Trần Phú Đa
Trước năm 1975, Thành phố Đà Nẵng, Tỉnh Quảng Nam và Tỉnh Quảng Tín là ba đơn vị hành chính dưới chính thể tự do Việt Nam Cộng Hòa. Khi ra nước ngoài tỵ nạn, định cư người dân 3 Tỉnh, Thành phố nầy đã gộp lại thành một tên gọi thân thương là Hội Đồng Hương Quảng Nam Đà Nẵng như ở Úc châu, Bắc California, Houston và vùng phụ cận, với Tiểu bang Georgia những người con xa xứ của 3 tỉnh thành phố nói trên đã hội tụ lại và thành lập ra Hội Ái Hữu Đồng Hương Quảng Nam Đà Nẵng từ ngày 25 tháng 12 năm 1995 đến nay đã bước qua 28 năm, với từng ấy thời gian bà con đồng hương quê nhà đã luôn gắn bó yêu thương nhau như anh em ruột thịt.
Thật vậy, sinh ra và lớn lên trên mãnh đất tuy nghèo nhưng có tiếng học giỏi, được lưu danh “Đất Ngũ Phụng Tề Phi, Địa Linh Nhân Kiệt” cư dân xứ Quảng dù ở đâu vẫn luôn trọng nghĩa tình, quê hương nơi đó có những dòng sông tạo nên những áng thi ca đi vào lòng người như Thu Bồn, Trường Giang, sông Hàn, dòng nước êm êm chảy từ thượng nguồn kết thành Giao Thủy rồi đổ ra Cửa Đại. Từ năm 1306 hai Châu Ô và Châu Lý (trong đó có một phần đất của Quảng Nam) được nhập vào bản đồ Đại Việt, từ đó Quảng Nam Đà Nẵng bắt đầu giữ một vị trí quan trọng trong tiến trình lịch sử của dân tộc Việt Nam, đây cũng là vùng đất thực dân Pháp đã nổ tiếng súng đầu tiên xâm lược nước ta lần thứ I (1858) khởi nguồn cho những phong trào Nghĩa hội (1885-1887) Đông Du, Duy Tân… Những phong trào đấu tranh thời đó đã gắn liền với những chí sĩ yêu nước như: Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng , Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Ông Ích Khiêm, Thái Phiên, Phạm Phú Thứ, Trần Quý Cáp, Trần Cao Vân… Sau năm 1975, khi Miền Nam Việt Nam bị Việt cộng cưỡng chiếm, hàng ngàn người dân nước Việt ra đi tìm tự do trong đó có bà con xứ Quảng. Khi đến Georgia định cư bà con đồng hương ngoài việc ổn định cuộc sống nơi vùng đất mới, một số vị cao niên đã đứng ra vận động thành lập Hội Ái Hữu Đồng Hương Quảng Nam Đà Nẵng. Thuở ban đầu ấy khó ai quên được hình ảnh của chú Nguyễn Ninh (nhà thơ Xuyên Trà). Chú Trần Ninh cựu Sĩ quan Cảnh Sát Quốc Gia, đêm đêm lặn lội đi đến từng nhà, gặp gỡ từng bà con quê mình để mong tìm tiếng nói chung thành lập cho được Hội Ái Hữu Đồng Hương, nhằm thăm hỏi giúp đỡ bà con khi cần thiết. Nghe kể lại hồi đó mỗi lần họp mặt là y như ngày hội, mọi người ôm choàng lấy nhau mừng rỡ khôn xiết, những món ăn đậm đà chất Quảng được những bà mẹ tự nấu rồi tự bày biện ra để cả nhà thưởng thức, anh chị em thanh niên thì tụ họp lại tập văn nghệ, ca hát suốt đêm, như bức tranh thanh bình thời chưa mất nước! Trải qua 9 nhiệm kỳ, những khuôn mặt thân thương luôn gắn liền với tình cảm đồng hương xa xứ, đó là các vị cựu Hội trưởng như chú Nguyễn Ninh (nhà thơ Xuyên Trà), chú Võ Công Minh, chú Trần Văn Ninh, anh Lê Vũ Cứ, anh Nguyễn Mậu Hiệp, chú Nguyễn Xuân, anh Nguyễn Bá Quyền, anh Võ Hướng Dương, chú Đỗ Xuân Quang, anh Nguyễn Anh Tuấn, hay lớp trẻ như