từ sân khấu không?

PHT:  Chắc không em ạ. Chị không dám hứa, vì đâu có biết chắc mình sẽ làm đâu mà hứa. Chị cám ơn Daniel Lê và con gái chị Hồng Vân và các bạn đã đứng ra tổ chức Chương Trình Cải Lương Tôi Yêu hằng năm để chị và các anh chị em nghệ sĩ khác có dịp tham gia. Để chương trình này được duy trì mỗi năm, Ban Tổ Chức và nghệ sĩ cần khán giả, chính khán giả mới là linh hồn của chương trình. Bô môn cải lương sẽ được duy trì nếu còn khán giả thương mến anh chị em nghệ sĩ. Chị mong qua bài báo này sẽ có thêm nhiều khán giả ở các vùng lân cận Atlanta mua vé đến ủng hộ Chương trình Cải Lương Tôi Yêu kỳ 4 sẽ được tổ chức vào ngày 18 tháng 9 ở Royal Ball Room.

TM: Cám ơn chị Phương Hồng Thủy đã dành thời gian chia sẻ tâm tình cùng em hôm nay. Mến chúc chị luôn trẻ đẹp, hạnh phúc, luôn được khán giả yêu thương và Chương trình Cải Lương Tôi Yêu kỳ 4 sắp tới được thành công viên mãn.

PHT:  Cám ơn Thanh Mai và báo Việt Lifestyles cho Thủy có dịp trải lòng mình hôm nay. Chúc em và báo Việt Lifestyles luôn được độc giả yêu thương và ngày càng phát triển. 

INTERESTING FACTS:

  • Sinh Nhật: 30 tháng 10
  • Sinh Quán: Biên Hòa, Đồng Nai
  • Sở Thích:  Ca hát, làm vườn trồng cây kiểng 
  • Màu Yêu Thích: Màu tím và màu vàng
  • Món Ăn Yêu Thích: Ăn cơm
  • Thần Tượng:  Ba của Thủy
  • Châm Ngôn Sống: Cho đi là tất cả!
  • Điều Ước:  Ước gì Má Thủy có thể sống lại được để Thủy xin lỗi Má!
  • Nơi Chốn Bình Yên:  Chỉ mong có sức khỏe để mỗi ngày được chép kinh cầu an đến mọi người.
Happy
Happy
0 %
Sad
Sad
0 %
Excited
Excited
0 %
Sleepy
Sleepy
0 %
Angry
Angry
0 %
Surprise
Surprise
0 %
Previous post VietLifestyles Issue 139
Next post ĐÊM NHẠC GÂY QUỸ LỄ HỘI TẾT TRUNG THU 2022

Average Rating

5 Star
0%
4 Star
0%
3 Star
0%
2 Star
0%
1 Star
0%

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.