anh Nguyễn Cao Trung, nhạc sĩ Trí Dũng, Bùi Chức, Người đẹp Cẩm Tú, Hồ Nguyên Kính, Phương Thảo, Nguyễn Diệu Anh Trinh… luôn sống chân tình, mẫu mực, gần gũi gắn bó với đồng hương như người trong một nhà. Rất nhiều nhà văn nhà thơ như Sử gia Trần Gia Phụng, thi sĩ Xuyên Trà, Trần Trung Đạo, Vương Trùng Dương, Xuân Đỗ, Thái Tú Hạp, Trần Yên Hà, Luân Hoán, Hoàng Huy Khánh, Việt Linh Trịnh, Đỗ Kim Bảng, Hà Kỳ Lam, Hoàng Lộc, Trần Lộc, Lê Luyến, Dư Mỹ, Lưu Nguyễn, Phan Xuân Sinh, Thành Tôn, Võ Đình Tuyết, Trần Thái Vân… dù lưu vong vẫn sống tao nhã, gieo nét bút chân thực với những vần thơ câu văn chan chứa tình người nơi hải ngoại, họ sống chan hòa gần gũi với đồng hương như máu thịt, nhiều chú, nhiều anh làm báo với cái tâm trong sáng trọng chính nghĩa ghét bạo tàn như chú Lê Văn Thành chủ bút Báo Viettimes, anh Tân Nguyễn chủ nhiệm kiêm chủ bút báo Trẻ, anh Nguyễn Mậu Hiệp chủ bút báo Hồn Nước, chị Nguyễn Trà My chủ tịch CĐNVQG Hoa Kỳ, anh Huấn Phạm Hội trưởng Hội Tìm Hiểu Lịch Sử GA và bên cạnh đó còn rất nhiều bà con Quảng Nam Đà Nẵng làm kinh doanh như I love Hotpot của anh Thảo, rồi chú Đỗ Đăng Quang Đại lý bán vé máy bay, Vợ chồng anh Bình Võ chợ Hông Kong, Tiệm Người đẹp, Thúy Ái Trường dạy Thẩm Mỹ, Tú Uyên chuyển tiền, Dương Võ Insurance, … Với tấm lòng vì đồng hương, vì cộng đồng và trọng thị, có lẽ vùng đất tổ “Quảng Nam chưa mưa đà thấm và Rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say” ấy đã tạo nên những con người luôn biết đoàn kết và yêu thương nhau, họ luôn biết kính trên nhường dưới, biết chăm lo gia đình và phụng sự xã hội. “Cái tội Quảng Nam hay cãi” đã làm rạng danh con người và vùng đất nhân kiệt nầy, nhưng họ lại đa cảm đến nỗi “Học trò xứ Quảng ra thi, thấy cô gái Huế bỏ đi không đành”, họ gồm mọi lứa tuổi, họ có chung một tấm lòng với quê hương Quảng Nam Đà Nẵng, một tình yêu đất nước và con người Việt Nam mặn nồng, chính những con người ấy luôn trăn trở và thấu hiểu thân phận lưu vong, xót xa vì bà con bạn bè trong nước đang khốn khó đủ điều.
… Mẹ vẫn ngồi đan một nỗi buồn
Bên đồi gió tạt với mưa tuôn
Con đi góp lá nghìn phương lại
Đốt lửa cho đời tan khói sương… (TTĐ)
hay như:
Tôi mơ ước mai về đêm hội ngộ
Bánh chưng thơm hương nếp mới quay quần (TTH)
Còn đó hình ảnh nhà Thư họa tài ba xuất chúng Vũ Hối, người đã làm rạng danh đất Quảng khi đạt giải Khôi Nguyên và được Tòa Bạch Ốc mời vào vẽ chân dung cho Tổng Thống John F. Kennedy lúc còn tại vị. Kế vị ông là người con trai thứ Họa sĩ Vũ Quốc. Vũ Hối không những là Họa sĩ, Nhiếp ảnh gia mà ông còn là một Thi sĩ với lối làm thơ chân tình mộc mạc nhưng đã để lại dấu ấn không quên trong lòng công chúng:
Điệp trùng sông núi mênh mông
Nắng mưa nghiệt ngã giữa vòng bể dâu
Trăng khuya nhớ sóng bạc đầu
Thương sông núi đứng dãi dầu từng đêm
Thông reo như tiếng mẹ hiền
Lời ru vọng cả hồn thiêng núi rừng…
Rồi đứng trầm ngâm nhìn về quê mẹ mà than:
Nghìn trùng quê mẹ xa vời vợi
Quảng Nam ơi! Nỗi nhớ khôn nguôi!
Sau lớp các chú cao niên, những người trẻ tuổi Quảng Nam Đà Nẵng vẫn lưu giữ hình ảnh vị tha, nhân từ, độ lượng xem công việc của Hội Ái hữu đồng hương như công việc của chính gia đình mình. Nhiệm kỳ vừa qua ngoài việc thực thi các công việc mà người tiền nhiệm để lại, các bạn, các em luôn lắng nghe tiếng nói của đồng hương, hay tin nhà nào có hiếu hỉ hay chuyện buồn là các anh chị em đến ngay, một lời thăm hỏi, một lẵng hoa chúc mừng, một sự chia sẻ, tất cả những cử chỉ thân tình ấy luôn gắn kết tình đồng hương lại với nhau. Thường thì mỗi sáng Chủ Nhật cuối tuần anh chị em trẻ tuổi (đôi lúc cũng có các vị cao niên) đến một nơi quen thuộc trên đường Pleasant Hill để nhâm nhi ly cà phê rồi hàn huyên tâm sự, tuy thời gian không dài vì mỗi người một việc mưu sinh (không giống như ở Việt Nam ngồi cà rồi phê cả ngày) nhưng đủ để họ giải bày tâm sự và đồng cảm nhau. Rồi một lời hẹn bất thành văn, cứ mỗi tháng vào một tối Chủ Nhật cuối tháng họ tụ họp lại (theo từng nhà) chúc mừng sinh nhật những người đồng hương sinh trong tháng ấy, cũng có hoa, có bánh sinh nhật hẳn hoi, anh Hội trưởng Nguyễn Cao Trung sẽ nói lời chúc mừng từng người, sau đó là cắt bánh, thổi nến, hát hò khiêu vũ đến nửa khuya rồi chia tay để về nghỉ ngơi chuẩn bị cho công việc ngày mới. Hội Ái hữu đồng hương Quảng Nam Đà Nẵng lập ra một Facerbook, tạo diễn đàn để bà con đồng hương trao đổi thông tin cho nhau, luôn duy trì Đặc san xuân Sông Thu cuối năm, làm quà xuân tặng cho cộng đồng, quý vị thương gia nghiệp chủ, thân hữu và tất cả bà con đồng hương trong và ngoài Tiểu bang. Khi nghe tin một đồng hương mới đến định cư Hội đến chúc mừng và tặng quà, hướng dẫn mọi thủ tục cần thiết để bà con sớm hội nhập.
Một điểm nổi bậc của người Quảng nói chung và tổ chức Hội Ái hữu đồng hương Quảng Nam Đà Nẵng nói riêng là luôn biết ghi ơn những người đi trước và những người cưu mang giúp đỡ mình. Họ sống hết mình vì đồng hương, vì cộng đồng. Các em học sinh là con em Quảng Nam Đà Nẵng luôn được cha mẹ, ông bà và tổ chức hội thương yêu, bảo ban nhất là các em sinh ra trên đất Mỹ, luôn được nhắc nhở học tiếng Việt, lễ nghi giáo huấn trong gia đình một cách đàng hoàng. Việc nói năng, nghệ thuật ứng xử của người Quảng thì không lẫn vào đâu được, họ sống thật thà, chân chất như hòn đất quê mình, nhiều điệu lý, câu hò xưa kia thấm đượm trong từng lời ru của mẹ, của bà, giọng ầu ơ đã theo dòng thời gian vượt qua mọi không gian để tồn tại và phát triển cho dù qua nhiều biến thiên thời cuộc.
Bây giờ đã định cư nơi đất mới, người dân xứ Quảng vẫn miệt mài trong mọi công việc thế nhưng hễ đến các ngày hội ngộ trong gia đình hoặc ngoài cộng đồng các món ẩm thực đặc sản như thịt heo cuốn bánh tráng, mì Quảng thì không thể nào thiếu được, đây là nét văn hóa riêng của người dân Quảng Đà, mỗi ngày thấy bà con yêu thương, gắn bó nhau mà vui cái vui chung khi đang tỵ nạn định cư nơi vùng đất tự do, dân chủ nầy, mỗi khi đồng hương hoặc cộng đồng cần điều gì chẳng mấy ai ngần ngại mà chối từ. Thật thiêng liêng hai tiếng đồng hương khi xa xứ mưu sinh, lập nghiệp và phát xuất từ tình yêu thương gắn bó ấy, hằng năm Hội Ái Hữu Đồng Hương Quảng Nam Đà Nẵng Georgia thường xuyên tổ chức họp mặt để bà con gặp gỡ chúc tụng năm mới với nhau, mong bình yên đến với mọi nhà mọi người.
Năm nay, nhân ngày đầu năm mới 2023 tại Royal Ballroom 6185 Buford Highway NE thành phố Norcross Georgia, Hội đã tổ chức họp mặt thường niên, ngoài việc báo cáo tổng kết công tác hội, rất nhiều bà con đồng hương và thân hữu đã có những tiết mục văn nghệ góp vui thật phong phú hấp dẫn, đáng chú ý là năm nay đồng hương đã bỏ phiếu bầu chon Ban Chấp Hành mới với 5 thành viên, tổ chức tặng quà cho các vị cao niên, phát thưởng khuyến học và lì xì cho trẻ em nhân dịp đầu năm mới.
Cuối tháng 12/2023